Nhà vàng Sacombank-SBJ ròng rã thua lỗ, đánh rơi 141 tỷ đồng vốn góp Sacombank

(Banker.vn) Giữa bối cảnh thị trường vàng gây sốt bởi tin tức thanh, kiểm tra, Sacombank-SBJ được nhắc đến nhiều hơn với doanh thu trồi sụt và tình trạng thua lỗ ròng rã.
Chủ tịch Sacombank phân trần về tin đồn Vạn Thịnh Phát, quả quyết đang làm tất cả vì ngân hàng Tỷ giá Nhân dân tệ hôm nay 14/5/2024: Ngân hàng tăng giảm không đồng đều, chợ đen tăng giá Bộ Công an truy tìm ông Đặng Tất Thắng, người nhiều lần xúc phạm Chủ tịch Sacombank

Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBJ) là một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Dù vậy, Sacombank-SBJ đã thua lỗ triền miên kéo dài tới mức làm mất 141 tỷ đồng vốn góp của Sacombank. Nguyên nhân là vì Sacombank-SBJ nhiều năm chứng kiến doanh thu trồi sụt mạnh.

Buôn vàng cho Sacombank

Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBJ) là công ty 100% vốn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Công ty thành lập ngày 18/3/2008 với người đại diện pháp luật là ông Tô Thanh Hiệp.

Với tiêu chí “phát triển nhanh, hiệu quả nhưng an toàn và bền vững” Sacombank-SBJ tích cực xây dựng theo mô hình trung tâm đa sản phẩm, kết hợp trưng bày, bán các dòng sản phẩm trang sức, quà tặng phong thủy, quà tặng kim hoàn, vàng mỹ nghệ 24k (99,99) cao cấp dành cho cá nhân, đơn vị...

Sacombank-SBJ đã phát triển và mở rộng hơn 20 chi nhánh, cửa hàng và điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc. Với ưu điểm là thành viên trực thuộc Sacombank nên các chi nhánh, cửa hàng của Sacombank-SBJ có được sự thuận lợi nhất định về mặt vị trí là được đặt trong chi nhánh hoặc phòng giao dịch của Sacombank.

Dù có nhiều thuận lợi khi là thành viên của nhà băng Sacombank, nhưng Sacombank-SBJ lại cho thấy bức tranh tài chính bết bát khi doanh thu trồi sụt và thua lỗ triền miên tới mức “bay” hơn một nửa vốn của công ty mẹ.

Doanh thu trồi sụt bất thường

Trong vài năm gần đây, doanh thu Sacombank-SBJ được chia làm 2 giai đoạn rõ rệt: Tăng trưởng mạnh từ năm 2017 đến 2019 và “lao dốc” từ 2019.

Nhà vàng Sacombank-SBJ ròng rã thua lỗ, đánh rơi 141 tỷ đồng vốn góp Sacombank
Doanh thu Sacombank-SBJ trồi sụt bất thường trong những năm qua. (Biểu đồ: Vân Khánh)

Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2018 của Sacombank-SBJ đạt 191 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số 89,7 tỷ đồng của năm 2017. Tới năm 2019, chỉ tiêu này tăng đột biến, tăng 1.179 tỷ đồng, tương đương 617% so với năm 2018 lên 1.370 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tới năm 2020, doanh thu Sacombank-SBJ lao dốc khi giảm 540 tỷ đồng, tương đương 39,4% so với năm 2019. Đà giảm này được duy trì trong năm 2021 khi doanh thu chỉ còn 370 tỷ đồng.

Bước sang năm 2022, doanh thu tăng mạnh, tăng 437 tỷ đồng, tương đương 118% so với năm trước lên 808 tỷ đồng. Dù vậy, so với “đỉnh” thiết lập trong năm 2019, doanh thu vẫn giảm 563 tỷ đồng, tương đương 41,1%.

2020 là thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Đó có thể là một trong những nguyên nhân nhấn chìm doanh thu Sacombank-SBJ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều đối thủ khác, mà nổi bật nhất là Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ nhanh chóng đưa ra phương án phù hợp với hoàn cảnh, đó là đẩy mạnh kênh bán hàng online. Nhờ đó, doanh thu năm 2020 của PNJ không những không suy giảm mà còn tăng từ 17.144 tỷ đồng lên 17.682 tỷ đồng.

Thua lỗ triền miên, “bay” hơn nửa vốn góp Sacombank

Dù có lợi thế tận dụng hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch sẵn có của ngân hàng mẹ Sacombank nhưng Sacombank-SBJ lại chìm trong thua lỗ.

Trong giai đoạn 2017 – 2021, công ty lần lượt lỗ 3,8 tỷ đồng (năm 2017), 8,7 tỷ đồng (năm 2018), 13,9 tỷ đồng (năm 2021). 2019 và 2020 là những năm hiếm hoi công ty có lãi nhưng lợi nhuận khá thấp, chỉ đạt 5,1 tỷ đồng (năm 2019) và 937 triệu đồng (năm 2020).

Như đã nêu trên, bước sang năm 2022, doanh thu Sacombank-SBJ tăng rất mạnh, tăng 437 tỷ đồng, tương đương 118% so với năm trước lên 808 tỷ đồng. Thế nhưng, công ty vẫn kéo dài thêm chuỗi ngày thua lỗ khi lỗ thêm 2,1 tỷ đồng.

Kết quả là tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Sacombank-SBJ chỉ còn 109 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 111 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu là 250 tỷ đồng. Như vậy, vốn góp cổ đông đã “bay” 141 tỷ đồng, tương đương 56,4%. Điều đó có nghĩa 141 tỷ đồng vốn mà Sacombank góp vào Sacombank-SBJ đã tạm mất.

Cùng với vốn chủ sở hữu, tổng tài sản cũng hao hụt. Hồi cuối năm 2022, tổng tài sản của Sacombank-SBJ chỉ còn 127 tỷ đồng, giảm 37 tỷ đồng, tương đương 22,6%.

Dù làm hao hụt vốn cổ đông nhưng ngày 16/7/2022, Sacombank-SBJ vẫn được trao danh hiệu “Top 20 nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2022” và “Top 10 Sản phẩm vàng Việt Nam năm 2022”.

Vân Khánh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục