Nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số: Doanh nghiệp thực sự cần gì?

(Banker.vn) Để doanh nghiệp thực sự hiểu, bắt “trend” và nâng cao được năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số là thách thức không nhỏ.
Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số Công nghệ số và dữ liệu số: Công cụ đột phá kinh tế số TP. Hồ Chí Minh

50% doanh nghiệp dừng chuyển đổi số

Bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên BCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel cho biết, nền kinh tế số là nền kinh tế hoạt động trên ứng dụng công nghệ số để tạo ra các cơ chế tự động, thông minh thay thế con người trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năng suất lao động trong nền kinh tế số tăng không chỉ tính theo đơn vị chục mà là trăm phần trăm. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số chính là năng lực tạo ra năng suất lao động cao.

Lãnh đạo VCCI cũng nêu, chuyển đổi số với nội dung trọng tâm là thông minh hóa sản xuất kinh doanh và thông minh hóa quản lý doanh nghiệp. Ý nghĩa của cụm từ thông minh hóa ở đây là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các quy trình số có khả năng lựa chọn phương án tối ưu trong từng tình huống sản xuất kinh doanh cụ thể một cách tự động.

ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đang diễn ra ở nhiều phạm vi khác nhau, giúp doanh nghiệp từng bước thiết lập hệ thống sản xuất - kinh doanh có tính linh hoạt cao
Nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số: Doanh nghiệp thực sự cần gì?

Do có sự tham gia của các cơ chế tự động thông minh này vào quá trình sản xuất nên số lượng lao động giảm, hiệu quả sản xuất tăng rất cao. Điều này kinh tế truyền thống không làm được.

Tuy nhiên, bà Hải Yến cũng cho rằng, nên nghiêm túc nhận xét đại đa số doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số. Theo Báo cáo thường niên năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chuyển đổi số, gần 50% doanh nghiệp trong nước đã ngừng áp dụng chuyển đổi số.

Không ít doanh nghiệp đang nhầm lẫn giữa tự động hóa - kết quả của ứng dụng công nghệ thông tin với thông minh hóa - kết quả ứng dụng công nghệ số. Tất cả các doanh nghiệp tạm ngừng chuyển đổi số theo báo cáo nêu trên đều chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số, mà là thử nghiệm áp dụng một vài sản phẩm điện tử hóa (hay tin học hóa). Những sản phẩm này không làm thay đổi phương thức sản xuất của doanh nghiệp, mà chỉ cải thiện thêm cho phương thức sản xuất hiện có.

“Tóm lại, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị chu đáo để chủ động dấn thân vào nền kinh tế số toàn cầu”, bà Hải Yến trăn trở.

Từ thực tế ngành xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam phản ánh, ngành xây dựng hiện đã có công nghệ BIM (Building Information Modeling) - quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình. Đây thực sự là mô hình quản lý hiện đại hiệu quả.

Với công nghệ này, các đơn vị có thể quản lý thiết kế giữa chủ đầu tư với nhà thầu và các thay đổi trong quá trình thực hiện dự án giúp tiết kiệm vật tư, nhân lực. Nhưng để ứng dụng cần kinh phí rất lớn, đồng bộ hóa dữ liệu đầu vào.

Theo ông Hiệp, đây không phải là điều có thể thực hiện được một cách dễ dàng, do vậy, trong ngành xây dựng hiện chỉ một số công ty lớn mới có thể thực hiện được, doanh nghiệp quy mô tài chính dưới 100 tỷ đồng chưa có khả năng áp dụng.

Kiến nghị từ doanh nghiệp

Lợi ích từ chuyển đổi số đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận ở cấp độ nhất định tuy nhiên làm thế nào để chuyển đổi số, nâng cao năng lực trong nền kinh tế số lại là thách thức lớn.

Ông Hiệp cho rằng, với ngành xây dựng, đặc biệt liên quan đến hồ sơ đấu thầu qua mạng, còn nhiều bất cập. Do vậy, vấn đề quản lý hồ sơ cần có những quy định rõ ràng hơn về tính pháp lý. Cụ thể, với các hồ sơ đã được số hóa thì có được công nhận, có tính pháp lý hay không, bởi có những hồ sơ từ rất lâu, trong quá trình quản lý có thể bị hư hỏng.

Quản lý dữ liệu về nhà thầu hiện cũng chưa có thể chế, quy chế nào quy định cụ thể là những dữ liệu nào doanh nghiệp phải công bố lên mạng để cho các cơ quan quản lý Nhà nước nắm được. Theo đó, ông Hiệp cũng cho rằng, cần có quy định thống nhất giúp cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước và nắm rõ tình hình doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP Ao Vua thì cho hay, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số quan trọng nhất là xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Đây là nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững, là cơ sở huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài. Song song đó, cần phát triển văn hoá thực thi trong các cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức; hoàn thiện thể chế chính sách, quy định pháp luật liên quan tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Ở góc độ vĩ mô, bà Hải Yến nhận định, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số, trước tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bản chất thực sự của chuyển đổi số.

Đặc biệt, giúp doanh nghiệp hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình tự thân và phải tự làm. Các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện, còn lại là doanh nghiệp tự lựa chọn con đường chuyển đổi hướng tới thông minh hóa sản xuất kinh doanh và quản lý. Đây là quá trình dài và không có điểm dừng, doanh nghiệp chuyển dần từ thấp lên cao tùy thuộc vào mức độ trưởng thành của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần được tham vấn lựa chọn một số công cụ và dịch vụ số (như nền tảng số, thương mại số D2C, giải pháp kho thông minh, trợ lý số…) có thể giúp họ làm quen với phương thức sản xuất kinh doanh mới và kiểm chứng được ngay hiệu quả thông qua việc so sánh với cách làm hiện thời.

Ngoài ra, cần sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, khuyến khích và hỗ trợ xây dựng một số mô hình mẫu về chuyển đổi số, ưu tiên một số lĩnh vực mà Nhà nước đã chọn trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia, như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch và logistics.

Cuối cùng là luôn song hành cùng doanh nghiệp để từ thực tiễn triển khai xây dựng doanh nghiệp số, kinh tế số, khi gặp phải những vướng mắc về chính sách quy chế kịp thời kiến nghị với Chính phủ để tháo gỡ.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, để chuyển đổi số thành công trong các doanh nghiệp sản xuất, quan trọng nhất bắt đầu từ nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia chuỗi. Chuyển đổi số với doanh nghiệp điện tử không chỉ để thích ứng và phát triển theo chuỗi mà còn tạo cơ hội để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, quản trị sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng và quản trị nhân lực.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương