Nguyên nhân Đức giảm phát thải hàng triệu tấn CO2

(Banker.vn) Đức vẫn cần nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu cắt giảm 65% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2045.
Việt Nam vượt mốc giảm phát thải carbon theo mục tiêu NDC Giảm phát thải cho thành phố Hồ Chí Minh: Nên bắt đầu từ đâu? Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính

Theo Cơ quan Vận tải Cơ giới Liên bang (KBA), tính tới ngày 1/1/2024, số xe ô tô ở Đức tăng 0,6% so với năm trước lên 49,1 triệu chiếc, trong đó có khoảng 44 triệu xe chạy xăng và dầu diesel, số xe điện và xe lai xăng-điện (hybrid) đang tăng lên nhanh chóng, giúp giảm lượng phát thải tới 3,4 triệu tấn CO2/năm.

Số ô tô chạy hoàn toàn bằng điện tăng 39,1% so với năm trước, lên 1,4 triệu chiếc, trong khi xe hybrid tăng 24,5% lên khoảng 2,9 triệu chiếc. Tuy nhiên, số lượng xe chạy bằng động cơ diesel lại giảm 2% và số lượng ô tô chạy xăng không có công nghệ hybrid giảm 1,1%.

CO2
Đức giảm lượng phát thải tới 3,4 triệu tấn CO2/năm

Nhà cung cấp năng lượng E.on cho rằng, ô tô chạy hoàn toàn bằng điện giúp tiết kiệm khoảng 1,1 tỷ lít dầu diesel và xăng mỗi năm.

Theo tính toán, ô tô điện chạy bằng điện sản xuất tại Đức giúp hạn chế khoảng 2,5 triệu tấn CO2/năm, nếu chạy hoàn toàn bằng điện từ năng lượng tái tạo thì sẽ hạn chế được 3,4 triệu tấn CO2.

Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường Liên bang, trong năm 2022, lĩnh vực giao thông phát thải một lượng tương đương với 148 triệu tấn CO2, trong khi chỉ được phép thải 138,8 triệu tấn. Lĩnh vực giao thông vận tải đã bị tụt lại phía sau trong cuộc đua giảm khí thải CO2 trong nhiều năm.

Đạo luật Bảo vệ Khí hậu cho hay, lượng phát thải của Đức phải giảm ít nhất 65% vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Đến năm 2045, Đức phải đạt trung hoà carbon, tức là đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Trước đó, năm 2023, Đức đã phát thải 673 triệu tấn khí thải nhà kính, giảm 73 triệu tấn so với năm 2022. Đây là mức thấp nhất kể từ những năm 50 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, Berlin vẫn cần nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu cắt giảm 65% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2045.

Trong năm 2022, Đức ghi nhận lượng khí thải CO2 thấp hơn 40% so với năm 1990. Hội đồng Chuyên gia Khí hậu cố vấn cho Chính phủ Đức nêu rõ, kế hoạch của Chính phủ Đức giảm khí thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp đã thu được kết quả tích cực. Tuy nhiên, các nỗ lực trong lĩnh vực xây dựng và giao thông đang chậm lại.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục