Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững

(Banker.vn) Hưởng ứng cuộc vận động tiết kiệm năng lượng, tiến tới thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời nhằm phát huy, nâng cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, ngày 30/8/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn: “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững”.
Hưởng ứng cuộc vận động tiết kiệm năng lượng, tiến tới thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời nhằm phát huy, nâng cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, ngày 30/8/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn: “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững”.

Tham dự Diễn đàn, về phía Hội Nhà báo Việt Nam có ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Về phía đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức, hiệp hội có ông Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam. Về phía các cơ quan báo chí có bà Nguyễn Thị Sự - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập các cơ quan báo chí. Về phía các chuyên gia, có sự tham dự của PGS., TS. Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban Tuyên truyền lý luận - Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân; TS. Nguyễn Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế; cùng với sự tham dự của đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các cơ quan nghiên cứu, các hiệp hội, doanh nghiệp và phóng viên các cơ quan báo chí đã tới dự và đưa tin.
 

Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, năng lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của bất kì quốc gia nào. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.

Với vai trò và vị trí của mình, trong thời gian qua, báo chí đã phản ánh chính xác, kịp thời về sử dụng năng lượng, cũng như tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước, hệ thống báo chí đã không ngừng nâng cao chất lượng; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương tiện kĩ thuật, công nghệ làm báo trong thời đại “số hóa”. Nhờ vậy, tính hiệu quả trong tuyên truyền được nâng cao. Đã có rất nhiều tác phẩm báo chí tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm tiêu hao năng lượng trong các ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế; khuyến khích tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Với đa dạng loại hình như báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình, các tác phẩm đã phản ánh kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả ở các địa phương trong việc áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng. Có thể nói, báo chí đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng, tiết kiệm năng lượng.
 

Ông Nguyễn Văn Long  - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam trình bày tham luận

Phiên 1 của Diễn đàn diễn ra với chủ đề: Bức tranh toàn cảnh và tiềm năng ngành năng lượng Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đã phân tích tổng quan xu hướng sử dụng năng lượng hiệu quả trên thế giới và bức tranh sử dụng năng lượng tại Việt Nam hiện nay. Ông Nguyễn Văn Long cho biết, phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng năm 2010 chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam; năm 2020 chiếm khoảng 67,7%; dự kiến năm 2030 và 2050 sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% theo kịch bản thông thường (BAU). Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp.

Ông Nguyễn Văn Long cũng cho biết một số giải pháp tiết kiệm năng lượng đang triển khai, đó là: Giảm cường độ năng lượng xuống từ 1 - 1,5% mỗi năm theo Nghị quyết của Đại hội Đảng khóa XII; theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với BAU đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Theo Nghị quyết số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm tiêu thụ năng lượng 5 - 7% so với tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019 - 2025 và giảm 8 - 10% giai đoạn 2019 - 2030. Theo báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030 so với BAU bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên đến 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.
 
Chia sẻ về vấn đề “Sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế”, ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã đưa ra những con số cụ thể về tình hình tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam, một số chỉ tiêu kinh tế - năng lượng của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021; ông Dũng cho rằng, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp.
 

Ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương trình bày tham luận

Ông Hoàng Việt Dũng cho biết, mục tiêu cụ thể của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, trong đó giai đoạn 2019 - 2025 Việt Nam đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; giai đoạn 2025 - 2030 đạt mức tiết kiệm năng lượng 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Nhiệm vụ của Chương trình là: (i) Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (ii) Hỗ trợ kĩ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iii) Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iv) Tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (v) Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (vi) Truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (vii) Nghiên cứu khoa học công nghệ; (viii) Tăng cường hợp tác quốc tế; và (ix) Thành lập quỹ. Ông Hoàng Việt Dũng hi vọng, thời gian tới các cơ quan báo chí tiếp tục tích cực truyền thông để góp phần nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng hiệu quả trong xã hội.

Chia sẻ về vấn đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp”, PGS., TS. Trần Đình Thiên đánh giá, năng lượng đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Năng lượng là vấn đề nhạy cảm và luôn được thảo luận sôi nổi. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, vì vậy, việc bảo đảm an ninh năng lượng là vấn đề của mọi quốc gia.
 

PGS., TS. Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
trình bày tham luận

 
Vấn đề hiện nay là phải nâng cao ý thức và hành động về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả cho phát triển bền vững đối với mọi người dân và doanh nghiệp; và báo chí có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Báo chí luôn là kênh giúp định hướng chính sách, phản biện chính sách, tạo ra áp lực để chính sách được thay đổi tích cực. Cần phát huy vai trò của báo chí để tạo ra nhận thức của xã hội về năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Theo PGS., TS. Trần Đình Thiên, việc duy trì điện giá thấp như hiện nay khiến tiêu dùng và sản xuất điện xét trên bình diện quốc gia không thể nào hiệu quả được. Và đây không phải là lỗi của hệ thống điều hành, mà là lỗi cơ chế. Chúng ta duy trì cơ chế Nhà nước định giá điện và duy trì một mức giá điện quá thấp. Điều đó ảnh hưởng cả phía cung và phía cầu.

Về việc tháo gỡ khó khăn trong vận hành và đầu tư tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng đối với doanh nghiệp Việt Nam, ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện nay vấn đề tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng vẫn đặt nặng ở góc độ tuyên truyền, một phần có tăng cường giám sát, kiểm tra, nhưng vẫn chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, mà thiếu cơ chế giải quyết các vấn đề là động lực để người dân, doanh nghiệp… hướng tới sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nói cách khác, vấn đề hiện nay là cần giải bài toán chi phí và lợi ích cho các tổ chức kinh tế.
 

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Diễn đàn

Từ các văn bản chính sách, thực tế triển khai vẫn chưa phân biệt rạch ròi bản chất của tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong vấn đề sử dụng năng lượng. Giữa chúng có mối quan hệ với nhau. Nhưng về mặt bản chất và các biện pháp triển khai đối với tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng có tiêu chí đánh giá, cách thức thực hiện có nhiều điểm khác biệt. Chúng ta cần cụ thể hóa hơn vấn đề tiết kiệm và hiệu quả trong sử dụng năng lượng, như vậy mới tìm ra được biện pháp hữu hiệu.

Để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, TS. Vũ Đình Ánh gợi ý một số vấn đề cần giải quyết: Đưa pháp luật vào cuộc sống để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi của các nhiệm vụ trọng tâm; thay đổi thói quen và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của người lao động một cách thực chất; áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng mới thay thế; áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lí năng lượng; giám sát và cải tạo hệ thống theo hướng tiết kiệm năng lượng, hiệu quả.
 

TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban Tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân trình bày tham luận

Với chủ đề Phiên 2: Vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền và nâng cao sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững, TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban Tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân chia sẻ nội dung: Vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền nâng cao sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững, nhấn mạnh thông điệp mang tính thời đại và cũng là sự lựa chọn phù hợp với xu hướng của thế giới và với quy mô mang tính toàn cầu, đó là việc thế giới đang chuyển đổi mô hình từ “nâu” sang “xanh”, từ việc chủ yếu sử dụng năng lượng không tái tạo sang tái tạo để hướng tới sự phát triển bền vững, đặc biệt là giảm phát thải, giảm sử dụng các nguyên vật liệu không tái tạo để sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả hơn, nhằm đảm bảo điều kiện và sự cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường… để hướng tới mục tiêu lớn nhất là sự phát triển của đất nước, sao cho thế hệ chúng ta hôm nay không ảnh hưởng đến thế hệ con cháu chúng ta mai sau.

Việt Nam đã và đang hội nhập với thế giới. Việt Nam cũng đã có cam kết về phát triển bền vững với Liên hợp quốc; có Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (ban hành theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045; Việt Nam cũng đã có Luật số 50/2010/QH12 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả chính là việc áp dụng biện pháp quản lí như thế nào để làm giảm tổn thất, giảm bớt tiêu thụ năng lượng của phương tiện thiết bị, đảm bảo được yêu cầu mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và tiêu dùng của xã hội.

Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí trong nước đã và đang làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, đóng góp tích cực trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội và sức mạnh đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với công tác tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, báo chí có vai trò quan trọng trong việc đăng tải các thông tin, sự kiện chính xác và khách quan, định hướng dư luận, nâng cao nhận biết, sự quan tâm của người dân và thay đổi thói quen, cách nhìn nhận của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân; thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, phản biện chính sách; đồng hành và là cầu nối, kết nối doanh nghiệp với các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ; truyền tải các phản ánh, kiểm nghiệm của người dân, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời quảng bá thông tin thu hút đầu tư, nâng cao năng lực công nghệ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng mới…

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, để tăng cường vai trò báo chí trong tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, cần làm tốt một số nhiệm vụ sau: Thứ nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lí Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động: Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; lồng ghép nội dung giáo dục về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhà trường với hình thức phù hợp; tổ chức dịch vụ tư vấn năng lượng để thực hiện các hoạt động về kiểm toán năng lượng, chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng, đào tạo, tư vấn áp dụng mô hình năng lượng tiên tiến, tư vấn các biện pháp tiết kiệm năng lượng…; Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: Cần xây dựng kế hoạch, chiến dịch, chương trình tuyên truyền cụ thể, có trọng tâm, chuyên đề, chuyên mục. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào làm rõ các nội dung quy định về pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước và giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; về quản lí phương tiện, sử dụng thiết bị hiệu quả…; đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển các nguồn năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, các chương trình ứng dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và các chương trình ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động sản xuất, các cơ chế phối hợp và biện pháp xử lí đối với các sự cố trong lĩnh vực công nghiệp; sản xuất và tiêu dùng bền vững theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh… Hình thức tuyên truyền cần đa dạng và phối hợp hiệu quả các loại hình và thể loại tác phẩm báo chí, áp dụng các thành tựu công nghệ thông tin và khoa học công nghệ 4.0 vào hoạt động báo chí; Thứ ba, xây dựng văn hóa báo chí lành mạnh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí; Thứ tư, xây dựng hệ thống thông tin, tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Chia sẻ về nội dung “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nâng cao sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thị Sự - Phó Tổng Giám đốc TTXVN cho biết, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, TTXVN luôn nhận thức rõ trách nhiệm trong việc tham gia về lĩnh vực này, đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào thông tin tuyên truyền nâng cao hiệu quả sử dụng và phát triển năng lượng bền vững. Thứ nhất, TTXVN bám sát chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, phổ biến tới người dân và doanh nghiệp. Các sản phẩm thông tin của TTXVN phản ánh sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt nhạy bén của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp an ninh năng lượng, bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Qua đó giúp người dân, doanh nghiệp nắm được các chủ trương, chính sách, mục tiêu, biện pháp của Chính phủ; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Thứ hai, trong các định hướng nội dung tuyên truyền TTXVN cố gắng phản ánh phong phú, đa dạng hóa các chủ đề liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, không chỉ với người dân mà cả các doanh nghiệp, các khu vực trọng điểm về sử dụng năng lượng. Khuyến khích tiết kiệm năng lượng, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị tiết kiệm điện trong các hộ gia đình, công sở, nơi làm việc…; phổ biến các quy định của Nhà nước về tiết kiệm điện; thông tin ý kiến cử tri, Nhân dân về các nội dung cần sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; thông tin về việc tăng cường quản lí kĩ thuật, cải tạo, nâng cấp lưới điện, hạn chế sự cố, bảo đảm vận hành an toàn, giảm tổn thất điện năng; thông tin về các giải pháp khuyến khích sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động trong lĩnh vực năng lượng, hỗ trợ, thúc đẩy các dự án phát triển năng lượng xanh... Thứ ba, cập nhật các kinh nghiệm hay của quốc tế trong vấn đề tiết kiệm điện, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển năng lượng xanh, bền vững. Thứ tư, làm mới sản phẩm thông tin để công chúng dễ tiếp cận.
 

 
Bà Nguyễn Thị Sự - Phó Tổng Giám đốc TTXVN tham luận tại Diễn đàn

Bà Nguyễn Thị Sự đề xuất, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần được thường xuyên, liên tục; các cơ quan báo chí cần duy trì các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp Nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững. Cần có tầm nhìn tổng thể và dài hạn, gắn với chiến lược về quản lí, sử dụng và phát triển năng lượng, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng ưu tiên trong từng thời kì và từng thời điểm. Năng lượng là lĩnh vực đặc thù cần có kiến thức chuyên môn và báo chí chỉ có thể truyền thông tốt khi hiểu rõ về vấn đề này, vì vậy, Hội Nhà báo và các cơ quan chuyên ngành cần tập huấn về kiến thức, kĩ năng cho phóng viên, cũng như sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin thường xuyên từ các cơ quan chuyên ngành lĩnh vực năng lượng để công tác truyền thông đạt hiệu quả.

Về đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Tổng Biên tập báo Nghệ An chia sẻ thực trạng sử dụng năng lượng và tình hình tiết kiệm năng lượng tại địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay, kinh nghiệm của Báo Nghệ An trong việc nâng cao vai trò chủ lực tuyên truyền và sử dụng hiệu quả năng lượng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh trên địa bàn. Cùng chia sẻ kinh nghiệm, ông Đồng Mạnh Hùng - Trưởng Ban Thư ký - Biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, để việc tuyên truyền sử dụng năng lượng hiệu quả cần xác định được mục tiêu trước mắt và lâu dài. Mục tiêu trước mắt là cung cấp kiến thức, kĩ năng cho người dân, giúp người dân hiểu được tiềm năng của tiết kiệm năng lượng là như thế nào và mục tiêu lâu dài tuyên truyền để làm sao các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng được thực hiện và đi vào cuộc sống. Khi tổ chức các chiến dịch truyền thông cũng cần quan tâm tới việc hướng dẫn các kĩ năng sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm thông qua truyền thông trực tiếp, truyền thông đại chúng, truyền thông qua phim ảnh, sách báo, tờ rơi… Để làm tốt các hoạt động này, người làm truyền thông cần được trang bị tốt kiến thức và kĩ năng. Ngành điện cần phối hợp với các cơ quan báo chí để tập huấn kiến thức cho các nhà báo, phóng viên hiểu rõ về vấn đề này. Các cơ quan cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là nghiên cứu loại hình truyền thông mới, truyền thông trên nền tảng số và có các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp đăng tải trên các nền tảng này…

Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Tổng Biên tập Báo Ninh Bình cũng chia sẻ, cùng với phát triển đô thị làm gia tăng việc sử dụng năng lượng trong những năm gần đây, trong đó, Ninh Bình không thuộc khu kinh tế mạnh về năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… một số hộ gia đình, doanh nghiệp cũng đã lắp năng lượng mặt trời trên mái nhà với quy mô nhỏ để có điện sinh hoạt và góp phần nhỏ vào hệ thống năng lượng quốc gia. Việc sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững được tỉnh Ninh Bình hết sức quan tâm. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Báo Ninh Bình đã tuyên truyền 80 tin, bài, ảnh, video phản ánh nội dung tiết kiệm năng lượng, góp phần tích cực vào việc nâng cao sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững ở địa phương.
 

Toàn cảnh Diễn đàn
 
Kết thúc diễn đàn Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững, PGS., TS. Trần Đình Thiên đã tổng kết lại nội dung các vấn đề mà các chuyên gia đã chia sẻ, đồng thời đánh giá Diễn đàn thực sự là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm, lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Thông qua diễn đàn, PGS., TS. Trần Đình Thiên đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao vai trò của mình trong công tác tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vì đây là vấn đề hết sức quan trọng, thậm chí liên quan đến triển vọng lâu dài của nền kinh tế, do đó, các cơ quan truyền thông, nhà báo cần cố gắng hơn nữa, góp thêm tiếng nói cùng với các cơ quan chuyên môn cũng như các doanh nghiệp để làm tốt vấn đề này, góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngọc Minh
Theo: Tạp chí Ngân hàng