Ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3

(Banker.vn) Chiều 20/9/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi (bão số 3).
Chiều 20/9/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi (bão số 3). Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN. Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân, NHNN chi nhánh 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, lãnh đạo một số tổ chức tín dụng (TCTD) trong toàn hệ thống. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Trụ sở NHNN với các điểm cầu tại Ủy ban nhân dân, NHNN chi nhánh 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
 

 
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị  
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN cho biết, cơn bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực biển Đông, có tác động trực tiếp đến nền kinh tế của Việt Nam. Mùa bão lũ qua đi nhưng những ảnh hưởng để lại cho cuộc sống của người dân và doanh nghiệp tại các địa phương là rất lớn. Ngành Ngân hàng sau cơn bão số 3 cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi nhiều khách hàng của các TCTD bị thiệt hại trực tiếp cả người và của, dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay… Theo thống kê sơ bộ, dư nợ của các TCTD bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở đất sau cơn bão số 3 là khoảng hơn 100.000 tỉ đồng, chiếm 5 - 7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống với gần 85.000 khách hàng.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt để ứng phó khắc phục hậu quả cơn bão, sớm ổn định cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao NHNN nhiệm vụ quan trọng đó là: Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 147 Luật Các TCTD năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã vào cuộc quyết liệt, ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các TCTD chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như: Miễn, giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản, xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, các TCTD cũng đã đóng góp vào công tác an sinh xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động với gần 40 tỉ đồng.
 
Khẩn trương, chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Chia sẻ các giải pháp của Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN, Vietcombank đã triển khai giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2% đối với cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới dựa trên mức độ thiệt hại của khách hàng. Ước tính, tổng dư nợ được giảm lãi suất do ảnh hưởng của bão số 3 tại Vietcombank là 160.000 tỉ đồng. Đặc biệt, đối với những khách hàng có mức độ thiệt hại rất nặng, Vietcombank đang xây dựng chính sách hỗ trợ riêng, phù hợp với đặc thù của từng khách hàng.
 
 
Ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Đoàn Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đến ngày 20/9, BIDV xác định được hơn 1.000 khách hàng cá nhân và tổ chức tại 40 chi nhánh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với dư nợ trên 40.000 tỉ đồng. Theo đó, để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, BIDV đã chủ động giảm lãi suất cho vay đến 2% và triển khai thêm gói tín dụng mới quy mô 60.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nhưng chưa có quan hệ tín dụng với BIDV.
 

Ông Đoàn Việt Nam - Phó Tổng Giám đốc BIDV phát biểu tại Hội nghị

Liên quan đến các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Tổng Giám đốc NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, theo thống kê sơ bộ VietinBank có 39 chi nhánh tại 26 tỉnh, thành bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, đặc biệt có những chi nhánh phải tạm dừng hoạt động do bị ảnh hưởng nặng nề. Bão số 3 gây ảnh hưởng đến hơn 400 khách hàng với số dư nợ là hơn 40.000 tỉ đồng. Nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, VietinBank đã xây dựng gói hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu và mới với quy mô 100.000 tỉ đồng, được kéo dài đến hết ngày 31/12/2024. Ngoài ra, VietinBank sẽ tiếp tục triển khai các chương trình an sinh xã hội và triển khai thêm các gói ưu đãi khác để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn sau mùa bão lũ, sớm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 

 
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc VietinBank phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, tính đến tháng 9/2024, dư nợ cho đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt trên 1 triệu tỉ đồng (chiếm 62,1% tổng dư nợ). Sau cơn bão số 3, Agribank ước tính có 60/75 chi nhánh tại 25 tỉnh, thành phố phát sinh thiệt hại. Trong đó, có gần 15.000 khách hàng vay với dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỉ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỉ đồng. Trước tình hình đó, Agribank đã khẩn trương ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, với khoản vay có dư nợ nội bảng, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 06/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất đối với khoản vay thông thường.
 

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng Giám đốc NHTMCP Quân đội (MB), cho biết, hiện nay, MB đã và đang triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên cơ sở mức độ thiệt hại, năng lực tài chính của khách hàng và mức lãi suất hiện hành đang áp dụng với khách hàng. Đối với khoản vay hiện hữu, MB giảm lãi suất từ 1 - 2% đối với dư nợ trung, dài hạn; nợ ngắn hạn giảm lãi suất từ 0,5 - 1%. Bên cạnh đó, MB cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô đến 2.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay giảm tới 1% cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh với đa dạng các mục đích tái thiết cuộc sống sau bão, lũ. Phó Tổng Giám đốc MB Trần Minh Đạt cũng đưa ra kiến nghị, NHNN tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống nhanh chóng, kịp thời triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ, thực hiện đồng bộ trên toàn hệ thống bởi nếu khách hàng bị chuyển nhóm nợ trên dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thì dư nợ ở các TCTD khác cũng bị liên đới.

Tiếp tục thực hiện toàn diện, kịp thời các chính sách, giải pháp sao cho đúng, trúng các đối tượng cần hỗ trợ

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú biểu dương sự triển khai quyết liệt, kịp thời về các chính sách cho vay, xử lý khoản nợ, gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của các TCTD nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, sớm ổn định, phục hồi cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Phó Thống đốc Thường trực đề nghị toàn ngành Ngân hàng cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, tích cực chia sẻ với đồng bào vùng lũ bằng tất cả nguồn lực của mình như lợi nhuận, cân đối tiết giảm chi phí… để miễn giảm lãi cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị thiệt hại. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng đề nghị các ngân hàng phải thực hiện toàn diện, kịp thời sao cho đúng, trúng các đối tượng cần hỗ trợ, thực hiện chính sách tín dụng một cách công khai minh bạch, không để tình trạng trục lợi chính sách diễn ra.
 

 
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu kết luận Hội nghị

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, linh hoạt, kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NHNN cũng nghiên cứu và sớm trình Chính phủ các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, từ đó, làm căn cứ cho việc xây dựng chính sách riêng cho các đối tượng bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Ngoài ra, NHNN sẽ sớm ban hành chương trình hành động của toàn Ngành để hỗ trợ người dân sau bão lũ.

Phó Thống đốc Thường trực yêu cầu các TCTD tiếp tục đánh giá những thiệt hại, có báo cáo thống kê xác thực trong thời gian sớm nhất; có văn bản chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố để triển khai ngay các chương trình, gói tín dụng hỗ trợ đã xây dựng, bảo đảm sớm đưa vào cuộc sống. Các TCTD cũng cần phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc giám sát các chi nhánh, phòng giao dịch trong quá trình triển khai thực hiện các gói tín dụng; quan tâm, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng; tăng cường công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm được các cơ chế, chính sách ngân hàng triển khai.

Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu triển khai ngay các chính sách đã ban hành đến tay người dân tại các địa phương bị thiệt hại bởi bão, lũ. Phó Thống đốc nhấn mạnh, Ngân hàng Chính sách xã hội có đối tượng khách hàng chủ yếu là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chịu ảnh hưởng lớn từ hậu quả của cơn bão số 3, do vậy, vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai các gói tín dụng hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ là vô cùng quan trọng.

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Phó Thống đốc Thường trực yêu cầu khẩn trương tổng hợp, thống kê, đánh giá kịp thời những thiệt hại của khách hàng để báo cáo kịp thời với Ban Lãnh đạo NHNN. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tốt các gói hỗ trợ được các TCTD cam kết triển khai trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối chỉ đạo của địa phương để phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả.

Đối với các vụ, cục thuộc NHNN, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, cần chủ động nắm bắt, theo dõi tình hình từ TCTD và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để đề xuất, tham mưu chính sách kịp thời với Ban Lãnh đạo NHNN.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tin tưởng, với sự quyết tâm của toàn ngành Ngân hàng, sự phối hợp, chia sẻ cùng các bộ, ban, ngành địa phương trong triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ngành Ngân hàng phấn đấu bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm là khoảng 15%, qua đó góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 Chính phủ đã đặt ra là khoảng 7%.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Ngọc Linh

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục