Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, cổ phiếu dầu khí được đưa ra bàn luận trong bối cảnh tăng nóng gần đây. Đây là một dòng nhà đầu tư cơ bản thường né tránh nhưng dường như thị trường hiện tại có quá ít cơ hội đầu tư và lúc này dòng tiền gần như chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản như thép, than, dầu khí, phân bón,...
Ngay cả Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett gần đây cũng mua thêm cổ phiếu dầu khí trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị xoay quanh cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Động thái của Buffett là gì khi đầu tư vào cổ phiếu dầu khí?
Đây là câu hỏi đặt ra với khách mời của chương trình: Ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch CTCP Chứng Khoán DNSE.
Theo ông Giang, việc Nga xung đột Ukraine thực ra là một lời cảnh tỉnh với với phương Tây trong câu chuyện rủi ro về an ninh năng lượng. Có thể không phải bây giờ nhưng trong tương lai xa chắc chắn sẽ phải có sự dịch chuyển về về nguồn cung năng lượng ở các nước phương Tây, từ đó có thể tạo ra cơ hội cho một số công ty khai thác dầu khí lớn ở Mỹ hoặc là các nước không thuộc Nga.
Đây là sự dịch chuyển trong tương lai và câu chuyện đầu tư của tỷ phú Warren Buffet có thể xuất phát từ cái nhìn dài hạn này. Khi giá năng lượng cao như hiện nay sẽ tạo cơ hội cho những đơn vị làm dầu đá phiến hay khí đá phiến ở Mỹ nhảy vào khai thác, điều này sẽ mang lại lợi thế cho những doanh nghiệp này.
Với nguồn cung dầu đá phiến ở Mỹ tốt, định hướng đầu tư vào năng lượng cũng sẽ hợp lý. Trước đây Nga là nguồn cung lớn trên thế giới, sau sự bất ổn này chắc chắn là sẽ có sự dịch chuyển từ những người mua để giải được bài toán an ninh năng lượng tốt hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch CTCP Chứng Khoán DNSE. (Ảnh chụp màn hình).
Rủi ro khi đầu vào cổ phiếu hàng hóa
Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch CTCP Chứng Khoán DNSE cho biết, nếu tính chung từ đầu năm đến giờ thì VN-Index vẫn đang duy trì xu hướng sideway. Trong giai đoạn đi ngang thì cổ phiếu nào có câu chuyện như dầu khí, than, phân bón hiện nay thì nó sẽ tạo ra nhu cầu mua cho nhà đầu tư.
Ví dụ như câu chuyện của ngành phân bón. Nga chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại phân bón chính trên toàn cầu và gần 16% thương mại toàn cầu đối với các loại phân bón thành phẩm quan trọng. Do đó, các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến tăng giá phân bón.
Với giả định Nga ngừng xuất khẩu phân bón, bản chất sẽ khiến giá phân bón tăng và giúp các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp trong bối cảnh giá khí đầu vào tăng cao. Đà tăng giá của cổ phiếu luôn dựa trên kỳ vọng trong tương lai.
Hiện nay, một số cổ phiếu dầu khí thậm chí có thể không hưởng lợi từ việc tăng giá dầu nhưng giá thì vẫn tăng bốc đầu và điều này tất nhiên ẩn chứa những rủi ro vì khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine dừng lại thì chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng giảm giá và hạ nhiệt trong giá dầu.
Cũng như khi chiến tranh xảy ra, không ai biết được trước, đó là sự bất ngờ với toàn bộ giới đầu tư bởi vì trong thế kỷ XXI này không ai nghĩ là sẽ có một cuộc chiến tranh như vậy.
Nếu chiến sự giữa Nga và Ukraine dừng lại trong vòng 1 - 2 tuần nữa thì các nhà đầu tư phải tính đến trường hợp giá của các hàng hóa cơ bản sẽ giảm, đấy là cái rủi ro mà các nhà đầu tư phải suy nghĩ trong quá trình nắm giữ. Khi giá cổ phiếu được hưởng lợi ngắn hạn và tăng bốc đầu nhờ bão tăng giá thì khi giá hàng hóa giảm chắc chắn cũng kéo theo sự tụt dốc và bất ngờ không kém.
Phương Thảo
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|