Ngành dệt may hướng về chuyển đổi xanh, bắt kịp xu hướng toàn cầu

(Banker.vn) Triển lãm quốc tế chuyên ngành công nghiệp dệt may SaigonTex & SaigonFabric 2024 đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, chú trọng đến các giải pháp chuyển đổi xanh.
Doanh nghiệp dệt may "biết mình biết ta" để chủ động đón bắt cơ hội từ luồng chuyển dịch sản xuất Nhà sản xuất dệt may quốc tế mở rộng sang Việt Nam

SaigonTex & SaigonFabric 2024 quy tụ hơn 1.000 nhà triển lãm đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Bỉ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Pakistan, Bồ Đào Nha, Singapore, Thụy Sĩ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Uzbekistan, Việt Nam...

Sự kiện thu hút hàng trăm thương hiệu tiêu biểu của quốc tế và Việt Nam, cùng trưng bày các sản phẩm đa dạng uy tín và có tiếng về máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, cũng như nguyên liệu dệt và vải vóc.

SaigonTex & SaigonFabric 2024 quy tụ hơn 1.000 nhà triển lãm
SaigonTex & SaigonFabric 2024 quy tụ hơn 1.000 nhà triển lãm

Kéo dài từ ngày 10-13/4, triển lãm năm nay có quy mô trưng bày lên đến gần 30.000 m2, phủ hết 2 hội trường chính A & B và hội trường lớn bên ngoài của Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).

SaigonTex & SaigonFabric 2024 có các cụm gian hàng chính thức từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Gian hàng tỉnh Giang Tô và gian hàng thành phố Nam Thông (Trung Quốc); gian hàng của Phòng Thương mại Uzbekistan; gian hàng TTF từ Đài Loan (Trung Quốc); gian hàng quốc gia chính thức từ Hàn Quốc (Kofoti, Kotmi), gian hàng của Thổ Nhĩ Kỳ và gian hàng chính thức của Việt Nam (VITAS, VINATEX, AGTEK).

Triển lãm là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm kiếm các đối tác uy tín, tìm hiểu và lựa chọn các vật liệu, nguyên phụ liệu mới. Triển lãm phù hợp với định hướng phát triển, đồng thời cũng bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu, đặc biệt đáp ứng các quy định về minh bạch nguồn gốc xuất xứ và xanh hóa nguồn nguyên liệu.

SaigonTex & SaigonFabric 2024 có 7 chủ đề chính, bao gồm: Vải denim/jean; vải từ sợi nhuộm; vải in; các loại vải tái chế; vải chức năng/thể thao; nguyên liệu cho thời trang nữ; phụ liệu may (chỉ, nút, ren, khóa kéo…). Bên cạnh đó, sự kiện có chương trình giới thiệu sản phẩm (PPP) kết hợp trưng bày tĩnh và trình diễn catwalk một cách sống động lần đầu tiên được tổ chức.

Khách tham quan sẽ được hiểu thêm về sản phẩm thời trang ứng dụng công nghệ mới nhất, được cung cấp từ các nhà triển lãm Việt Nam và quốc tế. Song song đó, triển lãm mang đến chuyên mục kết nối doanh nghiệp do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chủ trì tổ chức.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của SaigonTex & SaigonFabric 2024, các hội thảo chuyên đề cũng được tổ chức nhằm chia sẻ và cung cấp cho các nhà triển lãm những kinh nghiệm của các chuyên gia về chính sách, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp dệt may.

Hoàng Kỳ

Theo: Báo Công Thương