Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch (từ ngày 7 - 11/11/2022) kém tích cực trước áp lực bán giải chấp ở hàng loạt cổ phiếu trong đó có các mã lớn dòng bất động sản. Chỉ số VN-Index xuyên thủng mức đáy 958 điểm và lùi về mức 947,2 điểm (mức thấp nhất kể từ đầu năm) trước khi phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần nhờ lực mua vào mạnh của khối ngoại sau thông tin lạm phát của Mỹ tích cực hơn kỳ vọng. Kết tuần, VN-Index giảm 4,3% về mức 954,5 điểm; HNX-Index giảm 7,2% về mức 189,8 điểm; UPCoM-Index giảm 7,6% còn 68,6 điểm.
Niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán bị tác động?
Theo các chuyên gia chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là sự phản ánh thái độ của nhà đầu tư trước các diễn biến của thị trường. Có rất nhiều yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến hành vi và mục tiêu của nhà đầu tư, trong số đó, bốn yếu tố tâm lý phổ biến đó là tâm lý đám đông, quá tự tin, quá lạc quan hoặc bi quan và sợ thua lỗ. Những tâm lý này có thể tác động tiêu cực đến quyết định của nhà đầu tư trên thị trường.
Không thể phủ nhận rằng, trong thời gian qua, niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán giảm mạnh. Theo đó, bên cạnh những tác động tiêu cực từ bối cảnh rủi ro vĩ mô, kinh tế - tài chính trên thế giới, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán còn chịu ảnh hưởng từ những vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn, cùng với một số tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội... Điều này khiến cho không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn.
Thời gian qua, tâm lý thận trọng, ngại rủi ro gia tăng, dẫn đến nhiều nhà đầu tư lựa chọn những kênh đầu tư ít rủi ro hơn, an toàn hơn. TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, việc này dẫn đến hiện tượng thị trường "ngủ đông" với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HOSE trong 6 tháng gần nhất chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, riêng tháng 10/2022 chỉ đạt 10.200 tỷ đồng/phiên (giảm 40-50% so với mức bình quân hơn 21.000 tỷ đồng/phiên năm 2021).
TS. Cấn Văn Lực |
Việc thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu (lo không bán được), sẵn sàng bán bằng mọi giá, từ đó kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.
Chia sẻ về tâm lý nhà đầu tư chứng khoán, theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tâm lý đám đông khá phổ biến trên thị trường. Tác động của tâm lý đám đông trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn đặc biệt mạnh hơn so với những quốc gia khác do ba nguyên nhân chính sau:
Một là, cơ cấu nhà đầu tư ở Việt Nam có điểm khác biệt khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% giao dịch trên thị trường trong khi tỉ lệ này ở những quốc gia phát triển chỉ khoảng 40–50%. Theo thống kê, nhà đầu tư cá nhân cũng chiếm tỷ trọng khá lớn, nắm giữ 33% lượng thị trường trái phiếu tại Việt Nam, trong khi ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 1%... Đặc điểm của nhóm nhà đầu tư cá nhân là đưa ra quyết định đầu tư đôi khi không dựa trên lý trí hay phân tích tài chính kỹ lưỡng, mà chủ yếu theo đám đông, thậm chí là tin đồn.
Hai là, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao, cùng với tâm lý đám đông, đã tạo ra vòng xoáy giá xuống – bán giải chấp, khiến thị trường càng chịu áp lực bán mạnh mỗi khi có sự điều chỉnh.
Ba là, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thổi giá dẫn đến bị khởi tố, khiến nhà đầu tư có tâm lý không coi trọng những đánh giá, phân tích khách quan, do vậy họ thường xuyên chuyển đổi trạng thái rất nhanh từ "hưng phấn quá mức" đến "bi quan quá đà" mỗi khi thị trường có điều chỉnh.
Làm gì để củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư?
Theo các chuyên gia chứng khoán, tăng cường củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay. Theo đó, trước mắt, các cơ quan chức năng, chủ thể phát hành cần nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư; xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán vừa qua.
Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, về lâu dài, cần xây dựng và nhất quán thực hiện chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, giảm thiểu tâm lý đám đông.
Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) chuyên nghiệp, phát triển các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ tín thác bất động sản... Các quỹ này cũng có thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường, hạn chế tình trạng tăng nóng hay giảm sâu do sự hứng phấn hay bi quan quá mức của một số nhà đầu tư. Đồng thời, giúp thị trường trở nên ổn định và phát triển bền vững hơn, đồng thời cung cấp thêm kênh đầu tư phù hợp cho người dân.
Để thành công, nhà đầu tư không chỉ cần hiểu về tài chính, kinh tế, chứng khoán mà còn phải nắm bắt và kiểm soát tâm lý khi đầu tư. Việc hiểu được các cung bậc cảm xúc trong đầu tư chứng khoán có thể giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt, thành công hơn trong dài hạn.
Do vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo, nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh, không nên rơi vào vòng xoáy bán lấy được, không nên dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông, mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng của doanh nghiệp, đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế đòn bẩy và kiên trì nâng cao kiến thức, kinh nghiệm đầu tư chứng khoán là rất cần thiết.
Thanh Tùng
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|