Nghị quyết 68: Bệ phóng mới cho doanh nghiệp tư nhân

(Banker.vn) Nghị quyết 68-NQ/TW mở ra bước ngoặt chiến lược, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, tạo bệ phóng cho doanh nghiệp bứt phá mạnh mẽ.
Nghị quyết 68: Thêm động lực cho thị trường chứng khoán Nghị quyết 68: Bước ngoặt thể chế như 'khoán 10' cho kinh tế tư nhân Giao dịch hàng hóa qua Sở: Công cụ thị trường phù hợp tinh thần Nghị quyết 68

Nghị quyết 68-NQ/TW do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 4/5/2025, mở ra chương mới cho kinh tế tư nhân Việt Nam, khẳng định khu vực này là động lực quan trọng của nền kinh tế. Với hàng loạt chính sách đột phá, từ xóa thuế khoán đến giảm 30% chi phí hành chính, Nghị quyết không chỉ “cởi trói” mà còn tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá, góp phần giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hùng Cường, Trưởng Bộ môn Quản trị kinh doanh, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Hiện thực hóa nghị quyết thành hành động

- Ông đánh giá thế nào về vai trò và triển vọng của doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên vươn mình?

TS. Nguyễn Hùng Cường: Nghị quyết 68 thể hiện một bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy phát triển kinh tế của Đảng, khi lần đầu tiên xác định rõ ràng rằng, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Đây không chỉ là sự khẳng định về vai trò mà còn là sự đặt cược chiến lược vào khu vực tư nhân như một “trụ cột thứ ba” cùng với khu vực nhà nước và FDI.

TS. Nguyễn Hùng Cường
TS. Nguyễn Hùng Cường, Trưởng Bộ môn Quản trị kinh doanh, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Ảnh: NVCC

Triển vọng của doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên mới vì thế vô cùng rộng mở, khi được khuyến khích tham gia sâu vào các lĩnh vực cốt lõi như hạ tầng, công nghiệp quốc phòng, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng.

Với mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, rõ ràng khu vực tư nhân không còn là bổ sung mà trở thành lực đẩy chính để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường.

- Thưa ông, làm thế nào để Nghị quyết 68 thực sự hiện thực hóa thành hành động cụ thể ở các bộ, ngành, địa phương, thay vì chỉ dừng ở khẩu hiệu?

TS. Nguyễn Hùng Cường: Thách thức lớn nhất không nằm ở nội dung của Nghị quyết mà ở khâu tổ chức thực thi. Để nghị quyết 68 không rơi vào vòng luẩn quẩn của những cam kết chính sách nhưng thiếu hành động cụ thể, cần thiết phải có một cơ chế giám sát độc lập, liên ngành, trực thuộc Chính phủ hoặc Bộ Chính trị, theo dõi thường xuyên và công khai đánh giá hiệu quả thực thi.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần ban hành kế hoạch hành động chi tiết, có chỉ tiêu định lượng, thời gian rõ ràng, người chịu trách nhiệm cụ thể và đặc biệt là gắn trách nhiệm chính trị của người đứng đầu với tiến độ và chất lượng thực hiện nghị quyết. Việc này phải đi đôi với cải cách thủ tục hành chính, số hóa quản trị công và tháo bỏ tâm lý e dè với khu vực tư nhân, xem họ là đối tác thay vì “đối tượng quản lý”.

Mở đường cho tư nhân bứt phá

- Với tinh thần “cởi trói” cho khu vực tư nhân, theo ông, đâu là những điểm nghẽn thể chế mà Nghị quyết 68 xác định cần tháo gỡ trước tiên?

TS. Nguyễn Hùng Cường: Nghị quyết 68 đã chỉ rõ những điểm nghẽn thể chế mang tính cấu trúc lâu nay cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân, bao gồm: Cơ chế phân bổ nguồn lực thiếu công bằng; sự chồng chéo, bất nhất trong các luật liên quan đến đầu tư, đất đai, đấu thầu, doanh nghiệp và môi trường. Cùng với đó là tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng lặp, gây phiền hà cho doanh nghiệp; đặc biệt là tâm lý hình sự hóa quan hệ kinh tế, khiến doanh nhân thiếu an tâm đầu tư.

Hiệp định IFD - cơ hội thu hẹp khoảng cách phát triểntrongAPEC
Một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 68 là tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu. Ảnh minh họa

Vì vậy, một trong những yêu cầu cấp thiết là hoàn thiện pháp luật theo hướng ổn định, minh bạch, nhất quán, bảo vệ quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh hợp pháp. Ngoài ra, cần cải cách mạnh mẽ thể chế tài chính và tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân dễ tiếp cận vốn, nhất là vốn dài hạn và vốn đầu tư đổi mới sáng tạo.

- Theo ông, làm sao để xây dựng được chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân - nhà nước - FDI - khối nghiên cứu, để tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo?

TS. Nguyễn Hùng Cường: Muốn phát triển bền vững và vươn ra thế giới, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không thể “đi một mình”.

Nghị quyết 68 đã đặt mục tiêu rõ ràng về việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có sự tham gia đầy đủ và tương tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp tư nhân, khu vực FDI, doanh nghiệp nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học và hệ thống tài chính.

Để làm được điều đó, cần nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia và vùng, có chính sách khuyến khích đầu tư chung giữa các chủ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, vai trò điều phối của nhà nước là then chốt, không chỉ trong việc tạo khung pháp lý và hỗ trợ tài chính mà còn trong kết nối, chia sẻ dữ liệu và xây dựng hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Cùng với đó, hình thành các cụm liên kết ngành, vườn ươm công nghệ. Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân, khi đó nhà nước đồng tài trợ, sẽ là giải pháp thúc đẩy liên kết hiệu quả, sáng tạo và có chiều sâu.

Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước. Qua đó, nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, kích hoạt, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục