Người bệnh tiểu đường có uống được nước chanh mật ong?

(Banker.vn) Nước chanh mật ong có nhiều lợi ích, kể cả người mắc bệnh tiểu đường, tuy nhiên nếu uống không đúng cách cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Khoai lang tốt cho người bệnh tiểu đường, nhưng ăn thế nào mới đúng? Công dụng không ngờ của hạt sen đối với người bệnh tiểu đường

Trong chanh có chứa lượng vitamin C lớn, các vitamin và khoáng chất khác như vitamin B6, kali, pectin, chất xơ, axít citric. Trong khi đó, mật ong bao gồm nhiều vitamin (nhóm B), khoáng chất (kali, canxi, magie...), chất chống ôxy hóa. Chính vì vậy, nếu kết hợp uống một ly nước chanh ấm và mật ong vào buổi sáng sớm sẽ nâng cao hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại vi khuẩn gây bệnh, ngăn ngừa bệnh tật như cảm lạnh thông thường, cùng nhiều công dụng khác.

Một số tác dụng của nước chanh mật ong

Giúp kiểm soát lượng đường trong máu: Chanh được đánh giá là "siêu thực phẩm dành cho bệnh tiểu đường". Nước chanh có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu theo thời gian; giúp ngăn chặn đường huyết tăng đột biến.

Người bệnh tiểu đường có uống được nước chanh mật ong?
Nước chanh mật ong có nhiều lợi ích cho sức khỏe

Ngoài ra, lý do chanh giúp giảm tác hại của bệnh tiểu đường vì còn có hai ưu điểm: Giàu chất xơ hòa tan và vitamin C. Chất xơ hòa tan giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, nhờ đó giúp kiểm soát lượng đường, cholesterol trong máu. Vitamin C có thể giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói, giảm cả mức cholesterol, chất béo trung tính, giảm nguy cơ biến chứng do bệnh tiểu đường như bệnh tim, thận.

Mật ong vốn dĩ cũng được coi là một loại “thần dược” tự nhiên cho sức khỏe nhưng với điều kiện sức khỏe bình thường. Còn người mắc bệnh tiểu đường, mật ong không thực sự tốt, vì chỉ số đường huyết thực phẩm của mật ong và đường tương đương nhau (mật ong là 58, đường là 60). Mật ong giàu vitamin, acid amin, chất chống oxy hóa nhưng nếu được tiêu thụ quá nhiều có thể khiến đường huyết tăng đột biến.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh tiểu đường có thể uống được nhưng cần hạn chế; không nên uống thường xuyên và khi pha chế chỉ nên sử dụng một lượng cực nhỏ mật ong.

Đào thải độc tố: Chất chống oxy hóa flavonoid có trong chanh là hợp chất giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi bị hư hại bằng cách giảm tổn thương tế bào, chống lại các gốc tự do và những sản phẩm được tạo ra bởi stress oxy hóa của cơ thể. Đó cũng là cách mà cơ thể sử dụng chúng hạn chế quá trình gây viêm để làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, tăng axit uric, ung thư.

Không những thế, nước chanh ấm còn giúp kích thích quá trình giải độc cơ thể, nhờ khả năng tăng cường chức năng của enzym, kích thích gan, kích hoạt dòng chảy của mật, giúp nhũ hóa và loại bỏ các độc tố hòa tan trong chất béo. Điều này làm tăng hiệu quả của quá trình tiêu hóa, chuyển hóa, đào thải độc tố.

Tốt cho tiêu hóa: Chanh và mật ong kết hợp với nhau sẽ giúp loại bỏ các độc tố có hại ra khỏi dạ dày và thanh lọc cơ thể. Trong mật ong có chứa đầy đủ các chất enzyme giúp tăng cường hệ tiêu hóa. Ngoài ra, còn có một lượng lớn vitamin C, A, chất chống oxy hóa trong mật ong có khả năng kháng viêm chống lại các vi khuẩn trong cơ thể.

Tốt cho hệ hô hấp: Mật ong chanh được nhiều người sử dụng như một bài thuốc thiên nhiên để ngăn ngừa bệnh cảm cúm, viêm họng, ho. Nếu uống đều đặn hàng ngày các triệu chứng đau rát cũng sẽ giảm.

Ngăn ngừa sỏi thận: Axit citric có trong chanh giúp ngăn ngừa sỏi thận bằng cách tăng lượng nước tiểu, tăng pH nước tiểu, tạo môi trường ít thuận lợi hơn cho sự hình thành sỏi thận. Chỉ cần 1/2 cốc nước chanh mỗi ngày có thể cung cấp đủ axit citric để giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi ở những người đã có chúng.

Những ai không nên uống nước chanh?

Do có tính axit nên nước chanh có thể gây ợ nóng, đặc biệt với những người dễ bị trào ngược axit dạ dày. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy axit citric trong chanh có thể bào mòn men răng nếu uống thường xuyên trong thời gian dài.

Đối với người mắc bệnh tiểu đường, phải duy trì số lượng carbohydrate và chất xơ để giữ cho lượng đường trong máu không tăng quá cao. Đó là lý do tại sao tuy mật ong giàu chất chống oxy hóa, có thể giúp ích cho những người bệnh tiểu đường nhưng người bệnh tiểu đường nên hạn chế dùng mật ong. Tiêu thụ quá nhiều mật ong có thể làm tăng lượng đường trong máu.

Nên uống vào lúc nào là tốt?

Sau khi thức dậy: Lúc này dạ dày đang trống rỗng, việc uống 1 ly nước chanh mật ong giúp làm sạch dạ dày và bổ sung nước cùng với Vitamin C cho một ngày làm việc. Tuy nhiên, chỉ nên pha một vài giọt nước cốt chanh, không nên lạm dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến dạ dày.

Sau bữa ăn: Có thể uống 1 ly nước chanh sau bữa khoảng 1,5 - 2 tiếng, giúp ích rất nhiều cho việc tiêu hóa thức ăn. Nhưng buổi tối chỉ nên uống 1 ly vào trước 8 - 9h tối, không nên uống quá muộn sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.

* Thông tin trong bài mang tính tham khảo. Người bệnh tiểu đường cần hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương