Ngành bán lẻ tăng khả năng cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

(Banker.vn) Chuyển đổi số không chỉ giúp các doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng, mà còn duy trì sự cạnh tranh và đảm bảo khả năng thích nghi với những thay đổi của thị trường.
GIZ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Sơn La tăng cường chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản

Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ của quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành thương mại và bán lẻ. Với hơn 78,44 triệu người dùng internet và 84% người dân sử dụng điện thoại thông minh tính đến đầu năm 2024, việc ứng dụng công nghệ số vào ngành bán lẻ đã trở thành một xu thế tất yếu.

Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam không chỉ tận dụng cơ hội này để tăng cường hiệu quả hoạt động, mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam như Saigon Co.op, Winmart, Satra... đã và đang ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động. Việc chuyển đổi số này được thể hiện qua sử dụng trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử... để tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu và sức cạnh tranh.

Đơn cử với Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op - chia sẻ rằng, Saigon Co.op đang tập trung vào yếu tố về AI (trí tuệ nhân tạo) thông qua việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật nhằm tạo giá trị tăng thêm cho khách hàng.

Đặc biệt, theo ông Đức, thông qua dùng công nghệ sẽ giúp nhà bán lẻ này thấu hiểu hơn hành vi của khách hàng, có tính dự báo thị trường để dẫn dắt thị trường và qua đó kết nối giữa người dùng và nhà cung cấp hiệu quả hơn.

Ngành bán lẻ tăng khả năng cạnh tranh nhờ chuyển đổi số
Chuyển đổi số giúp lĩnh vực bán lẻ tăng sức cạnh tranh - Ảnh: Minh Khuê

Ông Arun Kumar - Giám đốc khu vực của ManageEngine - cho biết, quá trình chuyển đổi số cũng giúp tự động hóa các hoạt động kinh doanh, từ quy trình quản lý chuỗi cung ứng đến kiểm soát hàng tồn kho. Điều này không chỉ làm giảm chi phí vận hành mà còn cải thiện hiệu suất và tăng lợi nhuận. Chuyển đổi số không chỉ nâng cao trải nghiệm của khách hàng mà còn định vị các doanh nghiệp bán lẻ để phát triển bền vững trong thị trường cạnh tranh” - ông Arun Kumar nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ông Arun Kumar cho biết, việc áp dụng công nghệ số trong ngành bán lẻ cũng đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất nằm ở khả năng quản lý sự thay đổi, đặc biệt là văn hóa tổ chức và thói quen làm việc. Nhiều doanh nghiệp ngại thay đổi hoặc gặp khó khăn trong việc tích hợp các công nghệ mới vào hệ thống hiện có mà không gây gián đoạn hoạt động.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đảm bảo an ninh dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số cũng là một vấn đề lớn. Với sự phát triển của các công nghệ tiên tiến như AI, IoT và blockchain, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng để bảo vệ dữ liệu của mình và khách hàng khỏi các mối đe dọa an ninh mạng. Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động cũng đóng vai trò quan trọng, khi mà công nghệ số đòi hỏi sự hiểu biết và kỹ năng chuyên sâu hơn.

Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp bán lẻ cần áp dụng một chiến lược rõ ràng và toàn diện. Ông Arun Kumar cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần lập ra các mục tiêu cụ thể, từ ngắn hạn đến dài hạn, và đảm bảo kế hoạch đủ linh hoạt để thích nghi với những thay đổi liên tục của thị trường và công nghệ. Đồng thời, thu hút sự tham gia của các bên liên quan. “Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mà còn là quá trình thay đổi toàn diện. Việc thu hút sự tham gia và hợp tác của tất cả các bên liên quan trong doanh nghiệp, từ nhân viên đến quản lý cấp cao, là vô cùng cần thiết”, ông Arun Kumar chia sẻ.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương