Nhà sản xuất mẫu xe đạp Thống Nhất "hot" bậc nhất thời bao cấp kinh doanh "bùng nổ" sau cổ phần hóa

(Banker.vn) Sau khi chủ thương hiệu xe đạp Thống Nhất cổ phần hóa, ông Vũ Ngọc Tú xuất hiện với tư cách đại diện cho cổ đông chiến lược giữ lượng lớn cổ phần doanh nghiệp, đồng thời tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch HĐQT của hãng xe có bề dày lịch sử khi chỉ mới 27 tuổi.
Nhà sản xuất mẫu xe đạp Thống Nhất
Xe đạp Thống Nhất - một thuở hoàng kim.

Biểu tượng xa xỉ một thời

Công ty CP Thống Nhất Hà Nội (Công ty Thống Nhất) tiền thân là nhà máy sản xuất xe đạp Thống Nhất được thành lập ngày 30/6/1960 tại Thủ đô Hà nội. Năm 1965, Nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong đời một cán bộ, công nhân viên chỉ được mua một chiếc duy nhất.

Đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, xe đạp Thống Nhất mang đậm tính lịch sử, là hình ảnh gợi nhớ về những tháng năm khó khăn, nghèo đói.

Chiếc xe còn là mảnh ký ức khó phai trong lòng những ai đã trải qua thời kỳ mưa bom, bão đạn. Trên "con ngựa sắt" này, người dân hậu phương đã đem gạo, muối, thuốc men... ra tiền tuyến, gửi gắm mong ước về một ngày đất nước hòa bình, độc lập.

Đến thời bao cấp, xe đạp Thống Nhất còn là biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, là niềm ao ước của hàng triệu người dân. Nói không quá, định nghĩa rõ ràng nhất về một chàng trai "sát gái" khi đó là bắt buộc phải cưỡi trên chiếc xe này để "vi vu" trên đường phố.

Sau khi hòa bình được lập lại, xã hội phát triển, mở cửa kinh tế khiến thị trường bắt đầu tràn ngập các dòng xe đạp ngoại nhập, và tiếp đó đến thời xe máy "lên ngôi". Thương hiệu xe đạp Thống Nhất dần mất vị trí độc tôn và sự thoái trào là không thể tránh khỏi.

Thậm chí, việc duy trì hoạt động cho thương hiệu xe đạp Thống Nhất ngày càng trở nên hết sức khó khăn. Tình hình kinh doanh của hãng xe "hot" nhất một thời bao cấp cứ thế trượt dốc trong suốt hàng chục năm về sau...

Bước ngoặt hậu cổ phần hóa

Tuy nhiên, bước ngoặt lớn đến với chủ hãng xe đạp Thống Nhất vào năm 2017. Ngày đó, doanh nghiệp chính thức được cổ phần hóa theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Thống Nhất sang Công ty CP Thống Nhất Hà Nội như hiện tại, với vốn điều lệ là 237 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước chỉ còn sở hữu 45% cổ phần.

Từ khi đa dạng hóa chủ sở hữu, hoạt động kinh doanh của Công ty Thống Nhất có sự khởi sắc tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Tiêu biểu nhất là 2018 - một năm sau khi cổ phần hóa, doanh thu của Công ty Thống Nhất bất ngờ "bùng nổ", tăng mạnh gấp 5 lần từ 8 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng.

Ngưỡng doanh thu này được duy trì đến năm 2019, trước khi tiếp tục "nhảy vọt" lên 77,8 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid. Đà tăng trưởng chưa dừng lại, năm 2021 hãng xe đạp Thống Nhất đem về 100 tỷ đồng doanh thu, và tăng tiếp lên 142 tỷ đồng trong năm 2022 vừa qua.

Nhà sản xuất mẫu xe đạp Thống Nhất
Thống Nhất đang không ngừng nỗ lực đổi mới mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của khách hàng hiện đại.

Như vậy, chỉ trong vòng 6 năm sau cổ phần hóa, doanh thu của Công ty Thống Nhất đã tăng đến 18 lần. Cùng với đó, quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng có những đột phá lớn, từ vài chục cửa hàng đại lý ban đầu, hết năm 2022, Thống Nhất đã cán mốc 500 cửa hàng đại lý, trải dài toàn quốc và trở thành thương hiệu xe đạp có hệ thống phân phối lớn nhất Việt Nam.

Công ty Thống Nhất cũng không ngừng đổi mới mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của khách hàng hiện đại, tạo sự lột xác hoàn toàn so với chiếc xe đạp thiết kế "quê kệch", khung sắt nặng chình chịch ngày nào. Hệ thống máy móc, nhà xưởng cũng được doanh nghiệp chú trọng đầu tư với những công nghệ tân tiến nhất.

Việc tập trung cải thiện từ ngoại hình cho đến chất lượng có lẽ là yếu tố giúp Công ty Thống Nhất dần lấy lại vị thế hàng đầu của mình trên thị trường xe Việt, dù bối cảnh cạnh tranh bây giờ là rất khốc liệt.

Tuy nhiên, một điểm ban lãnh đạo Công ty Thống Nhất cần lưu tâm, đó là khả năng chuyển hóa doanh thu thành lợi nhuận của doanh nghiệp đang tương đối yếu.

Ngược chiều với nguồn thu liên tục tìm kiếm các đỉnh mới, 2017 lại là năm lợi nhuận sau thuế của Công ty Thống Nhất đạt mức cao nhất với vẻn vẹn 1,1 tỷ đồng. Cá biệt hai năm 2018 và 2020, nhà sản xuất xe đạp 63 năm tuổi báo lỗ ròng tận 10 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Công ty Thống Nhất đạt 260 tỷ đồng, giảm nhẹ 20 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài lượng hàng tồn kho ở mức 61 tỷ đồng, doanh nghiệp còn chi hơn 117 tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết (chiếm 45% tài sản).

Nhóm doanh nhân gốc Bắc Giang

Ngoài lĩnh vực kinh doanh xe thuần túy, Công ty Thống Nhất còn là doanh nghiệp hiếm hoi sở hữu những lô đất "vàng" giữa lòng Thủ đô. Trong đó, đáng chú ý là lô đất hơn 1.000 m2 tại số 10 - 10B Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm đang làm trụ sở văn phòng chính và cửa hàng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thống Nhất còn có trong tay lô đất có diện tích gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân. Sau này, doanh nghiệp đã mang lô đất đi góp vốn làm dự án chung cư với Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt, thành lập doanh nghiệp liên danh là Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt nhằm đầu tư xây dựng dự án.

Dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ tọa lạc ở vị trí đắc địa có tên thương mại là chung cư Thống Nhất Complex.

Nhà sản xuất mẫu xe đạp Thống Nhất
Ông Vũ Ngọc Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty Thống Nhất Hà Nội.

Hiện, ông Vũ Ngọc Tú là Chủ tịch HĐQT Công ty Thống Nhất. Ông Tú tiếp quản vai trò quan trọng nhất doanh nghiệp từ sau thương vụ thoái vốn nhà nước hồi cuối năm 2016, khi đó chỉ mới 27 tuổi.

Trước đó, ông Vũ Ngọc Tú đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Hoàng Long - cổ đông chiến lược nắm 41,69% vốn điều lệ của chủ thương hiệu xe đạp Thống Nhất. Đại Hoàng Long có địa chỉ chính tại Bắc Ninh, và cũng là công ty mẹ của Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt - đối tác của Công ty Thống Nhất tại dự án 82 Nguyễn Tuân, như đề cập phía trên.

Với tiềm lực và quan hệ cỡ "khủng", không lấy gì làm bất ngờ khi ông Vũ Ngọc Tú chính là con trai cả của "vua rác" Vũ Văn Đắc. Đặc biệt, hệ sinh thái của ông Tú không chỉ gói gọn trong Công ty Thống Nhất, Đại Hoàng Long, mà còn liên quan mật thiết đến cả VSD Holdings, Nhựa Đồng Nai (DNP) của đại gia Vũ Đình Độ.

Đối tượng M&A mà nhóm doanh nhân gốc Bắc Giang nhắm tới đều là những doanh nghiệp nhà nước sở hữu quỹ đất rộng lớn, trải dài từ Bắc chí Nam...

Xe đạp Thống Nhất đấu giá hơn 3 triệu cổ phần trên sàn HNX

TBCKVN - Ngày 3/6/2016, hơn 3 triệu cổ phiếu đã được công ty TNHH Thống Nhất đấu giá lần đầu trên sàn Sở GDCK Hà ...

"Vua bút bi" Thiên Long: Khởi nghiệp từ 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cà tàng

Sau hơn 40 năm hoạt động, sản phẩm của Thiên Long đã có mặt tại 61 quốc gia trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ít ...

Siêu lợi nhuận như 'vua’ rác Thuận Thành EJS

Khoản lợi nhuận tích luỹ cả nghìn tỷ trong 4 năm qua, đặt cạnh vốn góp chủ sở hữu chỉ 200 tỷ đồng cho thấy ...

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán