Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy tiếp tục huy động 5.000 tỷ đồng từ trái phiếu

(Banker.vn) Ngày 20/9, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, HOSE: ACB) phát hành lô trái phiếu ACBL2325005. Khối lượng phát hành là 50.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Theo đó, tổng giá trị của đợt phát hành lần này là 5.000 tỷ đồng.

Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy tiếp tục huy động 5.000 tỷ đồng từ trái phiếu
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, HOSE: ACB)

Lô trái phiếu có thời hạn 2 năm, ngày đăng ký phát hành là 12/9/2023 và ngày đáo hạn là 12/9/2025, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 6,5%/năm.

Đây là lô trái phiếu thứ 5 được ngân hàng này phát hành trong năm nay. Trong tháng 9 này, ACB cũng đã phát hành lô trái phiếu mã ACBL2325004 với khối lượng 15.000 trái phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 7/2023 HĐQT Ngân hàng ACB đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu với với tổng quy mô tối đa 20.000 tỷ đồng. Với 5 lô trái phiếu được phát hành (3 lô trong tháng 8), ACB đã huy động tổng cộng 13.000 tỷ đồng từ trái phiếu.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định suốt thời hạn.

Số trái phiếu được phát hành nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, sau 5 đợt phát hành trái phiếu trong tháng 8 và tháng 9, hiện tại ACB đã huy động tổng cộng được 13.000 tỷ đồng từ trái phiếu trong tổng quy mô 20.000 tỷ đồng trái phiếu được HĐQT phê duyệt.

Về kết quả kinh doanh của ACB, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần ACB đạt 12.460 tỷ đồng, tăng 12,7%; Lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của ACB 630.893 tỷ đồng, tăng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 434.032 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 6 tháng trước đó. Tiền gửi khách hàng đang ở mức 432.410 tỷ đồng, tăng 4,4 % so với thời điểm 31/12/2022.

Về chất lượng tài sản, ACB đang đối diện với tình trạng nợ xấu tăng vọt sau 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu tính đến thời điểm 30/6/2023 đang ở mức 4.620 tỷ đồng, tăng 51,7% so với 6 tháng trước đó. Đáng chú ý, cả ba nhóm nợ (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn) của ACB đều tăng mạnh. Kết thúc quý 2, tỷ lệ nợ xấu của ACB nhích lên mức 1,07% (đầu năm là 0,7%).

Theo các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VDSC cho rằng tốc độ xử lý và thu hồi nợ tại ACB dự kiến sẽ chậm lại so với các năm trước do sự trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS). Mặc dù vậy, phần lớn tài sản thế chấp tại ACB là BĐS ở khu vực dân cư đông đúc nên khả năng thanh lý khi thị trường BĐS hồi phục là rất cao.

Tỷ lệ nợ xấu được ACB kỳ vọng sẽ kiểm soát quanh mức hiện tại, tốc độ nợ xấu tăng chậm lại, tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 12% - 14% trong năm 2023.

VDSC dự báo, trái với các năm trước luôn vượt kế hoạch lợi nhuận 10 – 20%, năm 2023 khả năng ACB chỉ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu ACB đóng cửa ở mức giá 22.450 đồng/ cổ phiếu, tăng 23% so với thời điểm đầu năm 2023.

Cổ đông ACB sắp được nhận cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 25%

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố thông tin về việc trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông. Theo đó, ngày đăng ...

ACB tiếp tục phát hành lô trái phiếu thứ 2 trong năm để huy động thêm 2.500 tỷ đồng

Được biết, đây là lô trái phiếu thứ 2 được ngân hàng ACB phát hành trong năm 2023 này. Trước đó, vào ngày 16/8, ACB ...

Tăng trưởng tín dụng của ACB có xu hướng hồi phục mạnh

Tăng trưởng tín dụng của ACB phục hồi mạnh mẽ các tháng vừa qua. Ghi nhận tại thời điểm cuối tháng 8, tăng trưởng tín ...

Hải Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán