Ngành F&B: Lao đao vì đại dịch

(Banker.vn) Thiệt hại nặng nề do Covid-19, thay vì tiếp tục mở rộng mô hình theo chuỗi, ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) Việt Nam đã và đang thay đổi phương thức kinh doanh để tồn tại và phục hồi.

Khó khăn chồng chất

Không nằm ngoài những tác động, ngành F&B thuộc nhóm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, tức thì của đại dịch Covid-19. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, "di chứng" để lại cũng khiến ngành F&B gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi về cách thức kinh doanh và hành vi khách hàng.

Trước khi đại dịch xuất hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường ẩm thực, đồ uống hấp dẫn nhất toàn cầu, xếp thứ 10 châu Á vào năm 2019. Việt Nam cũng từng được vinh danh là điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á. Khi đại dịch bùng phát, các doanh nghiệp (DN) trong ngành F&B chịu thiệt hại nghiêm trọng lên đến hơn 90%. Các DN đối mặt với khó khăn trong nguồn cung nguyên liệu khi giá cả tăng cao. Việc cung cấp sản phẩm ra thị trường gặp vấn đề khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội kéo dài.

Theo khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2021, năm 2020 có gần 48% số DN trong ngành F&B Việt Nam cho rằng, không chịu tác động của đại dịch hoặc mức độ tác động ít, không đáng kể. Tuy nhiên, sang năm 2021, tỷ lệ DN chịu tác động ở mức nghiêm trọng lên đến hơn 91%. Điều này cho thấy sự tác động khủng khiếp của Covid-19 đối với ngành F&B Việt Nam.

Các DN này phải tăng chi phí cho các chương trình khuyến mại để hút khách, thêm nữa là các chi phí phòng, chống dịch… Nhiều DN F&B vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng ngay cả khi không hoạt động. Chính những yếu tố này đã khiến DN trong ngành gặp nhiều khó khăn về vận hành trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhận định ngành F&B còn chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Ngọc Kiên - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam – cho rằng, nhiều DN F&B đang đối mặt với bài toán "sống còn". Hầu hết các DN sản xuất trong ngành thực phẩm đồ uống có năng lực tài chính yếu kém, để sinh tồn, nhiều DN buộc phải thực hiện tái cơ cấu sản xuất và mạng lưới phân phối để thích ứng với khủng hoảng.

Tăng sức "đề kháng" cho doanh nghiệp F&B

Trước thực trạng đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để DN F&B nói riêng và các DN nói chung nhanh chóng phục hồi. Trong đó, có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi thu nhập mất hoặc suy giảm do mất việc làm; việc giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính với DN cũng đang tích cực triển khai. Các đơn vị liên quan cũng đã có những kiến nghị làm thế nào để có thêm chính sách miễn thuế thu nhập, giảm thuế VAT, chi phí điện nước… cho DN.

Điều đáng nói, vượt lên khó khăn của đại dịch, thị trường F&B vẫn đang thay đổi từng ngày theo hành vi và mong muốn của khách hàng. Bởi nếu DN không chủ động thích nghi và nắm bắt cơ hội thì việc bị tụt lại phía sau là điều tất yếu. Tuy nhiên, bài toán tài chính vẫn là một trong những lý do khiến nhiều DN chưa thực sự chú trọng đầu tư vào công cuộc chuyển đổi số cho cơ sở kinh doanh.

Chuyển đổi số chính là cơ hội để các chủ DN nhìn lại cách phát triển, xem xét lại định hướng và tìm mô hình kinh doanh hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, ngành F&B nên định hình lại cách thức cung cấp dịch vụ đến khách hàng, có thêm trải nghiệm thú vị cho khách hàng hay tăng cường bán hàng mang đi để tăng doanh thu…

Để giải quyết những thách thức hiện tại, các DN cần liên kết các nguồn lực, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực F&B. Nhờ đó, hình thành được lực lượng F&B tiên phong, kéo theo sự phát triển của những DN cùng lĩnh vực khác.
Trang Anh
Theo Báo Công Thương
Theo: Báo Công Thương