Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%

(Banker.vn) Ngày 19/5/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN chỉ đạo Hội nghị.
Ngày 19/5/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Thành phố Hà Nội có đại diện các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo các Vụ: Tín dụng các ngành kinh tế; Pháp chế; Chính sách tiền tệ; Tài chính - Kế toán; Truyền thông; các đơn vị Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Văn phòng NHNN; Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) có trụ sở tại miền Bắc. Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có Giám đốc NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo các NHTM có trụ sở tại miền Nam.
 


Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, để triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; bên cạnh đó, NHNN đã tổ chức nhiều hội nghị để quán triệt, phổ biến, thống nhất triển khai chính sách. Bản thân các NHTM cũng tích cực vào cuộc, truyền thông rộng rãi gói hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng qua nhiều kênh khác nhau, tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Đến cuối tháng 4/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 105.000 tỉ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 52.000 tỉ đồng, số tiền đã hỗ trợ khách hàng lũy kế từ đầu Chương trình đạt khoảng 409 tỉ đồng, đây là con số khá nhỏ so với tổng quy mô của Chương trình. Trong thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã vào cuộc tích cực, NHNN đã trăn trở, tìm mọi cách để triển khai gói hỗ trợ một cách tốt hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 44 NHTM được thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, có 32 ngân hàng đã có phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất. Nhiều ngân hàng tuy chưa giải ngân được nhiều nhưng triển khai quyết liệt thể hiện trách nhiệm với xã hội.

Tại Hội nghị, đại diện các NHTM đã báo cáo kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. NHTM cổ phần Công thương Việt Nam là ngân hàng có doanh số hỗ trợ lãi suất dẫn đầu hệ thống với 96/155 chi nhánh triển khai chương trình; cho vay 224 khách hàng; quy mô dư nợ là 12.300 tỉ đồng; số tiền hỗ trợ lãi suất là 96 tỉ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong suốt một năm qua đã chỉ đạo các chi nhánh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai Chương trình, đồng thời tổ chức các hội nghị ở nhiều khu vực để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh. Tính đến ngày 18/5/2023, doanh số cho vay của Agribank đạt 9.500 tỉ đồng; dư nợ hỗ trợ đạt 4.800 tỉ đồng; số tiền hỗ trợ là 44 tỉ đồng. NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có doanh số hỗ trợ lãi suất đến nay đạt 11.300 tỉ đồng; tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là 59 tỉ đồng nhờ vào việc Ngân hàng đã liên tục truyền thông trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã chủ động các chương trình giảm lãi suất cho khách hàng, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để tiếp tục đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng HSBC đã xây dựng, thống nhất quy trình nội bộ, thực hiện tập huấn cho các phòng ban liên quan, công bố rộng rãi thông tin hỗ trợ lãi suất. Nhờ đó, đến ngày 30/4/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt 19.400 tỉ đồng; dư nợ 9.700 tỉ đồng; số tiền hỗ trợ lãi suất là 56 tỉ đồng.

Dù đã vào cuộc rất tích cực, nhưng kết quả giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn chưa được như kì vọng, theo các NHTM là do khách hàng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất hay có trường hợp khách hàng đáp ứng điều kiện nhưng lại e ngại công tác thanh, kiểm tra, khó đánh giá về khả năng “phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, bối cảnh của nền kinh tế hiện tại đang hết sức khó khăn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp, các ngành. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nhiều thị trường, trong đó có bất động sản. Việc điều hành chính sách tiền tệ cũng đang gặp rất nhiều thách thức, tuy nhiên cần nhìn nhận rằng, doanh nghiệp khó khăn sẽ dẫn đến ngân hàng cũng khó khăn, ngân hàng cũng cần bảo vệ sức khỏe của mình, đảm bảo an toàn hệ thống.
 

Toàn cảnh Hội nghị
 
Trong giai đoạn tới, các ngân hàng phải coi trọng công tác tín dụng, tập trung tối đa vào công tác tín dụng, trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% là nhiệm vụ quan trọng và phải tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt.

Bên cạnh đó là tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chính sách, đẩy mạnh các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tăng cường nắm bắt thông tin, khó khăn của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ.

Đối với các chi nhánh NHNN, cần tăng cường giám sát, kiểm tra, phát hiện trường hợp ngân hàng từ chối hỗ trợ khách hàng để kịp thời xử lí, báo cáo chính quyền địa phương về tình hình triển khai, tăng cường tuyên truyền chính sách.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN và ngành Ngân hàng triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất; kịp thời giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách. Đồng thời, bố trí kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho NHTM trong quá trình thực hiện thanh toán và quyết toán số tiền hỗ trợ lãi suất.

NH
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng