Với các ngân hàng, 2021 là năm “chạy đua” tăng vốn nhằm đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó những ngân hàng tăng vốn mạnh từ đầu năm 2021 đến nay phải kể đến là VPBank (tăng 80%), VIB (44,2%), SCB (32,8%), Sacombank (32%), OCB (31,8%), ACB và HDBank (25%)...
Một mặt, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), nâng cao sức cạnh trạnh…, nhưng mặt khác cũng khiến cổ phiếu chịu áp lực pha loãng khi hàng tỷ cổ phiếu mới được đưa vào thị trường.
Kể từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán đã đón thêm gần 10,3 tỷ cổ phiếu ngân hàng thông qua niêm yết mới hay phát hành thêm, trong đó OCB (mã OCB) và SeABank (mã SSB) niêm yết lần lượt gần 1,1 tỷ và hơn 1,2 tỷ cổ phần trên sàn HOSE, VietABank đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phần trên thị trường UPCoM...
Theo số liệu thống kê từ HOSE và HNX, tính đến hết ngày 10/11/2021, số cổ phiếu lưu hành của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt hơn 46,6 tỷ đơn vị, chiếm hơn 1/4 tổng lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường.
Thực tế, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm mạnh sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, thưởng cổ phiếu... Đơn cử, kể từ ngày chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 40% (ngày 10/6/2021), cổ phiếu VIB đã giảm từ mức 51.700 đồng về quanh mức 38.000 đồng như hiện tại, tương ứng giảm khoảng 36%, nhưng nếu so với đầu năm vẫn tăng tới hơn 50%. Tương tự, cổ phiếu CTG cũng giảm hơn 30% sau khi chốt quyền trả cổ tức hơn 29% bằng cổ phiếu vào ngày 8/7/2021 tới nay, nhưng vẫn tăng hơn 32% so với đầu năm.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), khi lượng lớn cổ phiếu đổ vào thị trường trong một thời gian ngắn, chắc chắn thị giá cổ phiếu cũng như tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, áp lực tăng vốn luôn tồn tại khi các ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II, Basel III, bất chấp việc vốn điều lệ tăng mạnh từ đầu năm tới nay. Bởi theo quy định, chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, trong khi đến nay mới có 16/35 ngân hàng đáp ứng được điều này. Vì vậy, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022.
Đơn cử, tại BIDV, tính đến cuối năm 2020, CAR của nhà băng này chỉ đạt 8%, mức tối thiểu theo quy định của Thông tư 41/2016, cho nên việc tăng vốn điều lệ là rất cấp bách. Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, việc tăng vốn điều lệ giúp Ngân hàng tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động tín dụng khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn bị kiểm soát chặt hơn theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN.
Còn ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Dragon Capital đánh giá, là “huyết mạch” của nền kinh tế, nên dư địa tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều khi kinh tế đang dần hồi phục sau giãn cách.
“Tất nhiên, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng đều tăng giá, mà có sự phân hóa rõ nét. Do đó, nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu của ngân hàng có tiềm lực cũng như quản trị rủi ro tốt”, ông Tuấn nói.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|