Nguyên nhân giá gạo Thái Lan tăng, gạo Việt đứng yên

(Banker.vn) Trong khi giá gạo Việt “đứng yên” suốt 1 tuần qua thì giá gạo của Thái Lan lại liên tục tăng mạnh. Đâu là nguyên nhân?
Giá gạo toàn cầu khó "hạ nhiệt" trước năm 2025 và cơ hội cho Việt Nam Ngân hàng Thế giới cảnh báo giá gạo toàn cầu sẽ không hạ nhiệt trước năm 2025

Sau khi đạt mốc lịch sử 663 USD/tấn vào cuối tháng 10/2023, đầu tháng 11/2023 giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã “hạ nhiệt” khi giảm 10 USD/tấn, xuống còn 653 USD/tấn và giữ nguyên mức giá này cho tới thời điểm hiện tại.

Giá gạo Việt cao kỷ lục. Ảnh minh họa
Giá gạo Việt đứng yên hơn 1 tuần qua

Trái ngược với gạo của Việt Nam, gạo loại 5% tấm của Thái Lan đã liên tục tăng trong tuần qua. Cụ thể, theo cập nhật từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng 13 USD/tấn so với tuần trước, lên mức 578 USD/tấn.

Với mức tăng nói trên, giá gạo Thái Lan hiện tại đang cao hơn sản phẩm cùng phẩm cấp của Pakistan 10 USD nhưng vẫn thấp hơn gạo Việt Nam 75 USD.

Nguyên nhân giá gạo Thái Lan tăng được lý giải, do Chính phủ nước này đã phê duyệt gói ngân sách bổ sung trị giá 56 tỉ baht để cung cấp các biện pháp hỗ trợ ngành hàng lúa gạo. Nâng tổng chi tiêu của nhà nước để hỗ trợ gạo trong mùa thu hoạch 2023/24 lên 111 tỉ baht. Các nhà chức trách Thái Lan ước tính chương trình này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho 4,68 triệu hộ gia đình bên cạnh đó, giúp hấp thụ (tạm trữ) khoảng 3 triệu tấn gạo.

Về sản lượng xuất khẩu, theo lãnh đạo Bộ thương mại Thái Lan, năm 2023 quốc gia này có thể xuất khẩu khoảng 8,5 triệu tấn gạo, tăng 0,5 triệu tấn so với dự kiến từ đầu năm. Trong năm 2024, lượng gạo xuất khẩu có thể giảm về mức 7,5 triệu tấn do Ấn Độ có khả năng nới lỏng các lệnh hạn chế xuất khẩu.

Với Việt Nam, lý giải nguyên nhân giá gạo “đứng yên” suốt hơn 1 tuần qua, các ý kiến chỉ ra rằng: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã ở mức rất cao nên sẽ khó tăng thêm. “Nếu tăng thêm giá sẽ khó bán và người mua sẽ tìm tới nguồn cung khác có giá tốt hơn”- ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice nói.

Thêm vào đó, nguồn cung gạo trong nước cũng không còn nhiều để bán nên các giao dịch trong thời điểm hiện tại diễn ra khá chậm. Thậm chí, khi giá xuất khẩu tăng, giá nội địa cũng tăng tương ứng. Điều đáng lưu ý, theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, với giá lúa bình quân ngoài thị trường là 9.100 - 9.200 đồng/kg thì giá gạo 5% tấm xuất khẩu hiện tại phải trên 700 USD/tấn doanh nghiệp mới có lãi (hiện mức chào bán đang ở mốc 653 USD/tấn, và bán giá này doanh nghiệp cầm chắc lỗ).

Thực tế theo VFA, thị trường lúa, gạo đang có nhiều biến động và luôn trong xu hướng tăng. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, trước tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay, dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều đã hủy hợp đồng, nhất là với đơn vị năng lực tài chính yếu.

Với những doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, nhằm giữ chữ tín với đối tác, họ bắt buộc mua gom giá cao để đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao.

Ông Nam cho rằng, giá gạo tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế vì khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng tương đương gạo Việt Nam. Từ đó dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm vào tay doanh nghiệp Thái Lan vì giá gạo nước này đang rất cạnh tranh với gạo thơm Việt Nam.

Theo số liệu của liên bộ, ước tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo với trị giá đạt khoảng 3,97 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 34,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2022.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương