Nhà đầu tư Hồng Kông muốn "bán tháo" bất động sản

(Banker.vn) Giá văn phòng tại Hồng Kông giảm hơn 30% so với năm 2019. Giá thuê trung bình tại đây cũng giảm 34% và tỷ lệ trống tăng lên 17,3% vào cuối tháng 6/2023. Nhiều nhà đầu tư đang tìm cách thanh lý các tòa nhà thương mại của họ ở Hồng Kông nhằm giảm những thiệt hại do chi phí lãi vay đã vượt quá thu nhập cho thuê khi lãi suất tăng cao.
hong-kong.jpg
Nhà đầu tư Hồng Kông muốn "bán tháo" bất động sản. Ảnh: Internet

Theo những người đang hoạt động trong lĩnh vực tín dụng và bất động sản, một số kế hoạch bán hàng cũng được đưa ra khi các khoản vay thế chấp sắp đến kỳ phải đảo nợ. Tuy nhiên, kế hoạch đó càng trở nên khó khăn hơn khi giá trị vốn chủ sở hữu trong tài sản giảm xuống.

Dù Hồng Kông đã mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 nhưng sự phục hồi của thị trường bán và cho thuê bất động sản thương mại của thành phố này đang yếu hơn dự báo ​​do lãi suất tăng và nền kinh tế toàn cầu nói chung, nền kinh tế Trung Quốc nói riêng đang trì trệ.

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều công ty quốc tế phải thu hẹp quy mô hoặc rời khỏi các trung tâm tài chính. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá văn phòng tại Hồng Kông giảm hơn 30% so với năm 2019. Giá thuê trung bình tại đây cũng giảm 34% và tỷ lệ trống tăng lên 17,3% vào cuối tháng 6/2023 (theo dữ liệu từ Cushman & Wakefield).

Nhiều nhà đầu tư lớn đã bắt đầu bán tài sản ở Hồng Kông với giá chiết khấu để có thể “đẩy hàng” trong thời gian sớm nhất. Tập đoàn KaiLong đang rao bán hai tòa nhà, gồm tòa tháp hạng A cao 25 ​​tầng ở khu tài chính trung tâm và tòa nhà thương mại 25 tầng với 41 chỗ đậu xe ở Wan Chai. Cả hai tòa nhà này đều có khoản vay phải đáo hạn trong năm nay.

Theo các nhà phân tích tại Hồng Kông, KaiLong muốn thu về ít nhất 1,5 tỷ đô la Hồng Kông (191,20 triệu USD) và 1,25 tỷ đô la Hồng Kông tương ứng cho việc bán hàng. Họ cho biết, giá chào bán tài sản Wanchai đang thấp hơn 20% so với giá thị trường.

Về vấn đề này, Ivan Ho, Giám đốc điều hành KaiLong tại Hồng Kông khẳng định: Tập đoàn bán 2 tòa nhà này như một hoạt động tiếp thị bình thường khi tài sản đã sẵn sàng để bán chứ không phải vì khó khăn.

Theo các nhà môi giới, thời điểm hiện tại có rất ít động lực để các nhà đầu tư giữ lại những tòa nhà thương mại, vì tài sản đã rơi vào tình trạng dòng tiền âm do chi phí lãi vay cao hơn.

Chính sách tiền tệ của Hồng Kông hiện đi cùng hướng với Mỹ khi đồng tiền của thành phố được neo với đồng đô la Mỹ. Lãi suất liên ngân hàng ở Hồng Kông cũng tăng vọt trong năm nay và hiện dao động quanh mức như hồi năm 2009.

Nhu cầu sở hữu bất động sản mới cũng giảm do sự không chắc chắn về lãi suất cao, điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn và nhu cầu tái cấp vốn tăng cao khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn.

Theo công ty tư vấn bất động sản CBRE, Hồng Kông đã chứng kiến ​​tổng lượng đầu tư bất động sản thương mại giảm 65% xuống còn 4,7 tỷ đô la Hồng Kông trong quý II/2023. Đây là con số thấp nhất trong 14 năm tại thành phố này.

Về vấn đề này, Giám đốc thị trường vốn Cushman & Wakefield Hồng Kông cho biết: “Hiện có nhiều tài sản hơn trên thị trường nhưng điều đó không có nghĩa là giao dịch sẽ tăng lên, bởi vì kỳ vọng giữa người mua và người bán ngày càng chênh lệch và rất khó để đạt thỏa thuận với các tài sản thương mại”.

(Nguồn: Reuters)

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ