Ngân hàng Nhà nước muốn thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối

(Banker.vn) Khi quy mô dự trữ lớn, hầu hết các Ngân hàng Trung ương sẽ chuyển sang mô hình quản lý tập trung thành lập một đơn vị độc lập trong tổ chức bộ máy của Ngân hàng Trung ương để chuyên trách thực hiện công tác quản lý dự trữ ngoại hối.

Bộ Tư pháp công bố Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong đó, NHNN đề xuất thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch hiện nay đang thực hiện.

Cơ quan này cho biết hiện nay, tại NHNN có hai đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là Vụ Quản lý ngoại hối (thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) và Sở Giao dịch (thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về dự trữ ngoại hối nhà nước).

Việc giao hai đơn vị thuộc NHNN thực hiện quản lý, điều hành dự trữ ngoại hối nhà nước trong thời gian qua phù hợp với giai đoạn khi quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước còn nhỏ.

Bên cạnh đó, các quyết định về định hướng đầu tư còn mang định tính, cần có sự tham gia của các đơn vị để mang tính khách quan và vừa phục vụ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định thị trường ngoại hối và quản lý thị trường vàng và phù hợp với tính chất các tài sản đầu tư đơn giản, ít rủi ro nên tính chuyên nghiệp còn chưa cao.

Tuy nhiên, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao đạt mức trên 109,9 tỷ USD gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2015 và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế.

Tổng tài sản có do Sở Giao dịch quản lý (cả bằng nội tệ và ngoại tệ) tính đến cuối năm 2021 đã lên tới 3,1 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2015 là 800.636 tỷ đồng.

Do vậy, khối lượng công việc tác nghiệp tại Sở Giao dịch đã trở nên quá tải do sự gia tăng của lượng tài sản cần quản lý, gây áp lực công việc lên lực lượng công chức.

Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước qua các năm (Nguồn: NHNN)

Đồng thời, do tình hình thị trường tài chính quốc tế trong những năm gần đây và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cùng với quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, các công việc liên quan đến xây dựng chính sách quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước tại Vụ Quản lý ngoại hối ngày càng gia tăng cả về khối lượng và tính chất phức tạp dẫn đến việc quá tải về khối lượng công việc.

Khi quy mô dự trữ lớn, hầu hết các Ngân hàng Trung ương sẽ chuyển sang mô hình quản lý tập trung thành lập một đơn vị độc lập trong tổ chức bộ máy của Ngân hàng Trung ương để chuyên trách thực hiện công tác quản lý dự trữ ngoại hối.

Do vậy, việc từng bước chuyển đổi sang phương thức quản lý mới, NHNN cần phải có một đơn vị mới độc lập chuyên trách về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán