Nhận diện xu hướng và thách thức để thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng

(Banker.vn) Ngày 21/12/2023 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2018 TP. Hồ Chí Minh tổng kết công tác báo chí, xuất bản và triển khai nhiệm vụ 2023

Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Dự và chủ trì Hội nghị có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm.

Cùng dự Hội nghị có hơn 700 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; các tổng biên tập, tổng giám đốc, giám đốc, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí…

Tại Hội nghị, các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí cũng như đời sống báo chí - truyền thông hiện nay; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, toàn diện cho năm 2024 và trong giai đoạn tới.

Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian nghe các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí cũng như đời sống báo chí - truyền thông hiện nay; nhận diện xu hướng, thách thức; xác định những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, toàn diện cho năm 2024 và trong giai đoạn tới...

Nhận diện xu hướng và thách thức để thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương và chúc mừng những kết quả quan trọng mà những người làm báo cả nước đã đạt được trong năm 2023.

Đề cập tới những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của đội ngũ người làm báo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, để công tác báo chí chất lượng, hiệu quả, cùng với những nhiệm vụ mà Hội nghị đã xác định cho năm 2024, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quán triệt, nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí, của đội ngũ làm báo; cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Thứ hai, năm 2024 là năm có nhiều sự kiện kỷ niệm quan trọng của đất nước, như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân; 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô… Ngoài những nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền thường xuyên, đối với các sự kiện này, đề nghị các cơ quan báo chí bám sát hướng dẫn của cơ quan chức năng, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản tuyên truyền ngay từ đầu năm, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa cao. Đặc biệt, chúng ta đang triển khai tiến hành Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Báo chí, với thế mạnh về tư liệu và khả năng phát hiện, phản ánh, giám sát, phản biện, đề xuất, kiến nghị, cần góp phần đáng kể, tích cực vào việc triển khai nội dung đặc biệt quan trọng này.

Thứ ba, năm 2024 cần nỗ lực phát huy kết quả, thành tựu; thực sự quyết tâm trong việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, giải quyết, xử lý tốt những thách thức trong hoạt động báo chí để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Cần tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 bám sát với quan điểm quản lý phải theo kịp sự phát triển của báo chí, truyền thông, phải tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Thứ tư, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan chủ quản báo chí cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Có cơ chế tạo điều kiện và hiệu quả thực chất về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cơ chế đặt hàng thông tin, tuyên truyền để cơ quan báo chí hoạt động ổn định và phát triển.

Thứ năm, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, hơn bao giờ hết, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực là chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội; góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam; chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.

Thứ sáu, tiến tới dấu mốc kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ngay từ bây giờ, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cấp hội nhà báo, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và mỗi người làm báo cả nước phải nghiêm túc nghiên cứu, tìm tòi, xác định được diện mạo, hướng đi của báo chí cách mạng sau cột mốc 100 năm.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ, nhìn chung trong năm 2023, báo chí đã làm “tốt hơn năm trước rất nhiều” trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị: nhanh hơn, kịp thời hơn, đặc biệt có nhiều sản phẩm báo chí rất xúc động, sâu sắc và chia sẻ hơn.

Theo Phó Thủ tướng, mỗi nhà báo trước tiên phải là một người tử tế để có các sản phẩm tử tế; luôn học hỏi từ các lớp tập huấn, chương trình công tác… và chính đồng nghiệp của mình, ở trong và ngoài nước; từ đó mỗi nhà báo bản lĩnh, trách nhiệm và tích cực hơn. Các cơ quan chủ quản trách nhiệm, sâu sắc hơn và tăng cường kiểm tra giám sát. Cần cân đối giữa ngân sách nhà nước và nguồn thu của đơn vị tự chủ với nguyên tắc đảm bảo đời sống, tạo điều kiện trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, ưu tiên cho hoạt động đổi mới và sáng tạo. Trong từng cơ quan báo chí, có những cơ chế chính sách để khuyến khích sự cạnh tranh tích cực trong từng nhà báo, từng tòa soạn với nhau.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đến công tác tài chính cho các cơ quan báo chí để thúc đẩy, khuyến khích và bảo đảm báo chí hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; tháo gỡ cơ chế chính sách về tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí...

Nhân dịp này, Ban Tổ chức Hội nghị đã trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 33 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2023.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương