Nhà băng lớn thứ nhì Thái Lan đưa Home Credit vào "tầm ngắm", sẵn sàng chi 1 tỷ USD để thâu tóm

(Banker.vn) Kasikornbank – ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan, đang đàm phán để mua lại công ty tài chính Home Credit Việt Nam, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc mở rộng sự hiện diện của ngân hàng này tại quốc gia láng giềng. Giá trị thương vụ ước tính lên tới 1 tỷ USD.
Nhà băng lớn thứ nhì Thái Lan đưa Home Credit vào
KBank (Thái Lan) đàm phán mua lại Home Credit Việt Nam với giá 1 tỷ USD

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, ngân hàng Kasikornbank có trụ sở tại Bangkok, còn được gọi là KBank, đang theo đuổi tham vọng trở thành một trong 20 ngân hàng hàng đầu về tài sản tại Việt Nam vào năm 2027. Với tổng tài sản lên tới 119,7 tỷ USD, KBank hiện đang là ngân hàng lớn thứ hai tại Thái Lan, chỉ sau Bangkok Bank.

Thông tin về thương vụ mua lại của KBank được đưa ra vào thời điểm các ngân hàng Việt Nam đang chịu áp lực lớn khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và tình trạng bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu, khiến họ buộc phải cắt giảm lãi suất trên diện rộng.

Theo Reuters, thương vụ tiềm năng này sẽ là một ví dụ điển hình cho xu hướng hợp nhất đang diễn ra trong lĩnh vực tài chính của châu Á. Nếu thoả thuận giữa KBank và Home Credit được hoàn tất, đây sẽ là giao dịch M&A lớn thứ hai trong ngành tài chính Việt Nam trong năm nay, chỉ sau thương vụ chuyển nhượng cổ phần trị giá 1,5 tỷ USD giữa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) và Sumitomo Mitsui của Nhật Bản hồi tháng 3.

Hai nguồn tin của Reuters cho biết, KBank đã bắt đầu thảo luận với các cố vấn tài chính để xem xét tính khả thi của thương vụ mua lại này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành và chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Một trong số các nguồn tin giấu tên của Retuers cho hay, KBank hiện đang vận hành giải pháp KBank Biz Loan, một dịch vụ tín dụng dành cho các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Do đó, thỏa thuận tiềm năng với Home Credit sẽ cho phép ngân hàng này thúc đẩy khả năng cung cấp các dịch vụ tài chính cho các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ.

Hiện KBank và Home Credit Group chưa có thông báo chính thức về thương vụ trên.

Việt Nam, nơi sinh sống của hơn 100 triệu người, đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của dân số trong độ tuổi lao động. KBank ước tính, có hơn 69% dân số Việt Nam không có tài khoản ngân hàng, đây là mức cao nhất trong khu vực châu Á.

Vào tháng 6, KBank đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 285 triệu USD, cao gấp 2,5 lần so với con số 80 triệu USD trước đây, qua đó trở thành ngân hàng nước ngoài lớn thứ hai tại quốc gia này. Ngân hàng Thái Lan đặt mục tiêu thu nhập ròng đạt 400 triệu USD, với dư nợ cho vay là 180 tỷ baht (5,13 tỷ USD) và cơ sở khách hàng là 8,4 triệu người trong nước vào năm 2027.

Trước đó, sau 7 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam với cơ sở tại Hà Nội, tháng 11/2021, KBank đã mở thêm chi nhánh thứ hai nhánh đạt TP.HCM, nhằm tăng cường sự hiện diện, cạnh tranh cùng các chi nhánh ngân hàng của Thái Lan khác là Bangkok Bank và The Siam Bank.

Đáng chú ý, hoạt động của KBank tại Việt Nam được hậu thuẫn bởi đơn vị chuyên về công nghệ cùng thuộc Tập đoàn Công nghệ Kinh doanh Kasikorn là KBTG Việt Nam. Đơn vị này là cơ sở công nghệ thông tin thứ ba của KBTG tại khu vực châu Á, được thành lập vào tháng 6, cùng thời điểm với sự kiện KBank nâng vốn điều lệ.

Liên quan đến hoạt động của KBTG Việt Nam, Giám đốc điều hành Thanussak Thanyasiri, chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của KBTG Việt Nam là phát triển phần mềm, kiến tạo những đổi mới trong tài chính và công nghệ để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của KBank và khách hàng doanh nghiệp tại Thái Lan, Việt Nam và các nước ASEAN khác, với mục tiêu quan trọng là trở thành công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.”

Về Home Credit Việt Nam, đây là một thành viên của tổ chức tài chính phi ngân hàng Home Credit Group có trụ sở tại Hà Lan. Đơn vị này bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008.

Đến nay, quy mô của Home Credit Việt Nam đã được phát triển và mở rộng, lên tới 6.000 nhân viên với 9.000 cửa hàng, phục vụ 12 triệu khách. Về dịch vụ, bên cạnh các khoản vay tiền mặt, công ty còn cung cấp các khoản vay trả góp để mua xe máy và hàng tiêu dùng.

Được biết, Home Credit Group nằm dưới sự kiểm soát của PPF, tập đoàn đầu tư lớn nhất Cộng hoà Séc, được thành lập bởi cố tỷ phú Petr Kellner. Đáng chú ý, tập đoàn này đã báo tăng lỗ trong nửa đầu năm 2022, chủ yếu là do ảnh hưởng từ việc thoái vốn khỏi các hoạt động ở Nga.

Central Retail - chủ chuỗi siêu thị GO! báo lãi ‘khủng’ sau quý I, kiếm ‘bộn tiền’ ở thị trường Việt Nam

Quý I/2023, thị trường Việt Nam mang về cho Central Retail – chủ sở hữu chuỗi siêu thị GO! hơn 14,1 tỷ baht (tương đương ...

Về tay người Thái, thương hiệu 30 năm tuổi - Nhựa Ngọc Nghĩa muốn rút khỏi sàn UPCoM

Cuối tháng 7, Nhựa Ngọc Nghĩa sẽ rời sàn UPCoM. Đáng chú ý, sau khi về tay nhà sản xuất hạt nhựa PET lớn nhất ...

Tập đoàn Năng lượng Gulf Thái Lan muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa

Chiều ngày 16/8/2023, đoàn công tác của Tập đoàn phát triển năng lượng Gulf (Thái Lan) do ông Panawit Sidejchayabhon – Tổng Giám đốc Gulf ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục