Ngân hàng kỳ vọng Thông tư 03 nhanh chóng được sửa đổi

(Banker.vn) Sự ra đời của các Thông tư 01 và 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp đồng thời làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Tuy vậy, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp (làn sóng thứ 4) các ngân hàng lại không thể cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay khách hàng vì vướng quy định tại các thông tư trên khiến nợ xấu có xu hướng tăng cao.

Tại tọa đàm trực tuyến nhằm chia sẻ vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thực hiện Thông tư 03, Hiệp hội Ngân hàng cùng đại diện các ngân hàng đã đề nghị NHNN xem xét sửa đổi thông tư và có các giải pháp hỗ trợ ngân hàng.

Không thể cơ cấu nợ và tiếp tục cho vay do giới hạn về thời điểm của Thông tư 03

Theo quy định tại Thông tư 03, TCTD chỉ được cơ cấu số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

Tuy nhiên, dịch bệnh lại bùng phát trở lại khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong trả nợ. Điều này dẫn đến có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định về thời gian phát sinh nợ.

Việc không thực hiện cơ cấu được sẽ khiến các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu và ảnh hưởng đến hoạt động của TCTD

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank, chỉ riêng đối với các ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 như dịch vụ lưu trú, khách sạn được giải ngân sau ngày 10/6/2020 và đến hạn trả nợ trong năm 2021, nếu không được cơ cấu sẽ có khả năng chuyển nợ xấu khoảng 8.000 tỷ đồng.

“Nếu không được cơ cấu lại các khoản nợ sau ngày 10/6/2020 sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến nợ xấu cuối năm rất lớn. Agribank khó mà giữ được nợ xấu dưới 2%”, ông Vượng chia sẻ thêm.

Do vậy, các ngân hàng kiến nghị NHNN xem xét cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020 hoặc xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi.

Đồng thời, xem xét cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch và áp dụng với các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng chính phủ công bố hết dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng kiến nghị NHNN xem xét mở rộng cơ chế số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 30 ngày kể từ ngày đến hạn trả nợ theo hợp đồng, mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán