Tỷ giá trung tâm bất ngờ “lên đỉnh”, USD ngân hàng tiến sát 24.000 đồng | |
Agribank bất ngờ rao bán khoản nợ không có tài sản bảo đảm |
Gần đây, nhân sự lãnh đạo cấp cao tại nhiều ngân hàng có sự chuyển động mạnh mẽ nhằm phù hợp với mục tiêu kinh doanh và thị hiếu thị trường.
Ngày 12/4 vừa qua, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ông Đỗ Quang Vinh, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và ông Đỗ Đức Hải, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc được bầu đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT của SHB.
Nguồn nhân sự cao cấp luôn được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu trong các ngân hàng. |
Đáng chú ý, ông Đỗ Quang Vinh (sinh năm 1989) là một trong những người trẻ tuổi nhất ngành ngân hàng đảm nhận cương vị Thành viên HĐQT. Ông Vinh có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng tại các tổ chức tín dụng.
Ông Đỗ Đức Hải (sinh năm 1982) có 20 kinh nghiệm trong ngành tài chính, ngân hàng. Ông Hải từng làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh SHB Vạn Phúc từ năm 2021.
ĐHCĐ ngân hàng SHB đã thông qua các nghị quyết, bao gồm các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng tài sản đạt khoảng 600.000 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt trên 36.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên 10.200 tỷ đồng; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 12% theo chuẩn mực Basel II; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; tỷ lệ cổ tức dự kiến 15% và qua đó dự kiến vốn điều lệ đạt trên 40.000 tỷ đồng.
Ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã công bố quyết nghị của hội đồng quản trị về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị MB đối với ông Lê Hữu Đức, đồng thời bầu ông Lưu Trung Thái làm Chủ tịch hội đồng quản trị MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024.
Trước khi được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lưu Trung Thái giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc MB.
Từ đó đến nay, MB liên tục duy trì vị trí Top 5 về lợi nhuận, Top đầu về tỷ suất sinh lời trên vốn, góp phần ghi danh MB vào nhóm các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng tại Việt Nam, Top 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (theo bảng xếp hạng VNR500 của Vietnam Report và báo Vietnamnet).
Cùng ngày, HĐQT MB cũng giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc. Ông Ánh sinh năm 1980, thuộc lớp lãnh đạo trẻ của MB, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng.
Thông tin này được công bố ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên của MB, dự kiến được tổ chức vào ngày 25/4 tới.
Còn theo tài liệu ĐHCĐ năm 2023 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng này dự kiến bầu HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 với các đề cử gồm có 6 thành viên đương nhiệm: ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Thanh Tùng (Tổng Giám đốc); ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hào và ông Hồng Quang đều là thành viên HĐQT.
Danh sách trên không có tên hai thành viên đương nhiệm là ông Shojiro Mizoguchi (Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc, người đại diện phần vốn của Mizhuo Bank tại Vietcombank) và ông Trương Gia Bình (thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT).
Trước đó, tại kỳ họp đại hội cổ đông bất thường Vietcombank đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023. Ông Tùng cũng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vietcombank từ ngày 30/01/2023.
Tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ông Đoàn Nguyên Ngọc và Nguyễn Văn Thùy, hai người nhà của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy vừa vào làm việc tại ngân hàng này. Trước đó, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ông Phạm Doãn Sơn đã xin từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc.
Theo nhiều đồn đoán, tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra trong ít ngày tới, nhân sự cấp cao của ngân hàng LienVietPostBank có thể sẽ thay đổi.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 cũng được bầu và ngân hàng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Các cổ đông ngân hàng ACB đã bầu 9 thành viên HĐQT và các thành viên đã bầu ông Trần Hùng Huy làm Chủ tịch HĐQT. Ban kiểm soát có 3 thành viên và ông Huỳnh Nghĩa Hiệp được bầu làm trưởng ban.
Một ngân hàng khác cũng có biến động nhân sự cấp cao là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, cổ đông Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐTQ nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng. Ngay trước thềm đại hội, 2 ông này đã có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Đồng thời, đại hội của Eximbank cũng thông qua danh sách trúng cử thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới là bà Doãn Hồ Lan.
Đầu năm nay, hàng loạt ngân hàng đã thay đổi nhân sự cấp cao. Đơn cử, ngày 31/1, Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng Sacombank công bố quyết định cho ông Lê Văn Ron thôi nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc ngân hàng kể từ ngày 1/2.
Hay Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng mới công bố quyết định giao bà Lê Thị Bích Phượng đảm nhận nhiệm vụ quyền Tổng Giám đốc, thay ông Nguyễn Mạnh Quân kể từ ngày 30/1/2023. Ông Quân sẽ tiếp tục tham gia công tác điều hành ở vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực ABBank.
Giới đầu tư và cổ đông rất quan tâm đến biến động nhân sự cao cấp, bởi mỗi lần ngân hàng thay chủ “ghế nóng” sẽ tác động lên giá cổ phiếu của các nhà băng. |
Thay đổi nhân sự, đặc biệt là nhân sự cao cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã diễn ra khá sôi động trong vài năm trở gần đây, khi nhiều ngân hàng tiến hành M&A, đổi chủ. Biến động này thường nhộn nhịp hẳn lên trước thềm đại hội đồng cổ đông.
Giới đầu tư và cổ đông rất quan tâm đến biến động nhân sự cao cấp, bởi mỗi lần ngân hàng thay chủ “ghế nóng” sẽ tác động lên giá cổ phiếu của các nhà băng.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng phải "thay tướng" như: do thay đổi nhiệm kỳ; do người tiền nhiệm nghỉ vì nguyên nhân sức khoẻ; do thay đổi lớn về chủ sở hữu; do chiến lược kinh doanh, thay đổi nhiệm kỳ,... Việc này được kỳ vọng sẽ tạo “làn gió mới” cho ngành ngân hàng.
Mặt khác, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác. Do đó, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng buộc phải lựa chọn hoặc là ở ngân hàng hoặc chuyển qua doanh nghiệp.
Có thể kể đến trường hợp ông Vũ Văn Tiền đã rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank để đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị tại một loạt doanh nghiệp như Tập đoàn Geleximco, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long…
Hay doanh nhân Nguyễn Thị Nga cũng rời ghế Chủ tịch SeABank, bởi ngoài trọng trách tại ngân hàng này, bà Nga còn tham gia điều hành tại hàng loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái BRG Group. Song bà Nga vẫn tham gia Hội đồng quản trị SeABank với cương vị Phó Chủ tịch thường trực. Ngày 3/1/2023, SeABank chính thức bổ nhiệm ông Loic Faussier làm Tổng Giám đốc.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành của Việt Nam với vị trí nhân sự cấp cao của ngân hàng, ngoài nguyên tắc tiêu chuẩn chung theo luật định thì không cần phân biệt yếu tố chuyên môn, lĩnh vực hoạt động trước đó của nhân sự. Do đó, nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực khác cũng có thể đứng đầu ngân hàng.
Nhìn nhận về làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao tại các ngân hàng trong thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự thay đổi này là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm.
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định, sự xáo trộn "ghế nóng" là bình thường trong hoạt động phát triển ngành ngân hàng hiện nay.
Một số chuyên gia ngân hàng nhận định, nếu nhân viên là nhân tố quan trọng nhất trong việc thúc đẩy thành công kinh doanh thì lãnh đạo mỗi ngân hàng phải đảm bảo rằng tất cả nhân viên trong hệ thống là đúng người, đúng thời điểm và đúng vị trí. Dù là nhân sự cấp cao hay nhân viên cơ sở thì việc lựa chọn các nhân sự này đều phải được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với chiến lược, mục tiêu và định hướng mới của từng ngân hàng.
Dự báo sắp tới làn sóng nhân sự giữ các chức vụ chủ chốt tại các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục biến động do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các ngân hàng định hướng lại chiến lược kinh doanh, do vậy cần các nhân sự phù hợp với quá trình phát triển mới.
Các chuyên gia cũng nhận định sau làn sóng biến động nhân sự cao cấp lần thứ nhất với những biến cố năm 2011 và 2012, ngành ngân hàng đang chứng kiến làn sóng thay đổi "dồn dập" tiếp theo.
Hồng Giang
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|