Nguồn cung được cải thiện, giá cà phê xuất khẩu giảm phiên thứ ba liên tiếp

(Banker.vn) Nguồn cung cải thiện tại các quốc gia sản xuất Arabica hàng đầu tạo sự an tâm hơn về khả năng cung ứng trên thị trường, gây sức ép lên giá cà phê xuất khẩu.
Số liệu xuất khẩu tích cực từ Brazil tạo áp lực kép lên giá cà phê xuất khẩu Sức mạnh đồng USD tăng gây sức ép lên giá cà phê xuất khẩu

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 14/2, giá hai mặt hàng cà phê giảm phiên thứ ba liên tiếp. Giá Arabica hợp đồng tháng 3 đánh mất 3,08% và giá Robusta hợp đồng tháng 5 thấp hơn 2,13% so với tham chiếu. Nguồn cung cải thiện tại các quốc gia sản xuất Arabica hàng đầu đã tạo sự an tâm hơn về khả năng cung ứng trên thị trường, từ đó gây sức ép lên giá.

Nguồn cung được cải thiện, giá cà phê xuất khẩu giảm phiên thứ ba liên tiếp
Giá Arabica hợp đồng tháng 3 đánh mất 3,08% và giá Robusta hợp đồng tháng 5 thấp hơn 2,13% so với tham chiếu

Tháng 1,xuất khẩu cà phê dạng hạt của Brazil tăng mạnh, cao hơn 45,4% so với ước tính của Hiệp hội những Nhà xuất khẩu cà phê CECAFE và 10,5% của chính phủ Brazil. Đồng thời, Liên đoàn Cà phê Colombia cũng cho biết xuất khẩu cà phê trong tháng đầu tiên năm 2024 của nước này tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, sự hồi phục của dữ liệu tồn kho cũng góp phần thúc đẩy thị trường cắt giảm vị thế mua ròng. Tính đến hết ngày 13/2, tồn kho cà phê Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đứng ở mức 297.445 bao, tăng 19% so với 249.829 bao vào cuối tháng 1.

Hơn thế, giá Robusta cao kỷ lục khiến thị trường dịch chuyển sang dòng Arabica chất lượng kém, góp phần hạ nhiệt sức nóng về giá của mặt hàng này.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (15/2), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm 1.200 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua quanh mức 76.900 - 78.000 đồng/kg.

Những ngày qua, các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ tăng trưởng hết sức lạc quan, khiến tỷ giá đồng USD hồi phục mạnh lên mức cao 3 tháng đã đè hầu hết giá cả các sàn hàng hóa chìm trong sắc đỏ.

Giá cà phê còn bị tác động tiêu cực sau báo cáo Brazil xuất khẩu tháng 1 tăng rất mạnh. Quốc gia này vừa kết thúc kỳ nghỉ lễ hội Carnival, và các nước châu Á nghỉ tết cổ truyền năm Giáp Thìn đến hết tuần này.

Yếu tố đáng kể góp phần khiến giá cà phê kỳ hạn sụt giảm là Báo cáo Thương mại tháng 12 của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1/2024 bất ngờ tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, lên đạt tổng cộng 12,168 triệu bao.

Do đó, lũy kế xuất khẩu toàn cầu trong 3 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2023/2024 đã đạt tổng cộng 32,419 triệu bao, tăng 6,8% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước đó, đã góp phần làm dịu bớt mối lo thiếu hụt nguồn cung của thị trường tiêu dùng toàn cầu.

Nguồn cung được cải thiện, giá cà phê xuất khẩu giảm phiên thứ ba liên tiếp
Xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2024 ước đạt 210.000 tấn, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước

Dự báo của đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, năm 2024, dù sản lượng cà phê sụt giảm nhưng giá trị xuất khẩu có thể đạt từ 4,5-5 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay nhờ giá bán tăng cao.

Sau chuỗi tăng mạnh tuần trước cà phê bước vào tuần lao dốc bất chấp tồn kho trên sàn thấp và nguồn cung gián đoạn. Tổng cục Thống kê Việt Nam báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2024 ước đạt 210.000 tấn, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu 4 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2023/2024 ước đạt 580.600 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Theo Reuters, giá cà phê toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 28 năm. ‏Việt Nam là nhà cung cấp cà phê Robusta lớn nhất thế giới và tình hình bế tắc đang tạo thêm động lực cho giá cà phê Robusta tăng do nguồn cung ở châu Âu đang trở nên rất thắt chặt. ‏

‏Theo ghi nhận, Việt Nam có vụ mùa kém nhất trong 6 năm vào mùa vụ 2022/23 và một số hợp đồng đã được gia hạn sang mùa vụ 2023/24, nghĩa là nông dân cần một vụ mùa lớn để thực hiện mọi cam kết. Tuy nhiên, thu hoạch mùa này cũng ở mức thấp. Mùa màng kém đã đẩy giá lên cao hơn nhiều và nông dân cảm thấy họ không đủ khả năng giao hàng với mức giá đã thỏa thuận và đã tìm cách đàm phán lại hợp đồng.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương