Người dân “chật vật” xác thực sinh trắc học để chuyển tiền trên app ngân hàng

(Banker.vn) Không chỉ các ngân hàng mà người dùng đang chạy đua cập nhật dữ liệu sinh trắc học trước 1/7. Tuy nhiên nhiều người cho biết rất "chật vật" với việc xác thực.
Ngân hàng chạy nước rút xác thực vân tay, khuôn mặt khách hàng Có thể “nghẽn mạng” khi thực hiện sinh trắc học trong thanh toán Sẵn sàng phương án xử lý vướng mắc trong sử dụng dịch vụ xác thực bằng sinh trắc học

Loay hoay xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng

Kể từ ngày mai (1/7), Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực. Theo đó, chỉ có những tài khoản thanh toán đã xác thực sinh trắc học thành công mới đủ điều kiện để chuyển tiền online trong nước hoặc nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày; chuyển tiền ra nước ngoài hay thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày.

Trước đó, trong tháng 6, nhiều ngân hàng đã bắt đầu rục rịch triển khai thí điểm việc xác thực sinh học và gấp rút hỗ trợ khách hàng hoàn thành. Đến nay, đã có nhiều ngân hàng triển khai sớm và nhanh chóng với số lượng khách hàng đã đăng ký nhận diện sinh trắc học chiếm tỷ lệ lớn, như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, VIB…

Tuy nhiên, vẫn còn số lượng lớn khách hàng của các ngân hàng vẫn loay hoay và gặp nhiều khó khăn trong việc cập nhật sinh trắc học bằng khuôn mặt. Chị Nguyễn Ngọc Diệp (Hà Nội) cho biết, trong những ngày cuối tháng 6, chị và các thành viên trong gia đình đều miệt mài xác thực sinh trắc học. Nhưng có những app ngân hàng trục trặc khiến chị dù chủ kiên nhẫn chụp căn cước công dân gắn chip tới 30 lần, rốt cuộc vẫn không thể thành công.

“Ngày mai bắt đầu thực hiện sinh trắc học với những giao dịch lớn rồi mà đến sáng nay tôi làm đến 30 lần vẫn không được. Tôi có đến 5 tài khoản ngân hàng, đã xác thực được 2 tài khoản rồi còn tận 3 tài khoản nữa mà làm mãi vẫn không xong. Có những app cứ chụp xong căn cước công dân là đơ, không làm tiếp nổi” - chị Diệp bức xúc chia sẻ.

Người dân “chật vật” xác thực sinh trắc học để chuyển tiền trên app ngân hàng
Nhiều người dân cho biết gặp khó khăn trong việc xác thực sinh trắc học để chuyển tiền trên app ngân hàng

Tương tự, chị Tố Như (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, chị có 3 app ngân hàng và 1 ví điện tử. Hiện nay 2 app ngân hàng và ví điện tử đã xác thực sinh trắc học xong, nhưng vẫn còn một app ngân hàng khác không thể hoàn tất do hệ thống liên tục báo lỗi.

“Ba ngày gần đây, ngày nào tôi cũng loay hoay tới 20-30 phút thực hiện các bước xác thực, nhưng cứ chụp xong hai mặt căn cước công dân gắn chip và quét mã QR trên góc phải của căn cước công dân là hệ thống báo lỗi. Tôi cũng nhờ nhiều người làm thử nhưng vẫn không thể thành công” - chị bày tỏ.

Đồng thời, chị Như cho hay, quá mệt mỏi với tình trạng trên, nên chị quyết định lựa chọn giải pháp là chuyển toàn bộ số tiền hiện có trong tài khoản này sang tài khoản đã xác thực sinh trắc học. Cách này vừa đỡ mất thời gian, vừa đỡ bực mình. “Tôi cho rằng, với những app ngân hàng mà nền tảng công nghệ hay bị lỗi như vậy, có lẽ sẽ mất một số lượng khách hàng không hề nhỏ khi Quyết định 2345 có hiệu lực” - chị Như nói.

Khác với 2 khách hàng trên, anh Thành Công (Cầu Giấy, Hà Nội) lại tỏ ra khá bàng quan với việc cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng của mình. Anh Công cho hay: “Tôi chỉ có 2 tài khoản ngân hàng và một ví điện tử, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa xác thực sinh trắc học bất cứ một app nào. Đơn giản là vì tôi thấy chưa cần thiết, bởi các giao dịch thanh toán hàng ngày của tôi hiếm khi lên tới 10 triệu đồng/lần và vượt 20 triệu đồng/ngày”.

Trong khi đó, theo anh Công, vào thời điểm này đang có quá nhiều người cùng xác thực sinh trắc học khiến hệ thống của ngân hàng quá tải. Thậm chí có ngân hàng vẫn chưa sẵn sàng kết nối hệ thống, khiến việc thu thập dữ liệu khách hàng liên tục bị lỗi. Chính vì vậy, “tôi sẵn sàng lùi lại đến khi cần mới xác thực cũng chưa muộn, đỡ phải rắc rối” - anh Công bày tỏ.

Ngân hàng làm việc cả ngày nghỉ để thu thập sinh trắc học

Được biết, đối với những khách hàng chỉ có chứng minh nhân dân, chưa có căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại không có tính năng đọc NFC, thì giải pháp duy nhất là phải đến cập nhật sinh trắc học trực tiếp tại các điểm giao dịch của ngân hàng.

Hoặc với khách hàng là người nước ngoài, do không có căn cước công dân gắn chip và chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khách hàng cũng cần đến trực tiếp điểm giao dịch của các ngân hàng với hộ chiếu và giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú còn hiệu lực để xác thực hình ảnh chân dung khuôn mặt.

Từ 1/7, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking hoặc giao dịch chuyển tiền có giá trị lớn hơn 10 triệu đồng.
Ngân hàng hướng dẫn người dân cập nhật sinh trắc học tại quầy giao dịch

Trước những khó khăn của khách hàng và thời điểm 1/7 đã cận kê, nhiều ngân hàng đã ra thông báo làm việc xuyên Thứ 7, Chủ nhật tại quầy giao dịch để cập nhật sinh trắc học với khách hàng không thể thực hiện được online.

Đại diện BIDV cho biết, ngân hàng sẽ bố trí nhân sự hỗ trợ thu thập sinh trắc học vào ngày 29/6 và 30/6 tại một số điểm giao dịch và trong tất cả các ngày làm việc tại tất cả các điểm giao dịch của BIDV trên toàn quốc.

“Đối với những khách hàng điện thoại không có tính năng đọc NFC trên căn cước công dân gắn chip thì giải pháp hiện tại của chúng tôi là mời khách hàng ra quầy BIDV, cán bộ sẽ dùng Smartsales trên thiết bị cán bộ (là 1 ứng dụng nội bộ cho cán bộ của BIDV) để thu thập dữ liệu sinh trắc học giúp họ. Hiện tại, giải pháp Smartsales khá hiệu quả, số liệu tăng trưởng hàng ngày. BIDV hiện là ngân hàng đã thu thập được dữ liệu sinh trắc học của khách hàng lớn nhất thị trường - khoảng gần 1.000.000 khách hàng” - đại diện BIDV chia sẻ.

Trong khi đó, để đảm bảo tất cả khách hàng đều cập nhật được khuôn mặt trước ngày 1/7, TPBank liên tục đưa ra các clip hướng dẫn kèm các minh họa cụ thể để khách hàng có thể tự thao tác và thực hiện. Nếu khách hàng không tự thao tác được, TPBank sẵn sàng đa dạng kênh hỗ trợ, song song với app TPBank là LiveBank 24/7 với các tư vấn viên hỗ trợ ngày đêm, quầy giao dịch truyền thống với các thiết bị đọc chip chuyên dụng, hay các chuyên viên khách hàng đến tận nơi để chăm sóc và hỗ trợ khách hàng thao tác.

Nhiều ngân hàng rốt ráo hỗ trợ khách hàng thu thập dữ liệu sinh trắc học, song cũng có những ngân hàng nhỏ triển khai còn chậm hơn. Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận, đầu tư thiết bị đọc chip chuyên dụng cho tất cả các phòng giao dịch, chi nhánh cần một chi phí khá tốn kém. Do đó, ngân hàng chỉ “rải” thiết bị đọc chip ở một số chi nhánh, phòng giao dịch, chứ không “rải” trên toàn bộ hệ thống. Hoặc có quy trình thu thập khuôn mặt của khách hàng chưa được chuẩn hóa cùng hệ thống, điều này dễ gây ra lỗi khi đọc thông tin trên căn cước công dân gắn chip.

Các chuyên gia kinh tế, tài chính - ngân hàng cho rằng, quy định áp dụng sinh trắc học trong giao dịch online là một chủ trương tốt nhằm đảm bảo an toàn trong các giao dịch tài chính có giá trị lớn. Tuy nhiên, hiện nay thu nhập và trình độ công nghệ của người dân còn chưa đồng đều giữa các khu vực, các lứa tuổi.

Do vậy, nhiều người mong đợi, không nên quy định cứng nhắc mà nên để cho người dân tự lựa chọn nếu có nhu cầu, tránh tình trạng quá tải tại các ngân hàng và mất thời gian cho những khách hàng không có nhu cầu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện tài chính cho rằng, hiện nay còn có một bộ phận người lao động lớn tuổi, những người về hưu hay những người có thu nhập thấp chưa có các thiết bị thực sự thông minh và kỹ năng công nghệ của họ còn thấp. Trong khi đó, thời hạn áp dụng quy định này đã đến, do vậy ông Thịnh đề xuất: “Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu để có thể kéo dài thời hạn, ví dụ đến hết tháng 8. Chúng tôi cũng cho rằng, quy định sinh trắc học cũng chỉ nên bắt buộc đối với những người thường xuyên chuyển tiền và chuyển những khoản lớn còn đối với những không có khoản tiền lớn như vậy thì không cần bắt buộc”.

TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng nêu quan điểm: Mục tiêu cao nhất của Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước chính là để bảo vệ tiền trong tài khoản thanh toán của người dân. Song điều đáng nói ở đây chính là thời điểm để thực hiện quyết định này không trùng khớp với thời điểm cuối việc thực hiện chuyển đổi căn cước công dân gắn chip.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời điểm thực hiện xác thực sinh trắc học trùng khớp thời điểm cuối việc thực hiện chuyển đổi căn cước công dân gắn chip sẽ giúp người dân giảm thiểu khó khăn không đáng có trong quá trình xác thực sinh trắc học” - ông Huân nói.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục