Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy sắp rót thêm 1.000 tỷ vào công ty chứng khoán

(Banker.vn) Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, HOSE: ACB) vừa công bố Nghị quyết tăng vốn điều lệ của công ty con – Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS).

Theo đó, Chứng khoán ACBS dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2023, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.

Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2021, ACB cũng đã rót thêm 1.500 tỷ đồng vào ACBS, giúp tăng vốn điều lệ của công ty chứng khoán này lên gấp đôi (từ 1.500 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng).

Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy sắp rót thêm 1.000 tỷ vào công ty chứng khoán
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, HOSE: ACB)

Được biết, nếu việc triển khai tăng vốn đợt này thành công, ACBS sẽ đứng thứ 11 về vốn điều lệ trên thị trường, xếp sau công ty đứng cuối cùng trong Top10 là Vietcap (4.375 tỷ đồng).

Trong 3 năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến làn sóng công ty chứng khoán tăng vốn mạnh. Nhóm công ty chứng khoán niêm yết đẩy mạnh chào bán cho cổ đông hiện hữu. Các ngân hàng cũng rót vốn mạnh vào công ty con.

Gần nhất, Chứng khoán VPBank (VPBankS) tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trên thị trường. Hai công ty chứng khoán có liên quan đến ngân hàng là SHS và MBS hiện có vốn điều lệ lớn hơn ACBS.

Về bức tranh tài chính tại Ngân hàng ACB, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần ACB đạt 12.460 tỷ đồng, tăng 12,7%; Lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của ACB 630.893 tỷ đồng, tăng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 434.032 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 6 tháng trước đó. Tiền gửi khách hàng đang ở mức 432.410 tỷ đồng, tăng 4,4 % so với thời điểm 31/12/2022.

Về chất lượng tài sản, ACB đang đối diện với tình trạng nợ xấu tăng vọt sau 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu tính đến thời điểm 30/6/2023 đang ở mức 4.620 tỷ đồng, tăng 51,7% so với 6 tháng trước đó. Đáng chú ý, cả ba nhóm nợ (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn) của ACB đều tăng mạnh. Kết thúc quý 2, tỷ lệ nợ xấu của ACB nhích lên mức 1,07% (đầu năm là 0,7%).

Theo các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VDSC cho rằng tốc độ xử lý và thu hồi nợ tại ACB dự kiến sẽ chậm lại so với các năm trước do sự trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS). Mặc dù vậy, phần lớn tài sản thế chấp tại ACB là BĐS ở khu vực dân cư đông đúc nên khả năng thanh lý khi thị trường BĐS hồi phục là rất cao.

Tỷ lệ nợ xấu được ACB kỳ vọng sẽ kiểm soát quanh mức hiện tại, tốc độ nợ xấu tăng chậm lại, tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 12% - 14% trong năm 2023.

VDSC dự báo, trái với các năm trước luôn vượt kế hoạch lợi nhuận 10 – 20%, năm 2023 khả năng ACB chỉ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm 9h00 phiên giao dịch ngày 8/10/2023, cổ phiếu ACB đang được giao dịch quanh mức 21.800 đồng/ cp, tăng khoảng 19,2% so với thời điểm hồi đầu năm.

Lộ diện ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 10/2023

Theo khảo sát mới nhất đầu tháng 10/2023 tại 20 ngân hàng trong hệ thống, đa số các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất ...

Lãi suất huy động chạm đáy, tiền gửi của người dân vẫn tăng kỷ lục

Từ tháng 3 trở lại đây, lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm. Có ngân hàng trong 1 tháng giảm tới 3-4 ...

Điểm danh loạt ngân hàng phát hành cổ phiếu ESOP

Với mục đích bổ sung vốn điều lệ, đồng thời giữ chân người lao động, một loạt nhà băng đã phát hành từ vài chục ...

Mai Lan (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán