Nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế

(Banker.vn) Trong 9 tháng đầu năm 2023, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, cần các giải pháp đồng bộ khác, sự tham gia của các bộ, ngành, chính quyền địa phương nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh... 
 

     
  Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 
Những tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn. Lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao, giá hàng hóa thế giới biến động khó lường, tăng mạnh trong nhiều thời điểm do tác động từ diễn biến địa chính trị phức tạp, thời tiết khắc nghiệt. Các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Đồng USD trên thị trường quốc tế biến động với biên độ lớn. Trong bối cảnh đó, một số ngân hàng trung ương châu Á chuyển sang thực hiện đảo ngược chính sách tiền tệ, giảm lãi suất hoặc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc do kinh tế suy yếu và lạm phát hạ nhiệt.

Kinh tế trong nước chịu những tác động không nhỏ từ thị trường thế giới khi cầu thế giới phục hồi yếu; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định đều dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút. Động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng; thị trường xuất khẩu thu hẹp. Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm. Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn...

GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kì năm 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,83% của 9 tháng năm 2022. Các chỉ số 9 tháng năm 2023 tăng chậm trong bối cảnh cầu thế giới giảm, khó khăn nội tại trong nước vẫn chưa được tháo gỡ, thị trường bất động sản khó khăn làm giảm khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ

Thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm
1, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD): Tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm) theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNN cũng phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vận động sự thống nhất của các tổ chức hội viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay có dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5 - 2%/năm) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN.

Đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng hơn 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các biện pháp của NHNN, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Ngay từ đầu năm 2023, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14 - 15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, NHNN đã phân bổ ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD; đồng thời, chỉ đạo xuyên suốt của NHNN đối với các TCTD là hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế. Đây là nỗ lực của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 ở mức thấp hơn dự kiến, các nguồn vốn trung, dài hạn trong nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn.

NHNN thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Theo đó, NHNN hiện đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD và ngày 28/6/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn; cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống để trả nợ trước hạn khoản vay tại TCTD khác; vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm...

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này. NHNN cũng đã làm việc với các TCTD và có văn bản chỉ đạo các TCTD liên quan đến rà soát, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay; rà soát và cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn tại TCTD.

Tích cực triển khai các chương trình tín dụng, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen

Năm 2023, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống NHTM. Mục tiêu của chính sách là giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế; đồng thời đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Đồng thời, căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 và Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Với các quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các TCTD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.  

Bên cạnh đó, để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, giúp người dân tránh xa tín dụng đen, NHNN cũng đã chủ động chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp về các chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỉ đồng tại Agribank; gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỉ đồng dành cho công nhân; tăng cường công tác truyền thông; chỉ đạo TCTD đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản thủ tục, cải tiến, rút ngắn quy trình cho vay...

Đối với thị trường bất động sản (BĐS), nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã yêu cầu các TCTD: Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS; khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, ngày 16/6/2023, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã kí hợp đồng tín dụng tài trợ 01 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân trên 23,7 tỉ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã cấp tín dụng đối với 01 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỉ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III/2023. Bên cạnh đó, các NHTM đang tiếp cận khoảng 16 dự án (Agribank 11 dự án, BIDV 5 dự án).

Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho một số mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thủy sản, cà phê, NHNN đã có nhiều văn bản, tổ chức các hội nghị, buổi làm việc, chỉ đạo các TCTD: Tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, cà phê, thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất, kinh doanh (như: Duy trì hạn mức tín dụng đã cấp, giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các loại phí dịch vụ, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp); triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay bằng VND thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kì hạn (ngắn hạn, trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Đến nay đã có khoảng 13 NHTM đã đăng kí tham gia Chương trình và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 1.500 tỉ đồng cho gần 500 lượt khách hàng vay vốn.

Ngoài ra, NHNN đã liên tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, ban hành kế hoạch nhằm tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng, giúp các TCTD tiết giảm chi phí, số hóa nhiều nghiệp vụ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, hệ sinh thái số, thanh toán số trong thời gian qua đã được thiết lập và kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng.
Không những thế, các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được triển khai trên toàn quốc cùng các hội nghị tín dụng lĩnh vực BĐS, hội nghị tín dụng vùng Đông Nam Bộ, hội nghị về các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã.

Với các giải pháp của ngành Ngân hàng, tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 9/2023 đã khởi sắc đạt trên 12,7 triệu tỉ đồng, tăng trên 6,9% so với cuối năm 2022. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, đến ngày 31/7/2023, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng khoảng 14,09%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng trên 13%; tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trên 16%. Đến ngày 31/8/2023, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 4,37%, chiếm 24,48% dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 4,88%, chiếm 18,39%.

Tín dụng tăng thấp do nhiều yếu tố khách quan

Có thể nói, những tháng đầu năm 2023, hệ thống TCTD dư thừa thanh khoản và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng gần 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỉ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó, TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tín dụng những tháng đầu năm tăng chưa cao, nguyên nhân không phải xuất phát từ thanh khoản hệ thống ngân hàng hay cơ chế chính sách cho vay, lãi suất cho vay. Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kì các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan. Trong đó, cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm danh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...). Các TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Một số chương trình tín dụng triển khai chậm do có nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ. Chẳng hạn, đối với Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng không đáp ứng đối tượng được hỗ trợ lãi suất; tâm lí e ngại công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khó đánh giá về khả năng “phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định; một số khách hàng lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ; bối cảnh kinh tế - xã hội đã thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách nên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp thay đổi... Đối với Chương trình 120.000 tỉ đồng, nhiều địa phương còn đang trong quá trình tổng hợp danh mục dự án và nhu cầu của chủ đầu tư dự án. Về phía khách hàng mua nhà do tình hình kinh tế, sản xuất, kinh doanh khó khăn, thu nhập sụt giảm nên nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu ưu tiên trong thời điểm hiện tại...

Trong khi đó, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường vốn có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn. Thực tế, thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, áp lực cung ứng vốn cho quá trình phục hồi kinh tế là rất lớn, nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng nên tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô như cảnh báo của một số tổ chức quốc tế. Đồng thời, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, thách thức cho công tác điều hành của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định, an toàn hệ thống TCTD.

Đồng bộ các giải pháp để khơi thông dòng vốn tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng

Thứ nhất, các bộ, ngành liên quan cần đẩy nhanh các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Theo đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nghiên cứu các giải pháp, chính sách hỗ trợ thúc đẩy gia tăng tác động lan tỏa của khu vực FDI; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong quý IV/2023, với bối cảnh kinh tế trong nước vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, cùng với các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm thuế, hoãn thuế… cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn, cụ thể là phát triển thị trường chứng khoán. Đối với thị trường trái phiếu, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước và hỗ trợ công tác tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu kí, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp phát hành, đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy huy động vốn trung, dài hạn; khẩn trương hoàn thiện và phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại để thúc đẩy thị trường trái phiếu lành mạnh, bền vững, tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ, nâng cao chất lượng công bố thông tin, chất lượng báo cáo tài chính đối với các công ty phát hành. Tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ; xử lí nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá.

Đối với thị trường cổ phiếu, kịp thời phát hiện, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường cổ phiếu để lành mạnh hóa thị trường, tăng cường các biện pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường, đặc biệt xử lí nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững. Đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt; đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, đối với thị trường BĐS, các bộ, ngành liên quan phối hợp chính quyền địa phương cần xử lí các vấn đề tồn tại của thị trường BĐS như: (i) Hoàn thiện các dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi); (ii) Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng lại chung cư; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển thị trường BĐS; bảo đảm hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán lành mạnh, hiệu quả; kiểm soát, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Các địa phương khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn tại Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu dãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ờ công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cả về nội dung và hình thức công bố.

Thứ tư, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, về phía các doanh nghiệp cần: Thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp; tiết giảm chi phí phát sinh trong hoạt động; mở rộng, tìm kiếm các đối tác đầu ra/nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu lượng hàng tồn kho; xây dựng các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; tăng cường quản lí thanh khoản, dòng tiền; nâng cao công tác dự báo được những biến động của thị trường và có phương án xử lí phù hợp.

Riêng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính... để các TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay cũng như tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu...). Cần triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ năm, về phía ngành Ngân hàng, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, thời gian tới, bên cạnh duy trì và tiếp tục các chính sách, giải pháp nói trên, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; thành lập tổ công tác làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội để tổng hợp, xử lí, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận tín dụng.

Các TCTD bên cạnh việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, cần tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống. Đồng thời, các TCTD cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia; phối hợp các bộ, ngành, chính quyền địa phương triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...). Những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình này cần sớm được báo cáo, đề xuất Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ.

Các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lí, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.


Cụ thể: (i) Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN giảm từ 7%/năm xuống 5%/năm; (ii) Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND kì hạn dưới 6 tháng, tiền gửi không kì hạn và kì hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,5%/năm, tiền gửi kì hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 4,75%/năm; (iii) Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5,5%/năm xuống 4%/năm.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.
2. Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
3. Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
4. Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
5. Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 của Thống đốc NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được bổ sung tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN).
6. Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
7. 
https://sbv.gov.vn
 
Hà Trang (NHNN)
Theo: Tạp chí Ngân hàng