Ngân hàng Agribank: Khẳng định vai trò chủ lực đầu tư “Tam nông”

(Banker.vn) Trong suốt 34 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã khẳng định vai trò chủ lực đầu tư “Tam nông".
Việc phá sản ALCII không ảnh hưởng đến hoạt động của Agribank Nghệ An: Mở rộng tín dụng để hạn chế tín dụng đen PC Đắk Lắk: Ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bắc Đắk Lắk

Một trong những yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đó là hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, có nhấn mạnh đến tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh...

Tại Nghị quyết 29 một lần nữa nhấn mạnh tới vai trò của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phát huy trong cung cấp tín dụng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, nhất là với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; ngăn chặn, xử lý nghiêm tín dụng đen.

Nhìn lại chặng đường hơn 34 năm hình thành và phát triển, sự đóng góp của Agribank với vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân khi ngân hàng luôn duy trì tỷ trọng đầu tư “Tam nông” chiếm gần 70%/tổng dư nợ nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc.

Ngân hàng Agribank: Khẳng định vai trò chủ lực đầu tư “Tam nông”
Ngân hàng Agribank đóng vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Nhờ nguồn vốn của Agribank, nông nghiệp và nông thôn khởi sắc nhờ phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu và nông dân - những “người bạn đồng hành” của Agribank ngày càng trưởng thành, biết tự vượt lên nghèo đói và vươn tới làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Với sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank luôn tiên phong, là ngân hàng chủ lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, 02 chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hiện, Agribank cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, có đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tính đến tháng 6/2022, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đạt hơn 1,62 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,39 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt hơn 896 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng dư nợ. Bên cạnh cung ứng đủ vốn, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể, Agribank giúp người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính cần thiết, nâng cao đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đại dịch, nhưng thời gian qua Agribank tiếp tục khẳng định vai trò “huyết mạch” trong phát triển “Tam nông” và nền kinh tế đất nước, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ chính trị, vai trò của ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Toàn hệ thống Agribank đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết liệt thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, góp phần đưa đất nước thích ứng an toàn, hiệu quả trong trạng thái “bình thường mới”.

Ngân hàng Agribank: Khẳng định vai trò chủ lực đầu tư “Tam nông”
Agribank là một trong những ngân hàng thực hiện hỗ trợ lãi, phí nhiều nhất, tích cực đồng hành với khách hàng vượt qua khó khăn

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, ngay từ đầu năm Agribank kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 và nhiều chương trình giảm lãi, giảm phí góp phần hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lực bẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãnh đạo Agribank cho biết, trong giai đoạn 2 năm qua, toàn ngành Ngân hàng, trong đó có Agribank đã dồn toàn lực để tiết giảm chi phí, kiểm soát chất lượng tín dụng, đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn của dịch Covid-19.

Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/12/2021 của 16 ngân hàng là khoảng 21.244 tỷ đồng, đạt 105,13% so với cam kết. Trong đó, Agribank là ngân hàng đứng đầu trong việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, với tổng số tiền lãi đã giảm là 5.512 tỷ đồng; tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,4 triệu tỷ đồng cho gần 3,5 triệu khách hàng.

Đến nay, có thể khẳng định Agribank là một trong những ngân hàng thực hiện hỗ trợ lãi, phí nhiều nhất, tích cực đồng hành với khách hàng vượt qua khó khăn. Bên cạnh giảm mạnh lãi suất, Agribank thực hiện nghiêm túc cơ cấu, miễn giảm lãi cho khách hàng theo Thông tư 01 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung của Ngân hàng Nhà nước. Lũy kế đến 31/5/2022, số dư nợ tại Agribank bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 259.213 tỷ đồng. Agribank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 44.990 khách hàng với dư nợ 171.054 tỷ đồng; Miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 2.625 khách hàng với dư nợ 12.806 tỷ đồng...

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương