Người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế

(Banker.vn) Đặng Văn Việt là người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế (Thừa Thiên Huế), trong những ngày sôi sục khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 lịch sử.
Chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế): Lan tỏa nét đẹp "Nhặt được của rơi, trả người đánh mất" Điện Kiến Trung – Nơi vua Bảo Đại gặp Phái đoàn Chính phủ lâm thời bàn việc thoái vị Công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Sự kiện hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế (Thừa Thiên Huế) diễn ra trong bối cảnh Cách mạng tháng Tám vừa nổ ra thành công ở Hà Nội (19/8/1945) và đây là một hoạt động quan trọng góp phần chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám sắp nổ ra và thành công ở Huế (23/8/1945).

Người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế
Ông Đặng Văn Việt - người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài Huế (Ảnh: Bảo tàng lịch sử TTH)

Hoàn thành nhiệm vụ to lớn này do hai ngự lâm quân Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương thực hiện. Hai ông là những thành viên xuất sắc của lực lượng Thanh niên Tiền tuyến Huế thời bấy giờ.

Theo hồi ký của Đặng Văn Việt, sáng ngày 20/8/1945: Tôi nhận tin mật và được mời đến một địa điểm gần Nam Giao gặp đồng chí Trần Hữu Dực - lúc ấy là Thường vụ Tỉnh ủy, sau này là Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Trung Bộ. Đồng chí Dực giao cho tôi một lá cờ to bằng cả ba gian nhà và nói: Tôi giao cho đồng chí lá cờ đỏ sao vàng. Đồng chí có nhiệm vụ treo nó lên cột cờ lớn trước cửa Ngọ Môn.

Tôi hỏi: Xin cho biết bao giờ xong? Đồng chí Trần Hữu Dực trả lời: Nội trong sáng mai 21/8/1945.

Theo tác phong của người lính, tôi chỉ có một ý nghĩ: "Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ?", rồi cuộn tròn lá cờ, cho vào bao tải buộc vào sau xe, rong ruổi về Trường Thanh niên Tiền tuyến.

Đến trường, tôi giấu bao tải đựng cờ vào một góc buồng. Toàn bộ Thanh niên tiền tuyến lúc ấy đã Việt Minh hóa. Anh em rất nhạy cảm với phong trào cách mạng. Chúng tôi chung sống trong tình bạn, tình đồng chí rất thân mật, nên không chút lo sợ.

Người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế
Cờ đỏ sao vàng tung bay trên kỳ đài Huế ngày nay (Ảnh. NT).
Người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế
Cờ đỏ sao vàng tung bay trên kỳ đài Huế ngày nay (Ảnh: NT)

Tôi đã gặp đồng chí Lâm Kèn (Tổ trưởng) bàn định mọi công việc. Anh Lâm gợi ý: “Sẽ huy động anh Nguyễn Thế Lương (Cao Pha) cùng đi với anh làm việc này. Tôi cho các anh mượn khẩu Barillet với 6 viên đạn xịt để tăng thêm uy thế. Phải cảnh giác với phản ứng của lính khố vàng, của Bảo Đại. Ăn mặc phải chỉnh tề, oai vệ đấy”...

Sáng ngày 21/8/1945, 3 ngày trước khi Cách Mạng tháng Tám Huế (23/8/1945) nổ ra, anh Lương và tôi dậy sớm làm công tác chuẩn bị. Chúng tôi ăn mặc gọn gàng, chững chạc trong bộ lễ phục mới toanh của nhà trường mới phát. Chúng tôi cuộn lá cờ to như một con trăn dài, buộc chặt, gác hai đầu lên xe đạp và cứ thế, chúng tôi còng lưng đẩy xe lên chân cột cờ.

Đến nơi vào khoảng 9 giờ sáng, tôi bảo anh Lương ở lại cùng xe và cờ. Tôi băng băng bước nhanh lên gặp đội pháo thủ.

Theo ông Đăng Văn Việt, vị trí cột cờ Kinh đô Huế có một thế đứng uy nghi oai vệ bậc nhất cho trong cả vùng, có thể nhất trong cả nước Việt Nam.

Bảo vệ Kỳ đài là 1 tiểu đội có 12 lính dõng với 12 khẩu Mútcơtông, chỉ huy là 1 Thầy đội. Ngoài việc bảo vệ cờ, tiểu đội cận vệ còn có nhiệm vụ bắn súng lệnh.

Người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế
Người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế
Những người làm nhiệm vụ treo cờ, hạ cờ tại kỳ đài Huế trong những dịp lễ trọng đại (Ảnh: NT)

Gặp Thầy đội chỉ huy, tôi bảo: "Theo lệnh của Ủy ban kháng chiến Trung bộ, tôi có nhiệm vụ treo cờ Cách mạng thay cờ quẻ ly. Các anh giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ", Trước uy thế Cách Mạng, Thầy đội không một chút phản ứng: Dạ, dạ, các ngài cứ ra lệnh. Anh cho hai lính xuống giúp ông bạn tôi đưa xe, cờ lớn đây.

Lệnh được thi hành ngay, sau 10 phút cờ đã sẵn sàng ở chân cột cờ. Sau đó, 6 lính pháo đùng và Thầy đội xếp hàng ngang. Anh Lương đứng đầu hàng. 6 lính pháo đùng buộc cờ Cách Mạng sẵn sàng kéo dây. Tôi đứng ngoài hàng ra lệnh: "Kéo cờ - chào!",

Lính pháo dùng bồng súng, còn chúng tôi đưa ngang tay chào kiểu nhà binh. Cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên đỉnh cao, đồng thời cờ quẻ ly được hạ thấp dần xuống gần mặt đất. Nhìn theo lòng tôi rạo rực, máu trong tim như sôi lên vì hồi hộp, sung sướng, phấn khởi, tự hào, ở cách xa thành phố chừng 40 km đều trông thấy cờ. Cả thành phố, cả nhân dân vùng ngoại ô đều ầm ầm hô to: Cờ đỏ sao vàng!... Cờ đỏ sao vàng! Hoan hô Cách Mạng đã về!... Dân ta đã Độc lập - Tự do rồi!...

Xong nhiệm vụ, tôi ra lệnh: “Không được ai hạ cờ, khi chưa có lệnh của Cách Mạng!”.

Tôi và bạn Nguyễn Thế Lương lại đàng hoàng cưỡi xe đạp, rong ruổi trở lại trường. Thỉnh thoảng chúng tôi quay lại nhìn màu đỏ thắm của lá cờ bay rợp cả bầu trời Kinh đô Huế - một vẻ đẹp hùng hậu mang lại niềm tin yêu vô bờ đối với Tổ quốc Việt Nam ta!

Hai chiếc thủy phi cơ hai thân, sơn màu bạc từ Hạm đội 7 bay vào, lượn hai vòng quanh cột cờ, rồi nghiêng cánh bay đi, như vẫy chào một Nhà nước Việt Nam sắp ra đời - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 23/8/1945, Cách Mạng nổ ra và thành công ở Huế... Hàng chục vạn đồng bào Cố đô Huế và vùng nông thôn đã đổ về thành phố biểu tình dưới màu đỏ rực của lá cờ Cách mạng trên cột cờ lớn, với những gậy gộc, giáo mác, với một khí thế long trời lở đất.

Lớp Thanh niên Tiền tuyến trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt của Cách mạng tháng Tám ở Huế: Chiếm cứ các công sở, tước vũ khí của các lực lượng vũ trang, thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên để bảo vệ chính quyền còn non trẻ, chi viện cho miền Nam, bắt giữ các lực lượng chống đối hòng lật đổ cuộc Cách Mạng, bảo vệ các cuộc mít tinh lớn...

Người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế
Nhân dân Thừa Thiên Huế khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám 1945 (Ảnh: Bảo tàng lịch sử TTH)

Sự kiện “Hạ cờ nhà Vua, giương cao cờ đỏ sao vàng” là một trận đánh nhỏ, không kèn, không trống, không một tiếng súng, không máu chảy…nhưng hiệu quả lại rất lớn, buộc vua Bảo Đại phải từ bỏ ngai vàng, tạo tiền đề cho một chế độ chính trị mới, tiến bộ hơn.

Đây là một điểm sáng chói trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng đã làm cho triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã tồn tại 13 đời Vua, 143 năm trị vì đã sụp đổ hoàn toàn, chấm dứt chế độ phong kiến cuối cùng tại Việt Nam.

Đặng Văn Việt (1920 - 2021), quê quán: Nho Lâm, Diễn Châu, Nghệ An; nguyên là trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng được người Pháp mệnh danh là “Hùm xám đường 4" do thành tích chỉ huy Trung đoàn 174 giành được nhiều chiến tích trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950.

Nguyễn Tuấn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục