Ngành Công Thương chủ động ứng phó với thiên tai

(Banker.vn) Trước những diễn biến khó lường của thời tiết và những dự báo từ cơ quan chức năng, ngành Công Thương đã đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm, chủ động ứng phó.
Quảng Bình: Tổ chức cấm biển, chuẩn bị các biện pháp ứng phó thiên tai Quảng Trị: Chuẩn bị cho các phương án ứng phó thiên tai Đại tướng Phan Văn Giang biểu dương toàn quân trong công tác ứng phó thiên tai

Chiều 4/4, tại TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công Thương năm 2024, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025.

Ngành Công Thương chủ động ứng phó với thiên tai
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công Thương năm 2024, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Tham dự, chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương; ông Phạm Tuấn Anh - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương và đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.

Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng tham dự là đại diện các bộ, ban, ngành; Sở Công Thương các địa phương; đại diện các đơn vị PVN, EVN, Petrolimex, TKV,... và hơn 200 đại biểu.

Dự báo, năm 2025 Biển Đông sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tại, hiện tượng Enso đang dần chuyển sang trạng thái trung tính và nhiều khả năng sẽ duy trì đến hết năm 2025.

Ông phân tích, theo số liệu lịch sử, có một số năm La Nina tồn tại đầu năm sau đó chuyển sang pha trung tính của Enso gồm năm 1986, 1989, 2002, 2012 và 2018. Đây là những năm có khả năng có diễn biến khí hậu tương tự năm 2025.

“Căn cứ các số liệu quan trắc và dự báo hiện tại, dự báo mùa bão trên Biển Đông có thể xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm, với khoảng 11-13 cơn, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền, tập trung vào tháng 7-9 ở Bắc Bộ và tháng 10-11 tại Trung Bộ và Nam Bộ”, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia chia sẻ.

Ngành Công Thương chủ động ứng phó với thiên tai
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ngoài ra, ông Khiêm nhận định, năm 2025 tại Việt Nam, nhiệt độ vẫn duy trì ở mức cao, vẫn có những đợt nắng nóng gay gắt (39 - 40 độ C) nhưng ít có khả năng phá kỷ lục năm 2024, nhưng vẫn cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong giai đoạn chuyển mùa.

Mưa lớn diện rộng có thể xảy ra khoảng 20 đợt, chủ yếu từ tháng 6-12/2025, với mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ đến sớm nhưng có khả năng thiếu hụt trong giai đoạn mưa lũ chính vụ.

Ngành Công Thương chủ động ứng phó với thiên tai
Đại diện doanh nghiệp dự hội nghị. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ông Khiêm cho rằng cần ứng dụng dự báo khí tượng trong ngành năng lượng như: tăng cường sử dụng dữ liệu dự báo khí hậu trong quy hoạch và vận hành hệ thống điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió; xây dựng mô hình dự báo nhu cầu điện dựa trên điều kiện thời tiết, giúp tối ưu hóa điều phối điện năng.

Đồng thời, phối hợp xây dựng quy trình đánh giá rủi ro thiên tai đối với các khu công nghiệp, nhà máy điện, công trình khai khoáng và hệ thống logistics. Cung cấp thông tin khí tượng thủy văn cho Bộ Công Thương để hỗ trợ phòng chống sự cố liên quan đến thời tiết (mưa bão gây sạt lở mỏ, ảnh hưởng đến đường dây truyền tải điện...).

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho doanh nghiệp, địa phương đã trình bày về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2024, những khó khăn, bài học kinh nghiệm, giải pháp và nhiệm vụ trong năm 2025.

Loạt nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đánh giá cao kết quả các đơn vị đã đạt được trong năm 2024.

Ngành Công Thương chủ động ứng phó với thiên tai
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Từ những dự báo về tình hình thời tiết của năm 2025, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho rằng, nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành Công Thương cần được các đơn vị tiếp tục phát huy tính chủ động và sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó tốt nhất với các đợt thiên tai xảy ra trong năm 2025, đảm bảo mục tiêu giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa thủy điện, an toàn điện, an toàn công trình khai thác khoáng sản, dầu khí, cung ứng xăng dầu, công tác đảm bảo dự trữ hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường…

“Ngày 20/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác phòng chống thiên tai năm 2025. Đây là chỉ đạo quan trọng để các đơn vị trong ngành Công Thương triển khai tốt các nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong năm 2025”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra và trách nhiệm của các cá nhân và tập thể trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị.

Ngành Công Thương chủ động ứng phó với thiên tai
Đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Rà soát, cập nhật bổ sung, hiệu chỉnh phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc thù của đơn vị đối với tất cả hình thái thiên tai có thể xảy ra. Kiện toàn tổ chức, lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó với các hình thái thiên tai cao nhất; tổ chức hoặc tham gia diễn tập các phương án ứng phó thiên tai theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành và phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực của các đơn vị trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào chương trình, kế hoạch phát triển ngành; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng thiết kế, xây dựng các công trình để bảo đảm an toàn cho công trình, cho cộng đồng đối với các hình thái thiên tai.

“Các đơn vị trong ngành Công Thương cần tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài lưu ý.

Trong năm 2024, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương đã ban hành 33 công điện (riêng trong cơn bão Yagi ban hành 11 công điện) chỉ đạo, điều hành gửi các đơn vị ngành Công Thương để có các biện pháp ứng phó kịp thời đối với diễn biến bất thường của thiên tai, bão, lũ nhanh nhất với tình hình diễn biến phức tạp của bão và mưa, lũ hoàn lưu sau bão.

Nguyễn Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục