Người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường: Cần chế độ ăn uống, sinh hoạt ra sao?

(Banker.vn) Bệnh tiểu đường ngày càng phổ biến ở người cao tuổi và có nhiều biến chứng. Để kiểm soát chỉ số đường huyết, bệnh nhân cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Công dụng kỳ diệu của củ gừng, đặc biệt với người mắc bệnh tiểu đường Người bị bệnh tiểu đường nên ăn đồ nếp bao nhiều thì đủ?

Triệu chứng nhận biết bệnh tiểu đường ở người cao tuổi

Tại Việt Nam, có khoảng 3,53 triệu người chung sống với bệnh tiểu đường. Mỗi năm có gần 29.000 người tử vong do các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường như tim mạch, thần kinh, thận... Với mức tiêu tốn gần 800 triệu USD/năm để điều trị căn bệnh này.

Người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường: Cần chế độ ăn uống, sinh hoạt ra sao?
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát đường huyết

GS.TS Thái Hồng Quang - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam - cho biết: Bệnh tiểu đường xuất hiện do rối loạn chuyển hóa đường trong máu, phổ biến nhất là type 1 và type 2 (chiếm khoảng 90%). Hiện có tới 63% số người mắc bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán và 70% số bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2 chưa đạt mục tiêu điều trị.

Tỷ lệ bệnh tiểu đường type 2 tăng đều đặn theo tuổi và có nhiều liên quan đến lối sống không lành mạnh. Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường bao gồm tuổi tác, thừa cân, yếu tố di truyền và sự giảm vận động.

Theo các chuyên gia y tế, thông thường người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường không có triệu chứng rõ ràng. Mặc dù vậy, vẫn có một số triệu chứng điển hình như đi tiểu quá nhiều và cảm thấy khát nước. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường type 2 còn cảm thấy mệt mỏi, ngủ mê, thường có thể bị nhầm lẫn là một phần của quá trình lão hóa thông thường. Do đó, người già mắc bệnh tiểu đường khó nhận biết sớm, cho đến khi xuất hiện những tổn thương rõ rệt.

Nhiều người già cũng có các bệnh lý nền khác kèm với bệnh tiểu đường, và điều này có thể làm phức tạp việc điều trị tiểu đường. Ví dụ, huyết áp cao hoặc rối loạn lipid trong máu có thể tăng tốc độ tiến triển của các biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như vấn đề về thận, mắt, mạch máu... Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường huyết cao dễ bị nhiễm trùng hơn những người có lượng đường trong máu bình thường.

Những lưu ý trong ăn uống để ổn định đường huyết?

Bệnh nhân tiểu đường không thể cắt bỏ hoàn toàn tinh bột khỏi chế độ dinh dưỡng, bởi vì đây là nguồn dinh dưỡng thiết yếu đối với cơ thể, tuy nhiên thay vào ăn quá nhiều cơm, khoai sắn, chúng ta nên ưu tiên chọn thực phẩm vừa đảm bảo cung cấp tinh bột cho cơ thể, vừa không gây tăng đường huyết quá nhanh. Một số thực phẩm gợi ý là bánh mì đen, đậu nành hoặc yến mạch…

Bên cạnh đó, bệnh nhân cao tuổi mắc tiểu đường bổ sung hợp lý lượng protein vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Nếu bổ sung protein quá nhiều so với nhu cầu thực tế của cơ thể, người cao tuổi có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm liên quan tới tim mạch.

Ngoài ra, thay vì ăn quá nhiều món trong một bữa thì nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, như vậy hiện tượng đường huyết tăng bất ngờ sẽ được kiểm soát phần nào. Đồng thời nên duy trì khẩu phần ăn vừa phải, tránh ăn no hoặc tăng khẩu phần ăn bất thường.

Sau khi ăn xong, người cao tuổi không nên nằm nghỉ ngơi ngay lập tức. Tốt nhất nên vận động nhẹ nhàng để thức ăn được tiêu hóa phần nào.

BS.CKI Phan Thị Thùy Dung - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ: Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát đường huyết, có thể làm giảm nồng độ HbA1C từ 1% - 1,9% đối với người bệnh đái tháo đường tuýp 1 và 0,3% - 2% đối với người bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Dinh dưỡng là một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng giúp cơ thể nhận được các khoáng chất, vitamin và các chất cần thiết. Chất dinh dưỡng có trong thực phẩm bao gồm: carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước.

Nhưng khi cơ thể dần già đi, cơ thể sẽ có nhiều thay đổi, kể cả nhu cầu về dinh dưỡng. Người lớn tuổi cần cung cấp nhiều dinh dưỡng nhưng phải hạn chế dung nạp calo, tránh các thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, hạn chế các món ăn chứa đường, nhiều tinh bột…

Bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ mắc cao ở những người: Trên 45 tuổi và mắc huyết áp cao; trên 45 tuổi và bị thừa cân; trên 45 tuổi và có người thân trong gia đình mắc (từng mắc) đái tháo đường; trên 55 tuổi, tiền sử đau tim, có bệnh tim, có hoặc từng xét nghiệm đường máu ở mức cao hơn mức bình thường…

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục