Người Việt chi gần 42 tỷ đồng để mua áo dài trên các sàn thương mại điện tử

(Banker.vn) Theo nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, người Việt đã chi gần 42 tỷ đồng để mua áo dài trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo chỉ trong tháng 12/2023
Hà Nội: Dịch vụ cho thuê áo dài "ăn nên làm ra" ngày cận Tết Giới trẻ Nha Trang mặc áo dài xuống phố chụp ảnh Tết

Thống kê của Metric - nền tảng chuyên đo lường số liệu thương mại điện tử, cho biết người Việt đã chi 41,5 tỷ đồng để mua gần 245.000 chiếc áo dài trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo trong tháng 12/2023 - thời điểm hai tháng trước Tết Nguyên đán 2024. Mức này tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước đó.

Cụ thể, Metric ghi nhận 224.200 sản phẩm được giao thành công, đặt từ 2.200 gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Tất cả số liệu tổng hợp đã được lọc bỏ đơn ảo và các sản phẩm quà tặng.

Người Việt chi gần 42 tỷ đồng để mua áo dài trên các sàn thương mại điện tử
Bùng nổ doanh thu bán áo dài mùa Tết

Dẫu vậy, chỉ có 10.700 sản phẩm phát sinh lượt bán, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhìn sâu hơn vào phân khúc giá, Metric cho biết phân khúc 50.000 – 100.000 đồng có doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ. Ở tầm giá này chủ yếu là sản phẩm quần mặc cùng áo dài. Đắt hơn một chút, ở mức 100.000 – 200.000 đồng là phân khúc giá tập trung cho cả set áo dài giá rẻ.

Với giá 200.000 – 500.000 đồng là phân khúc giá đem lại doanh thu cao nhất trên toàn thị trường, đặc biệt là 200.000 – 350.000 đồng. Tuy doanh thu giảm so với cùng kỳ, đây vẫn là phân khúc giá được người dùng quan tâm nhất cho mặt hàng áo dài trên các sàn thương mại điện tử.

"Người bán cần tối ưu nguồn hàng và giá vốn sản phẩm để có sự cạnh tranh bền vững trong thời gian tới, với tình hình kinh tế được dự báo là khó khăn trong năm 2024", Metric đưa ra lời khuyên.

Xu hướng mua sắm trang phục Tết của người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử phần nào phản ánh tình trạng thắt chặt chi tiêu so với mọi năm.

Theo các đơn vị kinh doanh, cơn sốt chụp hình áo dài để chào xuân, đón Tết năm nay bùng nổ hơn trước, kéo theo nhu cầu mua, thuê trang phục truyền thống tăng vọt.

"Áo dài đẹp", "áo dài cách tân" hay "mẫu áo dài" là những từ khóa phổ biến được người dùng tìm kiếm dịp cận Tết, theo dữ liệu của nền tảng đo lường xu hướng mạng xã hội Social Trend.

Các yếu tố trên giúp ngành kinh doanh trang phục truyền thống phát triển. Trên các sàn online, doanh thu mặt hàng áo dài năm 2023 đạt hơn 196.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với 2022. Năm qua, có 2.200 nhà bán hàng cung cấp ra thị trường 894.000 áo dài, theo Metric.

Tại Shopee - một trong các sàn thương mại điện tử lớn, top 10 nhà bán áo dài chiếm 11% doanh thu ngành hàng này. Trong đó, shop lớn nhất bán được hơn 31.100 chiếc một năm, thu về hơn 7,4 tỷ đồng.

Khảo sát của nền tảng lắng nghe mạng xã hội Buzzmetrics cũng cho thấy "chụp ảnh" là chủ đề được thảo luận nhiều thứ 3, sau "mua sắm" và "lì xì" vào thời điểm người Việt chào đón Tết Giáp Thìn. Cùng đó, từ khóa "áo dài" trở thành biểu tượng thú vị của sự kết nối giữa thế hệ trẻ và di sản văn hóa dân tộc.

Theo Metric, trước tình hình kinh tế được dự báo là khó khăn trong năm 2024, người bán cần tối ưu nguồn hàng và giá vốn sản phẩm để có sự cạnh tranh bền vững trong thời gian tới.

Vài năm gần đây, thời trang áo dài được quảng bá, tôn vinh qua nhiều hoạt động cổ vũ hay lễ hội. Chẳng hạn, năm 2020, nam công chức ngành văn hóa Huế bắt đầu thử nghiệm mặc áo dài ngũ thân trong một số ngày làm việc.

Cùng đó, nhờ mạng xã hội, giới trẻ có xu hướng ủng hộ trang phục này trong một số dịp trang trọng, chụp hình lưu niệm hay du lịch. "Ngày càng nhiều người trẻ thể hiện sự quan tâm và ủng hộ cho nét đẹp truyền thống, kết hợp trang phục áo dài để check-in tại các địa điểm nổi tiếng hay sáng tạo nội dung video xu hướng", Buzzmetrics nhận định.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương