Nhà đầu tư Nhật Bản tăng vốn vào các tỉnh phía Nam

(Banker.vn) Các tỉnh phía Nam vẫn có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nhờ hạ tầng đang được đầu tư hoàn chỉnh, môi trường kinh doanh được cải thiện nhiều.

Ồ ạt rót vốn mở rộng nhà máy

Vừa qua, các doanh nghiệp của Nhật Bản, gồm Công ty TNHH Nitto Denko, Công ty TNHH Yuwa, Công ty TNHH một thành viên SKM và Công ty TNHH AEON, được Bình Dương cấp giấy phép đầu tư mở rộng nhà máy, với tổng vốn đầu tư 168 triệu USD. Cùng thời điểm, Công ty TNHH Matsuya R&D (Nhật Bản) chuyên sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế khánh thành nhà máy thứ 6 tại Đồng Nai.

Điểm chung dễ nhận thấy là, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam coi Nhật Bản là thị trường trọng điểm trong xúc tiến mời gọi đầu tư. Vì vậy, trong tháng 9 này, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhiều địa phương như Bình Dương, Đồng Nai đã tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư Nhật Bản để tranh thủ xúc tiến mời gọi đầu tư.

Nhà đầu tư Nhật Bản tăng vốn vào các tỉnh phía Nam

Tại “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương, hiện Nhật Bản là nhà đầu lớn thứ hai với 350 dự án, tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD. Tại đây có sự hiện diện của các tên tuổi lớn như Tập đoàn Aeon về phát triển thương mại; Mitsubishi về phát triển công nghiệp ô tô; Tập đoàn Toshiba và Tập đoàn điện tử Foster về sản xuất linh kiện điện tử… Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo một số tập đoàn đã gặp lãnh đạo tỉnh để thông báo về kế hoạch mở rộng nhà máy tại đây.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn xác định Nhật Bản là đối tác đầu tư chiến lược. Vì thế, tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư đến từ xứ sở hoa anh đào.

Cùng với Bình Dương, Đồng Nai cũng được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn làm nơi đặt cứ điểm sản xuất, với lợi thế là địa phương có Sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng. Tại địa phương này, hiện có 272 dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 5,59 tỷ USD, đứng thứ 3 về số dự án và tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Một địa phương khác tại phía Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút nhà đầu tư Nhật Bản là Long An. Tỉnh này hiện có 138 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, với vốn đầu tư 767 triệu USD và là địa phương có số lượng doanh nghiệp Nhật Bản nhiều nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, các dự án của Nhật Bản tại Long An không ngừng mở rộng quy mô và tăng vốn đầu tư.

Gỡ điểm nghẽn để đón “sóng” đầu tư từ Nhật Bản

Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt dự án hạ tầng liên vùng tại các tỉnh phía Nam đã được khởi công. Đây là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư, vì khi quyết định chọn địa điểm đặt nhà máy sản xuất, các tập đoàn lớn đều nhìn vào hạ tầng như là điều kiện đầu tiên.

Việc đồng loạt khởi công đường Vành đai 3 dài 76,3 km (đi qua 4 địa phương, gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) vào tháng 6 vừa qua là cơ sở để kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ đổ về các tỉnh phía Nam, vì tuyến đường này sẽ tạo ra một mạng lưới giao thông liên hoàn, đi qua 4 tỉnh, thành phố, giúp giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Song song với việc xây dựng các tuyến cao tốc, nhiều địa phương đang tích cực đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ nối với nhau để tạo động lực phát triển kinh tế.

Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi công xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cầu Phước An - nối cảng Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt, sau khi Dự án Sân bay quốc tế Long Thành khởi công hạng mục nhà ga và đường băng vào cuối tháng 8 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm quỹ đất để đầu tư vào Đồng Nai.

Song song với việc xây dựng các tuyến cao tốc, nhiều địa phương đang tích cực đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ nối với nhau để tạo động lực phát triển kinh tế. Trong đó, TP.HCM khởi công mở rộng Quốc lộ 50 nối với tỉnh Long An. Bình Dương mở rộng Quốc lộ 13 nối TP.HCM, Bình Phước và tuyến đường nối từ huyện Phú Giáo đến huyện Đồng Phú (Bình Phước).

Sau khi các dự án hạ tầng đồng loạt được khởi công, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục tăng cường mở rộng các khu công nghiệp mới để tạo quỹ đất đón các nhà đầu tư. Đầu tàu kinh tế TP.HCM đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục xây dựng Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II với tổng diện tích 668 ha. Bình Dương đang xây dựng Khu công nghiệp VSIP III với diện tích 1.000 ha; Khu công nghiệp Cây Trường, diện tích 1.000 ha và Khu công nghiệp Rạch Bắp.

Tương tự, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng “chạy đua” mở rộng các khu công nghiệp mới. Trong đó, Đồng Nai đang đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thành lập 8 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 7.000 ha. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lên kế hoạch từ nay tới năm 2030 sẽ mở rộng thêm 8 khu công nghiệp với quỹ đất hơn 8.000 ha để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Việc giảm thủ tục hành chính cũng được nhiều địa phương quyết tâm thực hiện, như TP.HCM thành lập lại cơ chế một cửa ở khu công nghiệp để tránh tình trạng nhà đầu tư phải đi “nhiều cửa”, đồng thời cho doanh nghiệp đánh giá năng lực điều hành của các sở, ngành. Trong khi đó, Bình Dương thực hiện tất cả các thủ tục trực tuyến liên quan đến doanh nghiệp từ năm 2023.

Tương tự, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, trong đó các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp luôn được giải quyết nhanh chóng.

Với việc quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, môi trường đầu tư các tỉnh, thành phố phía Nam không chỉ thu hút được làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, mà sắp tới có thể là các nhà đầu tư từ Tây Âu, Bắc Mỹ.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán