Ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nửa đầu năm 2023?

(Banker.vn) Nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng vọt sau quý 2/2023. Vậy kết thúc 6 tháng đầu năm, đâu là ngân hàng tỷ lệ nợ xấu cao nhất?

Khép lại quý 2/2023, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng bất ngờ tăng vọt. "Làn sóng" nợ xấu tại ngành ngân hàng đã được giới chuyên gia dự báo và nhận định từ trước. Tình hình ảm đạm của nền kinh tế chính là nguyên nhân tạo ra làn sóng nợ xấu tại các ngân hàng. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp liên tiếp gặp nhiều khó khăn trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt là do ảnh hưởng từ khó khăn của bất động sản và tài chính tiêu dùng.

Ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nửa đầu năm 2023?
Tỷ lệ nợ xấu/Tổng dư nợ của các ngân hàng.

Dựa trên báo cáo tài chính quý 2, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (HNX: NVB) là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao nhất hệ thống. Kết thúc quý 2, NCB ghi nhận khoản lãi hơn 8 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của NCB đạt 14 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản NCB ở mức 84.616 tỷ đồng, giảm 5,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 1,1% lên 48.246 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,4% xuống 70.381 tỷ đồng.

Xếp thứ hai sau NCB là Ngân hàng TMCP An Bình (UPCOM: ABB) với tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,55% tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng. Tại ABBank, nợ xấu tăng mạnh ở nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ), với mức tăng lần lượt là 156% và 211%. Nợ xấu nội bảng tăng "phi mã" buộc ABBank phải tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ lên 814 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ. Qua đó, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 541 tỷ đồng, thấp hơn 60% kết quả thực hiện trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022.

Vị trí thứ 3 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB). Theo báo cáo tài chính riêng quý II/2023 của ngân hàng, nợ xấu của VPB tính đến ngày 30/6/2023 là 16.195 tỷ đồng, chiếm 3,88%.

Xếp thứ 4 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (UPCOM: VBB) với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 3,86%, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2022.

Vị trí còn lại lần lượt là Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB); Ngân hàng TMCP Bản Việt (UPCOM: BVB); Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (UPCOM: PGB); Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB); Ngân hàng TMCP Nam Á (UPCOM: NAB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HOSE: SHB)...

Đánh giá một cách tổng quan, chỉ có 2/27 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cải thiện với đầu năm 2023 là Kienlongbank và SHB. Cụ thể, Kienlongbank giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,92% xuống 1,65%. SHB cũng giảm tỷ lệ nợ xấu từ 2,81% xuống 2,58% trong nửa đầu năm 2023.

Dựa trên số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), đến cuối quý 2/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Tỷ lệ nợ xấu càng cao, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến dòng vốn của các ngân hàng. Đây là nguyên nhân chính kiềm chế sự lưu thông của tín dụng trong nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định nợ xấu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực gia tăng trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các mã ngân hàng vẫn giữ được xu hướng tăng từ đầu năm cho tới nay. Nhận định về ngành ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhà đầu tư nên cẩn trọng với nhóm cổ phiếu này trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023.

Triển vọng cổ phiếu ngân hàng những tháng cuối năm

Đánh giá về cổ phiếu ngân hàng thời gian vừa qua, ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc kinh doanh chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, hầu hết các cổ phiếu đều có mức độ tăng cao hơn VN-Index và nhiều cổ tăng gấp đôi thậm chí gấp hơn 4 lần. Theo dự đoán của vị chuyên gia, trong ngắn hạn, nhiều cổ phiếu có nhịp bật tăng tốt gồm: VCB, HDB, VPB, SHB, LPB...

Cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn 1-2 tuần gần đây chủ yếu ở trạng thái tích lũy tăng nhẹ, chỉ có một số bị bán mạnh ở một vài phiên như: STB, HDB, NAB. Các cổ phiếu bị bán mạnh có thể là do hiện tượng chốt lời của nhà đầu tư.

Dự báo về diến biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Việt Quang nhận định, quý này báo cáo ngành ngân hàng được công bố khá chậm, mới chỉ một số ngân hàng công bố. Nhìn chung vẫn tăng trưởng kết quả kinh doanh so với cùng kỳ nhưng kèm đó là nợ xấu cũng tăng khá mạnh.

Xu hướng nhóm cổ phiếu này từ giờ đến cuối năm có thể sẽ chia làm các nhóm:

Thứ nhất, nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh nếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, quản trị nợ xấu tốt khả năng sẽ có nhịp tăng tốt vào cuối năm.

Thứ hai, nhóm cổ phiếu tăng mạnh hoặc chưa tăng mạnh có kết quả kinh doanh yếu nợ xấu tăng trưởng cao khả năng sẽ có điều chỉnh hoặc đi ngang (sideway).

"Theo tôi nhóm ngân hàng từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục phân hóa và chúng ta cần lựa chọn những cổ phiếu cơ bản tốt kỹ thuật đẹp để đầu tư", ông Quang khuyến cáo.

Mới đây, chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngành ngân hàng vẫn đang rất khó khăn do thu nhập từ lãi và ngoài lãi đang có tín hiệu sa sút; chất lượng tài sản chưa tích cực do những khó khăn chung của thị trường; chi phí vốn cao…Các nhà băng vẫn đang phải gồng mình đảm bảo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023 và khó có thể kỳ vọng lợi nhuận vượt trội.

Tuy nhiên, nếu xem xét quá khứ, ngành ngân hàng có lãi trên vốn chủ cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác, do đó nhà đầu tư có thể kỳ vọng tỷ lệ cổ tức cao từ các nhà băng. Đồng thời, những cổ phiếu có tỷ suất sinh lời trên 20% rất ít có trên thị trường, song lại thường xuất hiện trong ngành ngân hàng. Đầu tư vào ngành này vì thế là một quyết định không tệ.

Nhà đầu tư khi muốn rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng không nên chỉ nhìn vào giá, mà còn cần phải xem xét hiệu quả hoạt động, tính ổn định, lành mạnh và bền vững của ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thận trọng với cổ phiếu ngân hàng

Tại hội thảo đầu tư - "Thị trường Chứng khoán nửa cuối 2023" do CTCK Phú Hưng tổ chức, TS. Nguyễn Trí Hiếu thể hiện ...

Vietcombank tiếp tục giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho toàn bộ khoản vay đến hết năm 2023

Tối ngày 2/8, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố giảm lãi suất cho vay đồng loạt với mức 0,5%/năm ...

"Bừng sáng" tháng 7 và xu hướng của cổ phiếu ngân hàng cuối năm

Tháng 7 vừa tiếp tục chứng kiến sự tỏa sáng đáng kể của cổ phiếu nhóm ngân hàng, triển vọng những tháng cuối năm của ...

Thành An

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục