(Banker.vn) Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi tôi tuyên bố “đổi nghề” và bây giờ tôi vẫn đang là cô gái ngân hàng. Trong mỗi câu chuyện với đồng nghiệp, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn than vãn với nhau về áp lực công việc, về KPI, về những vấn đề khác. Nhưng tận trong thâm tâm, chúng tôi vẫn yêu công việc mình, một công việc đã cho chúng tôi nhiều thứ, có áp lực thì mới trưởng thành.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Ái Linh, công tác tại Phòng QLKCN, Trụ sở chính Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Thời buổi này, gõ từ khóa “áp lực nhân viên ngân hàng” hay “gái ế ngân hàng” chắc chắn anh Google sẽ cho ra 7.749 kết quả. Đặc biệt những bài viết “có nên lấy vợ là gái ngân hàng” trên các diễn đàn thì ôi thôi các anh, các chị và cả các mẹ chồng tương lai vào bàn luận sôi nổi. Nào là yêu gái ngân hàng thì chả thấy mặt mũi đâu, đi sớm về muộn, gọi điện thì lúc nào cũng gấp gáp vì bận, con cái chả đưa đón được...

Vâng, thật sự nghề ngân hàng nó cực vậy đó bạn ạ. Đó cũng là nghề nghiệp tôi đã gắn bó hơn 15 năm nay. Tôi vào ngân hàng với tình yêu gieo nên từ ba, từ lâu ba đã gieo vào tôi hình ảnh cô gái ngân hàng áo dài thướt tha, ăn nói thỏ thẻ, thông minh và dịu dàng. Thời đó, ba tôi chỉ có hai nguyện vọng là hoặc tôi sẽ nối nghiệp ngành y của ba hoặc là tôi sẽ là cô gái ngân hàng.

Và rồi duyên số đưa tôi trở thành cô gái ngân hàng thật, như mong ước của ba. Trở thành nhân viên ngân hàng, lắm lúc tôi tự hỏi sao cái nghề ngân hàng trong thời đại này vất vả quá, chẳng như ba đã nói. Tôi chẳng thướt tha, dịu dàng mà lúc nào cũng lao như con thoi, nhanh như cái máy để giải phóng khách hàng nhanh nhất. Áp lực khách hàng, áp lực chỉ tiêu thật sự nhiều lúc thấy mệt mỏi.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nghề này cũng đã cho tôi rất nhiều thứ, áp lực đấy nhưng cũng nhiều niềm vui. Tôi được gặp gỡ với nhiều khách hàng, nghề dạy cho tôi khả năng kiềm chế cảm xúc, đọc vị được khách hàng, đưa ra sự tư vấn phù hợp đem lại nhiều lợi ích tài chính cho cho cả hai bên.

Chính vì vậy mà tôi đã có được nhiều tình cảm, sự tin cậy của khách hàng. Bên cạnh đó, tình đồng nghiệp, môi trường làm việc chuyên nghiệp, chính sách đãi ngộ tốt của “Bank xanh lá” cũng đã làm tình yêu của tôi với nghề ngân hàng ngày một lớn lên.

Tôi vẫn nhớ trên chặng đường gắn bó với nghề, nhiều lúc quá mệt mỏi tôi đã tâm sự với ba về ý định “đổi nghề”. Ba đã khuyên tôi hãy suy nghĩ chậm lại, hãy dành một thời gian để suy nghĩ xem con có yêu nghề không, nếu thật sự không yêu thì đừng gượng ép, còn nếu đó là tình yêu thì đừng nghĩ rằng đó là vất vả mà hãy nghĩ rằng mình “cống hiến’ và “sống hết mình” với tình yêu của mình.

Thật vậy, không cần đến một tháng, ngay tuần sau lại đến cơ quan, lại được gặp khách hàng, lại được nhìn thấy những cái gật đầu hài lòng của khách hàng, lại được sống trong tình cảm của đồng nghiệp là quên bẵng đi lời tuyên bố hùng hồn với ba hôm nào. Thế là ba tôi cười và bảo “vậy là trót yêu rồi đấy con gái ạ”.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi tôi tuyên bố “đổi nghề” và bây giờ tôi vẫn đang là cô gái ngân hàng. Trong mỗi câu chuyện với đồng nghiệp, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn than vãn với nhau về áp lực công việc, về KPI, về những vấn đề khác. Nhưng tận trong thâm tâm, chúng tôi vẫn yêu công việc mình, một công việc đã cho chúng tôi nhiều thứ, có áp lực thì mới trưởng thành.

Tình yêu là vậy, tuy có nốt thăng nốt trầm, lúc dữ dội lúc dịu êm nhưng chung quy lại ta vẫn hạnh phúc tự hào khi được sống trong tình cảm đó.

NGUYỄN ÁI LINH

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ