Nguyên nhân nào khiến tình trạng buôn lậu vàng gia tăng?

(Banker.vn) Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là một trong những nguyên nhân "kích thích" các đối tượng buôn lậu vàng.
Khi nào giá vàng "quay xe"? Giá vàng SJC giảm xuống mốc 70 triệu đồng, nên mua hay bán? QLTT Quảng Trị nói gì về vụ việc buôn lậu vàng qua biên giới Vụ buôn lậu 19kg nghi vàng ở An Giang: Thi hành 8 lệnh khám xét khẩn cấp

Tính đến trưa nay (30/10), Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng chiều mua vào ở ngưỡng 70,05 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 69,95 triệu đồng/lượng. So với phiên giao dịch hôm qua (29/10), giá vàng tại DOJI giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 70 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 70,7 triệu đồng/lượng. So với mở cửa phiên hôm qua, giá vàng tại SJC giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Tuy đã được điều chỉnh giảm nhưng hiện tại, mức chênh lệch mua - bán vàng trong nước đang ở ngưỡng rất cao. Sáng nay (30/10) giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.003,3 USD/ounce (tương đương gần 59,8 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí). Như vậy, hôm nay, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là trên 11 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân nào khiến tình trạng buôn lậu vàng gia tăng?
Hôm nay (30/10) giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch trên 11 triệu đồng/lượng

Nguyên nhân khiến giá vàng “nhảy múa” trên bình diện quốc tế là do “sức nóng” từ cuộc xung đột ở Trung Đông giữa Hamas và Israel. Thêm vào đó, một số nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc, Singapore mua bổ sung vàng vào dự trữ ngoại hối chuẩn bị cho Tết Nguyên đán; người dân một số quốc gia chuyển sang mua vàng để tích trữ và đầu tư dài hạn. Ở trong nước, giá vàng tăng theo xu hướng của giá vàng thế giới và một phần là do yếu tố tâm lý, đầu cơ của một số doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, từ năm 2012, ngoài Ngân hàng Nhà nước thì các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Để có vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang, doanh nghiệp phải lấy vàng SJC hoặc tìm nguồn vàng trôi nổi để sản xuất. Tuy nhiên từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nguồn cung không dồi dào nên chỉ cần có biến động nhẹ cũng khiến giá vàng tăng cao.

Nguồn cung khan hiếm, giá vàng trong nước tăng, chênh lệch lớn với giá thế giới kéo theo tình trạng buôn lậu vàng gia tăng. Trong khi thị trường vàng trong nước đã đóng cửa thì 3 nước giáp ranh với Việt Nam là Lào, Campuchia và Trung Quốc đều mở cửa thị trường vàng. Từ nhiều năm nay buôn lậu vàng nhất là tại các tỉnh biên giới Tây Nam và khu vực miền Trung tiếp giáp với Lào liên tục tăng nhiệt, với nhiều vụ bị khám phá với số lượng cực lớn.

Hồi tháng 6/2023, các đơn vị chức năng của Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Trị điều tra, bóc gỡ một đường dây buôn lậu vàng qua biên giới cực lớn do Nguyễn Thị Hóa (trú tỉnh Quảng Trị) cầm đầu. Chỉ trong vòng 1 năm, các đối tượng đã buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam để thu lời bất chính.

Trước đó, tháng 9/2022, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Chỉ trong 2 ngày đường dây này đã nhập lậu 198kg vàng. Cơ quan chức năng xác định được đối tượng chủ mưu cầm đầu, vận chuyển, tiêu thụ. Thời điểm tháng 9/2022, cơ quan chức năng thu giữ 103 kg vàng, hơn 2,8 triệu USD và 26,7 tỷ đồng cùng các phương tiện, thiết bị vật chứng liên quan.

Dịp cuối năm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, cưới hỏi, lễ hội nhiều kéo theo nhu cầu về vàng tăng cao nên buôn lậu theo đó tăng nhiệt. Các vụ bắt giữ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chưa thể có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các đối tượng buôn lậu vàng vì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang quá lớn.

Trong lúc giá vàng "nhảy múa" các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân và nhà đầu tư cảnh giác, không chạy theo tâm lý đám đông; không vay mượn để “lướt sóng”, vội mua - vội bán. Nhìn lại các “cơn lốc” giá vàng ở Việt Nam những năm gần đây, chúng ta đã thấy nhiều người dân và cả nhà đầu tư đều “chết” do tâm lý. Đã là "cơn lốc" thì đến rất nhanh và tan cũng rất nhanh, nhưng hoàn lưu của nó lại để lại những hậu quả vô cùng lớn.

Khánh An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục