Ngày này năm xưa 4/1: Tổ chức Thương mại Thế giới chính thức phê duyệt đơn xin gia nhập của Việt Nam

(Banker.vn) Ngày này năm xưa 04/01 là ngày Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chính thức phê duyệt đơn gia nhập của Việt Nam; phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP
Ngày này năm xưa 2/1: Thành lập Cục Hoá chất, Kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Ấp Bắc Ngày này năm xưa 3/1: Bộ Công Thương ban hành Quy chế xuất khẩu xăng dầu

Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và quốc tế ngày 04/01; Các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 04/01.

* Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 04/01/1995: Tổ chức Thương mại Thế giới chính thức phê duyệt đơn xin gia nhập của Việt Nam. Sự kiện lớn nói trên đã mở ra nhiều dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Dấu ấn sâu đậm nhất của việc tham gia WTO và hội nhập quốc tế đối với Việt Nam là góp phần đổi mới tư duy chính sách, hoàn thiện chuẩn mực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, định hình khung khổ pháp lý và các chuẩn mực phát triển các thể chế kinh tế-thương mại, tạo cơ sở pháp lý vững chắc làm cầu nối và xung lực tích cực để đất nước từng bước mở cửa, mở rộng quy mô thị trường hàng hóa và dịch vụ, cải thiên cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế theo các thỏa thuận đa phương và song phương đã cam kết.

Ngày này năm xưa 4/1: Tổ chức Thương mại Thế giới chính thức phê duyệt đơn xin gia nhập của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO

Đến năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước, có quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, WTO cùng với hơn hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia (15 hiệp định đã ký kết, có hiệu lực và 2 hiệp định đang đàm phán) là những cánh cửa lớn, đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, rộng, đầy đủ, hiệu quả hơn.

Trước đó, trong 15 năm (1996 - 2010), Việt Nam trải qua những vấn đề hết sức khó khăn, từ cơn bão Lin da năm 1997, khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 - 1998, đến sự kiện khủng bố Tòa Tháp đôi, ngày 11/9/2001 ở Mỹ, bong bóng bất động sản toàn cầu 2001 - 2003, bong bóng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2005 - 2006, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009...

Trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ từ phát triển theo các chỉ tiêu với mệnh lệnh hành chính sang phát triển theo định hướng bằng chiến lược - quy hoạch - kế hoạch, ngành Công Thương đã tham mưu và tổ chức xây dựng nhiều văn bản pháp luật, các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Điển hình và cũng là bước đột phá đó là tham mưu, tổ chức đàm phán sớm gia nhập tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Gần 30 năm sau, nhìn lại sự kiện này, mới thấy hết sự táo bạo của Việt Nam lúc đó. Thời điểm ngày 04/01/1995, khi WTO chấp nhận đơn xin gia nhập của Việt Nam, tình hình kinh tế trong nước mới bước đầu thoát khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái, phải hơn 1 năm sau, tháng 7/1996, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII mới công bố: “Nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm, tuy còn một số mặt chưa vững chắc”.

Dấu ấn WTO được ghi nhận rõ nét trong việc đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục kể từ 2016 đến nay.

Từ ngày 4 đến 7/1/ 1983: Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp và ra Nghị quyết về "Công tác thủ đô Hà Nội". Bản nghị quyết nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, trung tâm lớn nhất về vǎn hóa, khoa học - kỹ thuật, và là một trung tâm lớn về kinh tế.

Nghị quyết chỉ rõ: Xây dựng Hà Nội xứng đáng với vị trí quan trọng của nó là yêu cầu khách quan của sự nghiệp Cách mạng xã hội chủ nghĩa và Xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, đồng thời là trách nhiệm và nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước.

Ngày 04/01/2010: Thành lập Công ty Cổ phần Kho vận Tân Cảng (thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân).

Ngày 04/01/2021: Chính phủ ban hành Nghị định số: 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định này quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đăng ký hộ kinh doanh; quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định về việc liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Ngày 04/01/2022: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP).

Kế hoạch nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác để triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này.

Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện Hiệp định cho các đối tượng liên quan, nhất là các đối tượng có thể chịu tác động như: cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương, các thành phần lao động khác thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực hiện hiệu quả Hiệp định.

Thiết lập đầu mối thông tin về Hiệp định RCEP tại Bộ Công Thương để cung cấp thông tin, hướng dẫn, làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề liên quan đến Hiệp định.

Củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất, nhập khẩu, thị trường trong nước của các cơ quan Nhà nước có chức năng cung cấp thông tin về thương mại-đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước tham gia Hiệp định, từ đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạch định và triển khai chiến lược kinh doanh trong nước và đầu tư ra nước ngoài.

* Sự kiện thế giới

Ngày 04/01/1642 là ngày sinh của Ixǎc Niutơn, nhà vật lý, toán học nước Anh, người được thế giới tôn là "người sáng lập ra vật lý học cổ điển". Ông sinh ngày 4/1/1642.

Ngày này năm xưa 4/1: Tổ chức Thương mại Thế giới chính thức phê duyệt đơn xin gia nhập của Việt Nam
Ngày này năm 1642 là ngày sinh nhà bác học Ixǎc Niutơn

Ngày 4/1/1984, tại Phnôm Pênh, Thủ đô Vương quốc Campuchia đã tổ chức lễ khánh thành Tượng đài các chiến sĩ quốc tế Việt Nam.

Đây là một công trình vǎn hoá ghi nhớ tình hữu nghị anh em, tình đoàn kết chiến đấu và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam vào sự nghiệp giải phóng dân tộc Campuchia khỏi hoạ diệt chủng của bè lũ Pônpốt Iêng Xary, góp phần xây dựng nhà nước Campuchia độc lập và hữu nghị.

Ngày này năm 1951: Chiến tranh Triều Tiên: Các lực lượng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chiếm lĩnh Seoul sau khi các lực lượng Liên Hiệp Quốc di tản.

Ngày 04/01/1960: Hiệp ước thành lập Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu được ký kết tại Stockholm, Thụy Điển.

Ngày 4/1/2010: Khánh thành toà nhà chọc trời Burj Khalifa (hình) cao 828 m, tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

* Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ

Ngày 04/01/1920, Nguyễn Ái Quốc đi xem một cuộc triển lãm hàng không tại Pari cùng với một người tên là Jean. Nhưng Jean lại chính là một viên mật thám nên trong báo cáo gửi cấp trên y cho biết: Ông Quốc đã ở 6 năm tại Mỹ, 4 năm ở bên Anh, ông đã làm bất cứ nghề gì để sống và để học hỏi. Ông đã để ý đặc biệt vấn đề chính trị thuộc địa của người Anh và Mỹ, Tây Ban Nha cùng Italia. Ông nói và viết được tiếng Anh, đọc được tiếng Italia và Tây Ban Nha...

Ngày 04/01/1924, Tờ “La Vie d’ Ouvrière” (Đời sống công nhân) ở Pháp đăng một lúc 2 bài báo của Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Liên Xô, viết về “Tình cảnh của người nông dân An Nam” và “Tình cảnh của người nông dân Trung Quốc”.

Ngày này năm xưa 4/1: Tổ chức Thương mại Thế giới chính thức phê duyệt đơn xin gia nhập của Việt Nam
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Khi đề cập tình cảnh người nông dân trên Tổ quốc của mình, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “... Là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hóa và những bọn khác hưởng mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thói; hễ mất mùa thì họ chết đói... đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa,...”.

Còn tình cảnh của người nông dân Trung Quốc cũng chịu hậu quả bởi chế độ quân phiệt, ách bóc lột địa tô của chế độ cũ cộng với sự bóc lột của chế độ tư bản cũng như bộ máy quan liêu. Bài báo kết luận rằng: “Muốn xóa bỏ tất cả những điều đó, các đồng chí Trung Quốc của chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy thật rõ sức mạnh của mình, quyền lợi của mình, và có đủ khả năng thực hiện được khẩu hiệu “Tất cả ruộng đất về tay nông dân!”.

Có thể nói rằng, vấn đề nông dân và giải phóng người nông dân là mối quan tâm hàng đầu của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian học tập lý luận tại nước Nga Xô viết cũng như trong thực tiễn vận động cách mạng sau này.

Ngày 04/01/1946, Bác Hồ viết thư yêu cầu và khích lệ các ứng cử viên ra mắt tiếp xúc với cử tri tại nơi công cộng và gặp một số nhân vật của Bộ Ngoại giao Chính phủ Trung Hoa Dân quốc tại Hà Nội nhằm tranh thủ sự ủng hộ nền độc lập của Việt Nam trong bối cảnh Pháp và Trung Hoa đang mặc cả với nhau về lợi ích ở Đông Dương.

Ngày 04/01/1966, Báo “Nhân Dân” đăng bài “Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười”. Bằng cách viết hài hước nhưng căn cứ vào những số liệu và dẫn liệu rất cụ thể, Bác phân tích thế của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đang xuống vì “chúng thiếu một thứ vũ khí quan trọng nhất, chúng thiếu tinh thần”.

Ngày 04/01/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Phát biểu với các đại biểu về nhiệm vụ của Hội đồng, Người nhấn mạnh: Hội đồng nhân dân thành phố trước hết phải phản ánh được mọi nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và truyền đạt những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đến với nhân dân, biến những chủ trương, chính sách đó thành hành động của nhân dân. Hội đồng nhân dân phải hết sức gần gũi, quan tâm đến đời sống nhân dân, thực hành Cần - Kiệm - Liêm - Chính, luôn luôn nghĩ rằng mình là người đầy tớ của nhân dân và ra sức phục vụ nhân dân.

* Sự kiện hôm nay

Ngày 04/01/2023, Quốc hội khóa XV sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2, theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 4 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 9/1/2023).

Được biết, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.

Về công tác xây dựng pháp luật, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 Nghị quyết, gồm:

Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Quốc hội cũng sẽ xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).

PV

Theo: Báo Công Thương