Ngân hàng Nhà nước đề xuất, báo cáo Chính phủ ban hành Luật xử lý nợ xấu

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước cho biết, để có Luật Xử lý nợ xấu phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tác động ban hành Luật.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, theo quy định, sau 5 năm, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết thời hạn hiệu lực, trong khi việc phát triển kinh tế - xã hội cần có luật liên quan đến xử lý nợ xấu của nền kinh tế, không chỉ xử lý nợ xấu của riêng ngành Ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã đề xuất, báo cáo Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có Luật Xử lý nợ xấu phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tác động ban hành Luật. Nếu không kéo dài Nghị quyết số 42/2017/QH14 thì sẽ có một số khoản nợ thuộc đối tượng trong Nghị quyết này mà không có cơ sở pháp lý để triển khai, điều này sẽ gây khó khăn cho những khoản nợ đó.

Thực tế cho thấy, từ năm 2017 đến nay, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tác động rất tích cực đến nền kinh tế. Số nợ xấu đã được xử lý, giải quyết trong những năm qua thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 là 380.000 tỷ đồng. Đây là số vốn rất lớn đã được quay vòng và tái tạo đầu tư trở lại nguồn vốn cho nền kinh tế, giải quyết được nhiều lãng phí xã hội, nhất là những tài sản thế chấp trong những khoản nợ khi đã đưa vào nợ xấu thì được giải quyết, xử lý tích cực, tránh hao mòn tự nhiên, hư hỏng hoặc tài sản đóng băng.

“Nghị quyết số 42/2017/QH14 có lợi ích không chỉ với xã hội, mà còn mang lại lợi ích với cả ngân hàng, các doanh nghiệp và nền kinh tế”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Trong 2 năm qua, do dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, nên nợ xấu chắc chắn xuất hiện. Vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài Nghị quyết số 42/2017/QH14 làm cơ sở pháp lý để xử lý những khoản nợ đó sẽ tạo ra lợi ích chung cho doanh nghiệp, cho xã hội và ngành Ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Chính vì vậy, Chính phủ đã chấp thuận và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu đánh giá cho phép kéo dài Nghị quyết số 42/2017/QH14 trong thời gian tới.

Liên quan tới vấn đề tăng trưởng tín dụng, tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến hết tháng 3/2022, mức tăng trưởng tín dụng đạt 5,04%, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyền Bắc

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục