Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền: Thắp lửa hồi sinh đồ chơi Trung thu truyền thống

(Banker.vn) Trong dòng đời sôi động, tràn lan những đồ chơi ngoại nhập, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền vẫn thầm lặng giữ lửa nghề, hồi sinh đồ chơi Trung thu truyền thống
Phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu đón Trung thu sớm Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến “thắp sáng” đồ chơi Trung thu

Bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho những món đồ chơi Trung thu truyền thống. 85 tuổi, đa số nghỉ ngơi vui thú điền viên, nhưng ông vẫn gắng sức giữ lại những món đồ chơi Trung thu giản dị, lan tỏa tình yêu trò chơi dân gian đến trẻ em.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền: Thắp lửa hồi sinh đồ chơi Trung thu truyền thống
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền luôn gắng sức giữ gìn và lan tỏa tình yêu đồ chơi Trung thu đến trẻ em

Chứng kiến những thăng trầm của các loại đồ chơi Trung thu truyền thống, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền tâm sự: Từ ngày cơ chế thị trường bùng nổ, đồ chơi nhập ngoại tràn lan, đồ chơi làm bằng thủ công dần bị quên lãng. Trẻ em có nhiều niềm vui khác với những thứ đồ chơi hình thức, mẫu mã đẹp, bắt mắt và hấp dẫn. Rất khó để các em say mê với những món đồ chơi dân gian truyền thống được làm thủ công.

Đã có thời điểm, còn rất ít người duy trì làm trò chơi dân gian thủ công truyền thống. Nhưng với niềm yêu thích đồ chơi Trung thu truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn luôn cố gắng duy trì, gắn bó niềm đam mê của mình. Ông Quyền chia sẻ, bản thân tôi thích, đam mê nên dù ít người chơi tôi vẫn làm, ai thích thì cho, ai mua thì bán, ngày xưa không có thị trường như vây giờ. Có thị trường đồng nghĩa với việc đồ chơi dân gian đã có chỗ đứng, đã không bị lấn át trước đồ chơi ngoại nhập. Đó là niềm vui của nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền khi đã dành gần cả cuộc đời gìn giữ những món đồ chơi Trung thu truyền thống.

Trước Trung thu cả tháng ông lại bận rộn với rất nhiều mặt hàng, làm các loại đồ chơi đủ mọi kích cỡ như đèn ông sao, con giống, đèn kéo quân. Đôi bàn tay ông vẫn nhanh thoăn thoắt buộc buộc, cắt cắt, dán dán… để tạo ra những sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống. Dường như những mảnh giấy những thanh tre nứa đều trở nên có hồn dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền nhớ lại: Cứ vào mỗi dịp Tết Trung thu, bố của ông lại làm đèn kéo quân cho ông chơi. Vốn say mê những món đồ chơi sáng tạo từ thuở bé, ông Quyền đã học được cách làm đèn của bố, mỗi khi bố bận không có ai làm cho chơi cậu bé Quyền lại tỉ mỉ đi tìm nguyên vật liệu và tự làm đèn. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, để làm được một chiếc đèn kéo quân phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ của người làm. Đầu tiên là phải chọn nguyên liệu làm đèn, đặc biệt cần chọn những thân tre già, vót cẩn thận, sau đó dựng khung, làm tán, bên trong chính giữa chiếc đèn có chiếc trục thẳng đứng, trên trục là chiếc chong chóng bằng giấy, một vòng tròn ở giữa đèn, trên vòng tròn dán hình các con vật bằng giấy, bên dưới có chỗ để cắm nến. Xung quanh đèn dán giấy nến hoặc giấy bản. Để chiếc đèn thêm phần bắt mắt, sinh động bên ngoài có thể dán thêm những họa tiết trang trí.

Ông Quyền giải thích: Sở dĩ có tên gọi là đèn kéo quân vì trước đây các cụ làm đèn cho trẻ con chơi, còn mong muốn truyền dạy về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Chính vì thế, những hình dán lên vòng tròn thường có hình ảnh các đoàn quân lính, ngựa xe, hành quân, xung trận. Đó cũng là lý do mọi người gọi đó là đèn kéo quân. Sau này, các “quân” bên trong đã được thay đổi phong phú hơn có thể là các con vật quen thuộc như trâu, bò, lợn, gà… hay là hình ảnh các nhân vật trong phim hoạt hình được trẻ em yêu thích.

Đã gần 20 năm nay, ông Quyền là khách mời quen thuộc của Bảo tàng Dân tộc học tham gia chương trình bảo tồn di sản trò chơi dân gian. Tại đây, mỗi kỳ Trung thu, dù đã cao tuổi, lại ở xa, nhưng ông vẫn chăm chỉ có mặt tại Bảo tàng hướng dẫn trực tiếp cho các khách du lịch và trẻ em làm các đồ chơi dân gian.

Hình ảnh chúng ta thường bắt gặp một ông già tóc bạc tại Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm triển lãm Vân Hồ, phố cổ Hà Nội… ngồi cặm cụi vót những nan tre, hướng dẫn bọn trẻ bôi hồ, phất giấy để làm đèn ông sao, đèn kéo quân… Đã có những em nhỏ sau khi được ông hướng dẫn đã làm được chiếc đèn kéo quân đầu tiên trong đời. Nhiều em không giấu nổi niềm hạnh phúc, cầm chiếc đèn kéo quân chạy vòng quanh khoe với cô giáo và bạn bè. Những hành động tự nhiên, cảm xúc chân thật của các em lại trở thành niềm động lực to lớn trong hành trình lưu giữ và phát triển các trò chơi dân gian truyền thống của người nghệ nhân già.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền rất vui khi thời gian gần đây, chính quyền và người dân đã quan tâm và có chủ trương bảo tồn, phát triển trò chơi dân gian trong đó có đồ chơi Trung thu truyền thống. Các cơ sở văn hóa thường tổ chức các buổi hướng dẫn làm đồ chơi, trò chơi dân gian cho khách tham quan, các cháu thanh, thiếu nhi. Các trường học cũng mời ông tham gia hướng dẫn học sinh làm trò chơi dân gian. Nhờ vậy, tình yêu, sự đam mê của giới trẻ với những trò chơi này ngày càng lớn hơn, góp phần quan trọng vào việc phục hồi, tạo điều kiện trò chơi dân gian phát triển, đồng thời bảo tồn và giữ gìn nét đẹp của trò chơi dân gian.

Giữa những đồ chơi ngoại nhập đắt tiền bán khắp nơi, người Hà Nội vẫn tự hào với các đồ chơi truyền thống… Trong dòng đời sôi động, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền vẫn thầm lặng giữ lửa nghề để thắp lên niềm hy vọng cho nghề làm đồ chơi Trung thu sẽ hồi sinh rực rỡ.

Phạm Tiệp

Theo: Báo Công Thương