Ngày lịch sử của Báo Công Thương trong buổi bình minh đất nước

(Banker.vn) Ngày 2/10/1945 được coi là "ngày lịch sử" của Báo Công Thương trong buổi bình minh đất nước khi Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế đầu tiên đã ký nghị định lịch sử
Hành trang vô giá từ mùa thu lịch sử 1945 Mong tìm lại những ấn phẩm tiền thân Báo Công Thương thuở đầu Dân quốc
Phát hiện bất ngờ về tờ báo tiền thân đầu tiên của Báo Công Thương ra đời trong mùa thu lịch sử 1945

Ngày 2/10/1945 - Mốc lịch sử của Báo Công Thương

Đúng ngày này 78 năm trước ngày 2/10/1945, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký Nghị định số 08-BKT/VP về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế, tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay. Nghị định quy định bộ máy của Bộ có Phòng ba – Phòng Kinh tế tập san trong số Phòng các sự vụ với nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san- ấn phẩm tiền thân đầu tiên của Báo Công Thương ngày nay.

Với các thế hệ những người của Báo Công Thương cứ mỗi lần có dịp, có cơ hội chạm tay vào lịch sử, trong tâm khảm mỗi người lại chộn rộn những xúc cảm vừa trào dâng vừa sâu lắng.

Trào dâng là bởi khi lịch sử được mở ra, hiện diện trước mắt cảm thấy như cuộc sống được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, con tim thêm nhịp đập mới. Sâu lắng là bởi luôn cảm thấy vinh dự khi mình là một phần của lịch sử, đưa lịch sử đi xa hơn.

Một tờ báo được khởi nguồn từ những ngày lập nước, cơ quan của một bộ có mặt trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà- Bộ Quốc dân Kinh tế, thể hiện khát vọng dân giàu, nước mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, khẳng định mạnh mẽ vai trò đi đầu của công tác tuyên truyền các chính sách mới, nhất là chính sách kinh tế.

Bộ Công Thương đã qua nhiều lần tách nhập, với nhiều mô hình tổ chức cho phù hợp với mô hình quản lý từng thời kỳ của đất nước. Và trong dòng chảy đó, Báo Công Thương cũng được tổ chức với nhiều tên gọi trước khi xuất bản số đầu tiên dưới manchette “Công Thương” từ ngày 1/4/2008.

Với mỗi một cơ quan, tổ chức, những cột mốc quan trọng nhất là ngày truyền thống, ngày thành lập và riêng với cơ quan báo chí có thêm ngày xuất bản số báo đầu tiên. Đó là những mốc thời gian rất hệ trọng và cũng rất có ý nghĩa để mỗi khi bóc trang lịch có những ngày tháng đó, những người từng đứng trong đội ngũ cơ quan ấy, đơn vị ấy, tờ báo ấy vừa tự hào, vừa có thêm nguồn động viên tinh thần to lớn để đẩy con thuyền lịch sử đi xa bằng tất cả trí tuệ, sức lực và trách nhiệm cao nhất của mình.

Ngày lịch sử của Báo Công Thương trong buổi bình minh đất nước
Hội thảo xác định ngày thành lập, ngày truyền thống của Báo Công Thương

Với một cơ quan báo chí giàu truyền thống như Báo Công Thương, từ lâu cột mốc thời gian nào là ngày truyền thống được đặt ra như một câu hỏi lớn, một niềm đau đáu của thế hệ những người làm báo Công Thương qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển. Bởi làm rõ được điều này sẽ đóng vai trò quan trọng cho công tác giáo dục truyền thống, xây dựng văn hóa công sở, văn hóa cơ quan báo chí hướng tới tạo dựng những nền móng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo của báo Công Thương.

Nhận thức sâu sắc được điều này, từ năm 2022, giữa bộn bề công việc của công tác xuất bản báo chí, lãnh đạo Báo Công Thương vẫn dành thời gian cho việc tìm hiểu các tư liệu lịch sử phục vụ cho việc xác định ngày truyền thống của tờ báo. Công việc này được Ban Biên tập báo trực tiếp giao nhiệm vụ cho Liên Chi hội Nhà báo Báo Công Thương với nòng cốt là các cán bộ, phóng viên có kinh nghiệm, có thời gian làm việc lâu năm liên hệ với Thư viện Quốc gia để tìm kiếm, thu thập tài liệu lịch sử.

Sau nhiều buổi tìm kiếm, thu thập với sự giúp đỡ tận tâm, nhiệt tình của các cán bộ Thư viện Quốc gia, nhóm cán bộ, phóng viên Báo đã tìm được một số bản gốc của tờ nguyệt san Mặt trận Kinh tế - một trong những tờ báo tiền thân của Báo Công Thương với những số đầu tiên được ấn hành vào cuối năm 1948.

Có thể nói việc tìm ra được bản gốc này sau hơn 7 thập kỷ “ngủ yên” trên giá lưu trữ là điều hết sức có ý nghĩa bởi trong nhiều năm, chúng mới chỉ được nhắc đến trong những dịp kỷ niệm hay trên những trang hồi ức của các nhà báo lão thành từng công tác tại các cơ quan báo đã hội tụ thành báo Công Thương chứ hầu như chưa ai rõ diện mạo của một tờ báo thuở đầu Dân quốc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Điều có ý nghĩa nữa khi đây là những tư liệu quý, là cơ sở quan trọng để xác định ngày truyền thống của Báo Công Thương.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu trước khi có ấn phẩm “Mặt trận kinh tế” thì liệu còn có những văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất bản các ấn phẩm báo chí của Bộ Quốc dân Kinh tế, Bộ Kinh tế để khẳng định nhất quán chủ trương, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là coi trọng công tác tuyên truyền các đường lối, nhất là đường lối kinh tế của đất nước.

Bản nghị định "ngủ yên" nhiều thập kỷ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia

Đầu năm 2023, tiếp tục thực hiện chủ trương thu thập tài liệu phục vụ xác định ngày truyền thống, đồng chí Nguyễn Tiến Cường - Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương qua tìm hiểu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Bộ Nội vụ) đã tìm thêm được một số tư liệu quan trọng, quý giá và đặc biệt là chưa từng được công bố.

Đó là Nghị định số 08-BKT/VP ngày 2/10/1945 do Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế và Nghị định số 75-BKT/ND ngày 8/3/1949 do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phan Anh ký quy định nhiệm vụ của Phòng Báo chí thuộc Văn phòng Bộ Kinh tế.

Ngày lịch sử của Báo Công Thương trong buổi bình minh đất nước

Văn bản Nghị định số 8-BKT/VP ngày 2/10/1945 của Bộ Quốc dân Kinh tế

Đây có thể nói là các tư liệu hết sức quan trọng không chỉ mang tính lịch sử mà còn mang tính pháp lý rất cao liên quan đến thời điểm ra đời cơ quan báo chí tiền thân của Báo Công Thương mà cũng còn như một sự mách bảo kỳ diệu nào đó đầy hữu duyên của các bậc tiền nhân.

Trên cơ sở các tài liệu mới được tìm thấy kết hợp với các tài liệu đã có, lãnh đạo Báo Công Thương đã chủ động trình lãnh đạo Bộ Công Thương về chủ trương xác định thời điểm Ngày truyền thống của Báo Công Thương để Lãnh đạo Bộ có quyết định công nhận chính thức.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải với vai trò người trực tiếp chỉ đạo công tác báo chí của Bộ hoan nghênh ý tưởng tổ chức hội thảo “Xác định ngày truyền thống của Báo Công Thương” và yêu cầu Báo cần chuẩn bị kỹ nội dung để tổ chức tốt, hiệu quả hội thảo.

Hội thảo tìm ngày truyền thống

Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, với tinh thần nghiêm túc, khách quan, khoa học và hết sức cầu thị, sau khi nghiên cứu các điều kiện cần thiết và chuẩn bị các tư liệu, tài liệu, ngày 8/9/2023, Báo Công Thương tổ chức hội thảo Hội thảo xác định ngày thành lập, ngày truyền thống của Báo Công Thương với sự tham gia của các cán bộ lão thành, chuyên gia lịch sử, nhà báo, nhà nghiên cứu có uy tín cùng lãnh đạo Văn phòng, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III…

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà báo có uy tín như Hà Đăng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban tư tưởng – Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên trợ lý Tổng Bí thư; Dương Trung Quốc - nhà nghiên cứu sử học, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Hồ Quang Lợi – nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí Bùi Đức Khiêm, Nguyễn Hữu Quý, Trương Thu Hiền – nguyên Tổng biên tập Báo Công Thương…

Trong số các tài liệu đưa ra tại Hội thảo, đáng chú ý nhất là Nghị định số 08-BKT/VP ngày 2/10/1945 do Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế để đạt được mục đích cải thiện nền kinh tế nước nhà.

Theo đó, tại Mục 3, Điều 4, Chương thứ 2 của Nghị định về Các phòng sự vụ ghi rõ: Phòng ba – Phòng Kinh tế tập san với nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san.

Nội dung trên đã thể hiện rõ thời gian và cơ sở pháp lý chứng minh việc thành lập cơ quan làm công tác báo chí đầu tiên của Bộ Quốc dân Kinh tế (nay là Bộ Công Thương) chính là Phòng Kinh tế Tập san, cơ quan tiền thân của Báo Công Thương ngày nay. Ấn phẩm báo chí đầu tiên của Bộ Quốc dân Kinh tế chính là Việt Nam Kinh tế tập san, ấn phẩm tiền thân của Báo Công Thương ngày nay.

Cùng với đó là Nghị định số 75-BKT/ND ngày 8/3/1949 do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phan Anh ký. Nghị định này quy định về Phòng Báo chí thuộc Văn phòng Bộ Kinh tế. Nghị định nêu rõ, Phòng Báo chí có các nhiệm vụ: Phổ biến chính sách, luật lệ kinh tế Việt Nam; sưu tầm, thu thập các tài liệu, tin tức kinh tế trong nước và nước ngoài; xuất bản sách báo, tài liệu kinh tế; giữ thư viện và “bảo tàng kháng chiến” của Bộ Kinh tế. Đặc biệt, Điều 3 Nghị định ghi rõ nhiệm vụ xuất bản các loại báo chí của Bộ, cụ thể là tờ nguyệt san Mặt trận Kinh tế.

Nghị định này tiếp tục cho thấy sự điều chỉnh về cơ quan báo chí của Bộ, chuyển từ Phòng Kinh tế tập san thuộc các phòng sự vụ về Phòng Báo chí thuộc Văn phòng Bộ quản lý. Đồng thời, ấn phẩm Việt Nam Kinh tế tập san cũng đổi tên, trở thành nguyệt san Mặt trận Kinh tế phù hợp với tình hình toàn quốc.

Đặc biệt tại Hội thảo, nhà báo, nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn cung cấp thêm hình ảnh phô tô trang bìa của số 1 Việt Nam Kinh tế tập san (khi xuất bản có tên Việt Nam Kinh tế nguyệt san) xuất bản tháng 6 năm 1946 (không rõ ngày xuất bản) làm phong phú thêm lịch sử của Báo Công Thương

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng về các tài liệu của Báo Công Thương và thống nhất rất cao với đề xuất của Báo Công Thương lấy ngày 2/10/1945 là Ngày truyền thống của Báo Công Thương.

Phương án chọn ngày 2/10/1945 được xác định là vừa có ý nghĩa lịch sử, thể hiện chiều dài lịch sử, bề dày lịch sử của tờ báo, vừa có tài liệu, quyết định của cơ quan có thẩm quyền chứng minh, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống và giá trị nhân văn sâu sắc. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về công nhận ngày truyền thống được quy định tại Nghị định số 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Hơn nữa, Nghị định số 08-BKT/VP ngày 2/10/1945 của Bộ Quốc dân Kinh tế là minh chứng cho thấy, ngay từ khi ra đời, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới đã đặc biệt coi trọng công tác vận động, tuyên truyền cũng như xuất bản báo chí, coi đây như một công việc hàng đầu của Chính phủ.

Đặc biệt, trong tháng 10/1945 còn có một sự kiện rất ý nghĩa là ngày 13/10/1945, Bác Hồ viết thư riêng gửi giới Công Thương Việt Nam, trong đó Người nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Sự kiện này cùng với việc ra đời Báo Công Thương là sự khẳng định hùng hồn việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất quan tâm tới ngành Công Thương và công tác thông tin, tuyên truyền của ngành Công Thương. Việc lựa chọn ngày 2/10/1945 làm ngày truyền thống Báo Công Thương vừa sát với thực tiễn lịch sử vừa chứng minh tờ báo có bề dày truyền thống, là một trong những cơ quan báo chí bộ, ngành có tuổi đời sớm nhất.

Đây là hành trang vô giá cho thế hệ những người làm Báo Công Thương cũng như những người làm báo kinh tế nói chung hôm nay thêm tự hào, phát huy giá trị truyền thống của thế hệ trước. Mốc thời gian này có tính thuyết phục cao, thể hiện bề dày truyền thống cao nhất, có được các dữ liệu, tư liệu lịch sử rõ ràng nhất và thuyết phục nhất.

Tham vấn học giả Nguyễn Đình Đầu - nhân chứng lịch sử từ những ngày đầu lập nước

“Ôn cố tri tân”, một hoạt động đặc biệt ngay sau Hội thảo là ngày 16/9/2023, đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương và đoàn công tác của Báo Công Thương đã vào TP Hồ Chí Minh, có cuộc gặp gỡ, tham vấn quý giá đối với học giả Nguyễn Đình Đầu, năm nay bước sang tuổi 104. Cụ Nguyễn Đình Đầu từng là Bí thư của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà những ngày đầu trong Chính phủ lâm thời và thời gian cụ Nguyễn Mạnh Hà làm Bộ trưởng.

Câu chuyện với một trong số những nhân chứng cuối cùng của Bộ Quốc dân Kinh tế còn sống góp phần củng cố thêm những cơ sở hết sức có ý nghĩa cho việc hoàn thiện công tác xác định thời điểm Ngày truyền thống của Báo Công Thương.

Học giả lão thành Nguyễn Đình Đầu xúc động hồi tưởng về kỷ niệm từng là Bí thư của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế, cảm ơn Báo Công Thương và Bộ Công Thương quan tâm và trân trọng lịch sử, trân trọng những người đi trước. Cụ đồng tình và ủng hộ việc xác lập, giáo dục truyền thống của Báo Công Thương cũng như ngành Công Thương.

Mới đây, Lãnh đạo Báo Công Thương đã nhất trí đề nghị Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương ra quyết định công nhận: “Ngày 2/10/1945 - ngày Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký Nghị định số 08/BKT-VP về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế để đạt được mục đích cải thiện nền kinh tế nước nhà; trong đó, Mục 3 Điều 4 của Nghị định ghi rõ thành lập Phòng 3 - Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san - là “Ngày truyền thống của Báo Công Thương”.

Mong một ngày gần đây, khi có quyết định chính thức của Bộ Công Thương về ngày truyền thống của báo Công Thương, lịch sử phát triển của Báo sẽ có một dấu mốc lịch sử mới, khẳng định rõ hơn nữa bề dày truyền thống của cơ quan ngôn luận Bộ Công Thương - bộ kinh tế đa ngành, diễn đàn giới Công Thương Việt Nam, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bức thư ngày 13/10/1945 về vai trò quan trọng của giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Đó cũng là sứ mệnh hết sức vẻ vang mà thế hệ những người của Báo Công Thương hôm nay vinh dự tiếp nối.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương