Ngành ngân hàng đồng hành đóng góp tài chính cho Quỹ vaccine COVID-19 của Chính phủ

(Banker.vn) Ngay từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, ngành Ngân hàng đã tích tham gia vào hoạt động ủng hộ, chung tay đảm bảo nguồn tài chính để tiếp cận vắc-xin. Các ngân hàng đã và đang đồng hành đóng góp tài chính cho Quỹ vaccine COVID-19 của Chính phủ.

Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng.

Để thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, “chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công” dịch bệnh, vắc-xin là vũ khí vô cùng quan trọng. Bởi vậy, việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp là rất cần thiết.

Thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, những ngày qua ngành Ngân hàng đã vào cuộc tích cực “chia lửa” nhằm thực hiện thần tốc và hiệu quả chiến lược vaccine tiêm cho người dân Việt Nam.

Ngay từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, ngành Ngân hàng đã tích tham gia vào hoạt động ủng hộ, chung tay đảm bảo nguồn tài chính để tiếp cận vắc-xin.

Với vai trò tiên phong, ngày 21/5, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank đã ủng hộ tài chính để Bộ Y tế mua vắc-xin phòng chống COVID-19 với giá trị đợt trao mới nhất là 100 tỷ đồng, trong đó mỗi ngân hàng ủng hộ 25 tỷ đồng.

Tại buổi lễ tiếp nhận hỗ trợ cho quỹ mua vắc-xin của Bộ Y tế vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, toàn hệ thống ngân hàng, tất cả các tổ chức tín dụng hết sức trách nhiệm và ủng hộ chủ trương chung của NHNN trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đó là hoạt động truyền thống của hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng tích cực thực thi trách nhiệm với cộng đồng, ủng hộ quỹ mua vắc-xin phòng COVID-19. Ngày 25/5/2021, tại trụ sở Bộ Y tế (Hà Nội), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã trao 15 tỷ đồng làm kinh phí mua vaccine phòng COVID-19. Kể từ khi bùng phát dịch bệnh đến nay, SHB đã ủng hộ gần 30 tỷ đồng cùng cả nước chống dịch. Trước đó, trong năm 2020, SHB đã ủng hộ hơn 42 tỷ đồng cho công tác phòng chống COVID-19 và các hoạt động an sinh xã hội trên cả nước.

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết: “Bên cạnh phát triển kinh doanh, SHB luôn quan tâm chú trọng tới các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt là công tác phòng chống COVID-19. Với những hành động thiết thực và đóng góp của mình, SHB tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có được nguồn lực dồi dào để phòng, chống và từng bước đẩy lùi dịch bệnh”.

Đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và người dân đối phó với đại dịch đang diễn ra toàn cầu cùng mong muốn sớm có vaccine phục vụ công tác tiêm chủng phòng ngừa COVID-19, MB Group là tập đoàn tài chính gồm ngân hàng mẹ MB và 6 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực: Chứng khoán, bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, quản lý quỹ, quản lý nợ và khai thác tài sản, tài chính tiêu dùng đã tiên phong đóng góp 30 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ vừa chính thức được thành lập.

Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái chia sẻ: “Quyết định này thể hiện trách nhiệm cộng đồng của đội ngũ cán bộ nhân viên MB Group trong hoạt động an sinh xã hội của đất nước. Đồng thời, phần nào thể hiện sự chung sức, đồng lòng và đặc biệt là tin tưởng vào các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 của Chính phủ cùng các Bộ, Ban, ngành”.

Bên cạnh các hoạt động ủng hộ mua vắc-xin phòng COVID-19, nhiều ngân hàng cũng tích cực triển khai các giải pháp để chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng cộng đồng. Đơn cử như VPBank đã ủng hộ 10 tỷ đồng để mua trang thiết bị bảo bộ y tế và xét nghiệm. Trong đó, ngân hàng ủng hộ 5 tỷ cho Bắc Giang - địa phương đang chịu nhiều ảnh hưởng và có số ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày ở nhóm cao nhất cả nước trong đợt dịch này - để góp phần trang bị các công cụ bảo hộ, trang thiết bị y tế.

Đối với 5 tỷ còn lại, Ngân hàng đã ủng hộ cho Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam để triển khai các phòng xét nghiệm container lưu động tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, dự kiến mỗi container có khả năng xét nghiệm 10.000 mẫu/ngày.

Trong đợt dịch COVID-19 lần này, ngay khi các địa phương bùng phát và có diễn biến dịch phức tạp, Agribank đã ngay lập tức đồng hành và hỗ trợ kịp thời các địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất, cụ thể: Thành phố Hà Nội – 5 tỷ đồng; Bắc Giang – 2 tỷ đồng; Bắc Ninh – 01 tỷ đồng, cùng với đó là 02 bệnh viện tuyến đầu có nhiều ca lây nhiễm phức tạp trong đợt dịch này là bệnh viện K cơ sở Tân Triều – 2 tỷ đồng và bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương – 1 tỷ đồng. Như vậy, tính riêng trong đợt dịch lần này, Agribank đã thực hiện hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 là 36 tỷ đồng.

Đồng hành cùng Chính phủ, ngành Ngân hàng nói chung, từ đầu năm 2020 đến nay, trước tác động của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt kinh tế - xã hội, mặc dù hoạt động kinh doanh gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Agribank luôn thể hiện trách nhiệm chung tay cùng Chính phủ, các địa phương hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp sớm khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua triển khai có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ; miễn, giảm phí dịch vụ; miễn giảm lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi… Đặc biệt, nhằm sẻ chia khó khăn với khách hàng và cộng đồng, từ ngày 17/5/2021, Agribank thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và trên các kênh ngân hàng điện tử.

Tại nhiều địa phương khác trong cả nước, các chi nhánh Agribank trên địa bàn cũng đã nhanh chóng vận động cán bộ công nhân viên chung tay ủng hộ chia sẻ với chính quyền địa phương, các cơ sở y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Với VietinBank, ngân hàng này đã dành nguồn kinh phí 16 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống COVID-19 tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bệnh viện K cơ sở 2, Bệnh viện Bạch Mai để các địa phương, cơ sở y tế vững vàng đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, sản xuất kinh doanh… Trước đó, trong năm 2020, VietinBank đã dành hơn 53 tỷ đồng để hỗ trợ thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương, các bệnh viện trong công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên cả nước với 130 tấn gạo…

Chung tay phòng dịch COVID-19 đồng thời hỗ trợ phục hồi kinh tế, từ đầu năm 2020, ngành Ngân hàng vào cuộc sớm, đánh giá phân tích dự báo đưa ra chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân như đưa ra các chính sách cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán, và thực hiện nhiều giải pháp chính sách theo chủ trương chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Tính đến ngày 5/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.

Có thể nói, sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của ngành Ngân hàng đã được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao, nhiều khách hàng đã dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lan Nguyễn

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục