Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, đáp ứng nhu cầu của tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro

(Banker.vn) Ngày 25/8/2023, Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro”. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chủ trì Hội thảo.
Ngày 25/8/2023, Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro”. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có ông Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC); ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN; các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các hiệp hội, tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân...
 
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thông tin tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin tín dụng quốc gia để NHNN thực hiện chức năng quản lí nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; hỗ trợ các TCTD trong hoạt động kinh doanh và hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.  

Hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN do CIC làm đầu mối tổ chức, thực hiện. Thời gian qua, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN đã có bước phát triển nhanh, là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia; CIC đã xây dựng, phát triển CSDL thông tin tín dụng khá lớn từ các nguồn dữ liệu trong và ngoài Ngành. Qua đó, xây dựng, cung cấp các báo cáo tổng hợp, báo cáo phân tích định kì và đột xuất về hoạt động tín dụng phục vụ cho Ban Lãnh đạo và các đơn vị NHNN. Bên cạnh đó, CIC cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các TCTD để phục vụ mục đích đánh giá, phê duyệt tín dụng, quản trị rủi ro, quản lí danh mục...

Trong bối cảnh toàn ngành Ngân hàng đang quyết liệt triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều TCTD đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, việc xây dựng và phát triển CSDL thông tin tín dụng quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lí cho hoạt động thông tin tín dụng của NHNN, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo thông tin tín dụng của các TCTD, kiên quyết xử lí các TCTD báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác. Đồng thời, yêu cầu các TCTD khai thác triệt để các sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về cấp tín dụng, quản trị rủi ro. Việc đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng CSDL thông tin tín dụng quốc gia tại Việt Nam, qua đó, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của NHNN trong chỉ đạo, điều hành và nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro có tính cấp thiết cả về phương diện lí luận và thực tiễn.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các nội dung: (i) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lí đảm bảo mục tiêu hỗ trợ công tác quản lí, chỉ đạo điều hành của NHNN vừa hỗ trợ TCTD kinh doanh tín dụng an toàn, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam; (ii) Giải pháp nâng cao chất lượng CSDL thông tin tín dụng quốc gia; xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro; (iii) Các giải pháp nâng cao năng lực khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu thông tin tín dụng, thông tin khách hàng vay vốn từ các TCTD cung cấp, kho dữ liệu của CIC; và (iv) Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển CSDL thông tin tín dụng và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
 
Ông Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc CIC trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Tại Hội thảo, ông Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc CIC đã trình bày tham luận: “Tổng quan về CSDL thông tin tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam”.  Tham luận đã nêu lên thực trạng thu thập và cung cấp CSDL thông tin tín dụng hiện nay. Theo đó, về khuôn khổ pháp lí, căn cứ Luật NHNN, Luật Các TCTD; Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực từ ngày 01/7/2023; Thông tư số 03/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN, Thông tư số 27/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2013/TT-NHNN, thông tin tín dụng của CIC đảm bảo mục tiêu đáp ứng nhu cầu thông tin cho NHNN trong công tác quản lí điều hành, thanh tra giám sát, hoạch định chính sách; hỗ trợ các TCTD trong quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.

Năm 2022, số lượng hồ sơ khách hàng vay tại CSDL thông tin tín dụng quốc gia là 54,27 triệu hồ sơ khách hàng; đến tháng 8/2023, lưu trữ trên 55,3 triệu khách hàng (tăng 6,6% so với cùng kì năm 2022, chiếm 65% tổng dân số trưởng thành). Về số lượng sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng, tăng trưởng cung cấp thông tin của CIC luôn đạt mức từ 15 - 20% mỗi năm. Năm 2022 cung cấp cho các TCTD là 75,49 triệu báo cáo; trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 31 triệu báo cáo các loại.

Theo đánh giá của ông Cao Văn Bình, hiện nay còn nhiều dư địa để nâng cao chất lượng CSDL thông tín tín dụng quốc gia như: Mở rộng nguồn thông tin ngoài Ngành (thông tin thuế, bảo hiểm xã hội, giao dịch bảo đảm; thông tin dịch vụ điện, nước, viễn thông…; thông tin giao dịch thương mại điện tử; thông tin dữ liệu về gian lận (fraud bureau); mở rộng trao đổi thông tin xuyên biên giới; áp dụng các công nghệ mới trong xử lí, kiểm soát dữ liệu (Big data, ML, AI,…); phát triển phần mềm, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, kĩ sư xử lí dữ liệu lớn…

Ông Cao Văn Bình cũng chỉ ra 08 nhóm giải pháp nhằm phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến 2030: (i) Mở rộng nguồn thông tin để phát triển CSDL thông tin tín dụng quốc gia; (ii) Hoàn thiện mô hình hoạt động, khuôn khổ pháp lí; (iii) Chuẩn hóa giải pháp, quy trình nghiệp vụ lõi; (iv) Hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ; (v) Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) vào mọi mặt hoạt động nghiệp vụ của CIC; (vi) Giải pháp hỗ trợ khách hàng và truyền thông; (vii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (viii) Thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở rộng trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới.

Ông Cao Văn Bình cho biết, để nâng cao chất lượng CSDL quốc gia: Thứ nhất, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về hoạt động thông tin tín dụng, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 03/2013/TT-NHNN theo hướng hoàn thiện, chặt chẽ hơn, bổ sung các quy định về an toàn bảo mật thông tin, tách bạch giữa thông tư và danh mục hệ thống chỉ tiêu; đồng thời, rà soát các nội dung liên quan đến xử lí dữ liệu cá nhân theo quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ; Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong hoạt động thu thập, xử lí, bảo mật và lưu trữ dữ liệu bao gồm: Thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động thông tin tín dụng; đầu tư nghiên cứu, nâng cấp đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống nghiệp vụ lõi; đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho hoạt động thông tin tín dụng; Thứ ba, kết nối CSDL quốc gia về dân cư; đối soát và làm sạch dữ liệu về khách hàng cá nhân. Theo đó, hoàn thành 04 đợt tra soát dữ liệu: Đã đối soát 42,3 triệu hồ sơ (trên tổng số 53,3 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân - đạt gần 79,4%); bổ sung trạng thái “Đã xác thực” trong các báo cáo của CIC đối với các hồ sơ khách hàng đã được đối khớp đúng; hoàn thành việc xây dựng Bộ hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 cho hệ thống kết nối CSDL thông tin tín dụng quốc gia với CSDL quốc gia về dân cư; Thứ tư, nỗ lực kết nối với các tổ chức ngoài ngành để mở rộng và nâng cao chất lượng CSDL thông tin tín dụng quốc gia như kết nối với Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về dữ liệu đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; gửi công văn tới Tổng cục Thuế để xác nhận thông tin về doanh nghiệp đang hoạt động (phát sinh nghĩa vụ thuế); đề xuất kế hoạch hợp tác với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp); Bảo hiểm xã hội…
 
Bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank trình bày tham luận

Bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với tham luận “Thực trạng khai thác, ứng dụng thông tin tín dụng tại Vietcombank và một số kiến nghị, đề xuất” cho biết, năm 2022, Vietcombank đã thực hiện kết nối Host to Host (H2H) với CIC; năm 2023 đã hợp nhất các hợp đồng hỏi tin riêng lẻ về tập trung tại trụ sở chính, qua đó, từng user cá nhân của cán bộ độc lập tại chi nhánh/trụ sở chính có thể kết nối và hỏi tin trực tiếp nhanh chóng, thuận lợi, minh bạch và tiết kiệm chi phí; hệ thống kết nối hỗ trợ ngân hàng quản lí quyền truy cập của cán bộ, lãnh đạo rõ ràng và thuận lợi hơn, khai thác được nhiều thông tin phục vụ cho quản trị nội bộ hiệu quả hơn; hệ thống H2H vận hành ổn định, ít xảy ra sự cố, một số ít lần trục trặc về kĩ thuật đều đã được CIC phối hợp xử lí kịp thời. Qua đó, góp phần nâng cao công tác thẩm định chất lượng tín dụng của khách hàng.

Theo bà Đinh Thị Thái, các dữ liệu ngoài nguồn của CIC cũng rất cần thiết cho hoạt động thông tin tín dụng. Theo thông lệ quốc tế, các trung tâm thông tin tín dụng tại một số nước trên thế giới sẽ thu thập thông tin từ các nguồn cung cấp (ngân hàng, công ty tài chính, các nhà bán lẻ, công ty thẻ tín dụng (Visa, Master...), các nhà cung cấp dịch vụ) và các nguồn công cộng khác (tòa án, cơ quan công quyền, cơ quan đăng kí thuế,...) và tổng hợp các thông tin trên của khách hàng có dán nhãn đề tên, địa chỉ, ngày sinh và/hoặc mã định danh cá nhân. Các nguồn thông tin được chia thành một số nhóm như: Thông tin pháp lí, thông tin chia sẻ từ các tổ chức cho vay, thông tin xếp hạng tín dụng, thông tin định danh, thông tin nghề nghiệp và thông tin thu nhập.

Đối với thông tin phi tín dụng, lợi ích của nó là hỗ trợ thẩm định đầy đủ hơn các khía cạnh của khách hàng đã có quan hệ tín dụng; rút ngắn thời gian thẩm định; hỗ trợ các TCTD có thể đánh giá, tiếp cận các đối tượng khách hàng không có lịch sử quan hệ tín dụng; hỗ trợ quá trình thẩm định tự động trong bối cảnh chuyển đổi số.

Bà Đinh Thị Thái cũng đồng tình với một số đề xuất của ông Cao Văn Bình và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất sau: Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu và ban hành các văn bản pháp lí liên quan đến hoạt động thông tin khách hàng để các TCTD cũng như các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thông tin có cơ sở để mở rộng, làm giàu, thu thập và khai thác thông tin khách hàng; Thứ hai, đề nghị NHNN xem xét, ban hành văn bản quy định/hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân để các TCTD có đầy đủ cơ sở pháp lí khi cung cấp thông tin cho CIC, vì hiện tại, việc cung cấp thông tin cho CIC theo quy định mới tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cho các TCTD; Thứ ba, đối với CIC, đề nghị tăng cường thiết kế các sản phẩm theo đặt hàng định kì và cải tiến cách thức gửi yêu cầu/thông tin theo lô; phối hợp các vụ, cục của NHNN nghiên cứu thiết kế thêm kênh thông tin để các TCTD có thể cùng chia sẻ và cùng khai thác, vừa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, vừa hạn chế rủi ro cho ngân hàng.

Bà Đinh Thị Thái cũng cho biết, thời gian qua, nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, CIC đã hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng bằng việc giảm phí. Thời gian tới, đề nghị CIC tiếp tục xem xét giảm mức phí hỏi tin cho khách hàng.

Với tham luận “Thực trạng khai thác, ứng dụng nguồn dữ liệu thông tin tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank)”, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank đã chia sẻ, từ năm 2019, TPBank đã phối hợp với CIC triển khai giải pháp kết nối H2H và trong năm 2021 đã tiến hành nâng cấp kết nối tới hệ thống H2H mới của CIC. Theo TPBank đánh giá, hệ thống H2H của CIC có cải thiện rất nhiều về thời gian xử lí, tích hợp nhiều sản phẩm trên một hệ thống, mang lại trải nghiệm tốt cho người sử dụng. Các sản phẩm của CIC là nguồn dữ liệu quan trọng được sử dụng trong các quy trình nghiệp vụ trọng yếu và các mô hình hỗ trợ ra quyết định được triển khai tại ngân hàng. Hai năm vừa qua, CIC đã làm rất tốt và TPBank chính là một trong những đơn vị được hưởng lợi.
 
Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank trình bày tham luận
 
Trong 03 năm gần đây, số lượng bản ghi tra cứu CIC của TPBank liên tục tăng trưởng: Năm 2021 tăng 39%, năm 2022 tăng 93%. Năm 2023, mặc dù trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn chung của toàn thị trường nhưng TPBank vẫn dự đoán nhu cầu tra cứu CIC của TPBank cũng sẽ tăng trưởng trên 30%.

Ngoài kênh H2H, TPBank vẫn duy trì kết nối tới CIC qua Web và FTPs để xử lí các yêu cầu tra cứu báo gấp hoặc thực hiện gửi dữ liệu báo cáo định kì tới CIC.

TPBank ứng dụng nguồn dữ liệu thông tin tín dụng trong việc thẩm định, phê duyệt, cấp tín dụng; xem xét dừng giải ngân; hỗ trợ công tác kiểm tra sau vay; theo dõi, đánh giá khách hàng, làm sạch dữ liệu; cảnh báo sớm rủi ro, tránh phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tại TPBank.

Bên cạnh đó, dữ liệu CIC đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xếp hạng tín dụng của TPBank. Từ báo cáo tra cứu dữ liệu CIC, TPBank biến đổi tạo ra 200 - 1.300 biến ứng viên, kết hợp với các nguồn dữ liệu khác để tạo danh sách biến ứng viên sử dụng trong phát triển mô hình chấm điểm xếp hạng tín dụng khách hàng. Mô hình chấm điểm xếp hạng ứng dụng Machine Learning, có sử dụng thông tin CIC mang lại hiệu suất tốt hơn đáng kể, tỉ số chính xác AR tăng thêm 10% đến 30% so với mô hình sử dụng các dữ liệu thông thường khác (như thông tin nhân thân của khách hàng).

Ông Nguyễn Hồng Quân đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng CSDL thông tin tín dụng, đáp ứng yêu cầu kinh doanh và quản trị rủi ro: Thứ nhất, về phạm vi dữ liệu, các báo cáo CIC cung cấp đang không có thông tin về số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD và số ngày quá hạn cụ thể của từng khoản vay quá hạn (ngoại trừ thông tin về số ngày chậm trả nợ thẻ tín dụng). Hai thông tin này có thể hỗ trợ ngân hàng xác thực khả năng tài chính và đánh giá rủi ro khách hàng hiệu quả. CIC phối hợp với Bộ Công an để triển khai tích hợp dữ liệu thẻ điểm dựa trên CSDL quốc gia về dân cư, từ đó hợp nhất kết quả với các sản phẩm báo cáo tín dụng của CIC và có thêm thông tin pháp lí của khách hàng. Thứ hai, về chất lượng dữ liệu, CIC cần tiếp tục đồng bộ thông tin căn cước công dân và chứng minh nhân dân của khách hàng. Nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc dữ liệu chuẩn để áp dụng cho các TCTD khi gửi dữ liệu tới CIC và công bố các kết quả đo lường theo các tiêu chí về chất lượng dữ liệu đang cung cấp để TCTD có cơ sở đánh giá khả năng và sử dụng dữ liệu CIC trong các yêu cầu, nghiệp vụ cụ thể.

Thứ ba, về thời gian trả kết quả, CIC cần bổ sung cơ chế xử lí, phản hồi kết quả, cam kết cho các yêu cầu hỏi tin thông thường và cam kết xử lí lỗi phát sinh trong quá trình kết nối, khai thác dữ liệu của các TCTD, đây cũng là cơ sở để TPBank có thể tích hợp quy trình tương tác với CIC trong các luồng xử lí tự động của ngân hàng.

Ngoài ra, CIC cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế bảo mật thông tin của khách hàng để bảo đảm theo yêu cầu về bảo vệ dữ liệu cá nhân; có cơ chế cho khách hàng tự tra cứu thông tin tín dụng của mình; thường xuyên đào tạo, truyền thông nhằm giúp khách hàng nâng cao ý thức trả nợ; có cơ chế ưu đãi và linh hoạt về giá, chi phí cho các sản phẩm được cung cấp theo số lượng và nhu cầu sử dụng của từng TCTD.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền, cán bộ Quản lí Chương trình phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính của Việt Nam và Campuchia, IFC trình bày tham luận

Đại diện Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) tham gia Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Huyền, cán bộ Quản lí Chương trình phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính của Việt Nam và Campuchia, IFC đã trình bày tham luận “Cơ sở hạ tầng dữ liệu hỗ trợ phát triển nền kinh tế số và tài chính số - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Bà Phạm Thị Thanh Huyền đã đưa ra góc nhìn tổng quan về dữ liệu, phân tích dữ liệu; sự khác biệt giữa báo cáo tín dụng (thông tin tín dụng do CIC cung cấp) và các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, phân tích dữ liệu do bên thứ ba cung cấp; từ đó, đưa ra các kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng, phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu phục vụ cho kinh tế số. Đáng chú ý, bà Phạm Thị Thanh Huyền đã đề xuất một số cách thức để phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam; các khuyến nghị liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu, thiết lập thị trường về dữ liệu và phân tích dữ liệu.

Về cơ sở hạ tầng tài chính, bà Phạm Thị Thanh Huyền cho rằng, Việt Nam đã có một cơ sở hạ tầng tài chính tốt, môi trường thuận lợi, sẽ thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng. Trong một thập kỉ qua, Việt Nam đã xây dựng và phát triển hiệu quả hệ thống báo cáo tín dụng của mình. Trong bối cảnh hiện nay, tất cả các dịch vụ tài chính đều trong giai đoạn chuyển đổi số. Tài chính số đã trở nên phổ biến chứ không còn là những trường hợp ngoại lệ và tài chính số sẽ không thể phát triển mạnh nếu như không có một môi trường kinh doanh thuận lợi, mà theo đó, cần phải xây dựng các nền tảng cho sự phát triển.

Bà Huyền cho rằng hiện nay có 3 hạng mục công ty liên quan đến dữ liệu được vận hành: Thứ nhất là các công ty thông tin tín dụng, các công ty cung cấp các dịch vụ sản phẩm về thông tin tín dụng; thứ hai là các công ty cung cấp thông tin tín dụng chuyên biệt; thứ ba là các công ty về dữ liệu và phân tích dữ liệu.

Liên quan đến vấn đề thu thập thêm các nguồn thông tin khác, theo kinh nghiệm quốc tế, phần lớn các trung tâm thông tin tín dụng tại các nước thường sẽ thu thập rất nhiều nguồn từ các công ty khác nhau và việc dữ liệu thay thế trong báo cáo tín dụng đã được thảo luận từ nhiều thập kỉ qua đối với  tất cả trung tâm thông tin tín dụng trên toàn thế giới.

Các thông tin liên quan đến vấn đề khoản dư trong tài khoản tiền gửi của khách hàng, thói quen nộp tiền điện, tiền nước, tiền truyền hình cáp, hay các thông tin liên quan đến bảo hiểm, thuế…, đó cũng là những thông tin khuyến nghị các tổ chức thông tin tín dụng tại Việt Nam nên thu thập thêm, đó chính là dữ liệu thay thế.

Liên quan đến thuế, ở Việt Nam có những doanh nghiệp rất nghiêm túc, báo cáo thuế rất chính xác, nhưng ngược lại cũng có những doanh nghiệp vì một lí do nào đó mà thông tin báo cáo tài chính của họ không được chính xác, vậy thì nguồn nào sẽ giúp ngân hàng có thể xác thực được nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp và đây cũng là một trong những thông tin giúp ngân hàng có thể định giá được khách hàng đó có gặp khó khăn về tài chính hay không. Ở Việt Nam hiện nay, CIC đã có những bước tiến về thu thập thông tin liên quan đến thuế. Hi vọng trong thời gian tới, dữ liệu về thuế sẽ được hoàn toàn chia sẻ và được CIC đưa vào báo cáo tín dụng để giúp cho các ngân hàng thẩm định khách hàng doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa liên quan đến báo cáo tín dụng, để phát triển hơn nữa lĩnh vực về thông tin tín dụng, bà Huyền cũng chia sẻ, CIC sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến LC - thư tín dụng đã được thanh toán bởi ngân hàng, hay là một hóa đơn đã được tài trợ bởi một ngân hàng, vấn đề này cũng dễ giải quyết vì CIC cũng đã bắt đầu trao đổi với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp để chia sẻ thông tin giữa hai bên với nhau.

Dữ liệu về giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp  đang quản lí và vận hành có đầy đủ các thông tin liên quan đến hóa đơn của khách hàng đã sử dụng làm tài sản bảo đảm tại các ngân hàng. Chúng ta có thể tích hợp 2 loại thông tin này thay cho việc ngân hàng sẽ phải truy cập hệ thống của Bộ Tư pháp, thì chúng ta có thể nhìn thấy luôn trên đăng ký giao dịch của CIC…
         
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế, bà Huyền đã nêu những kinh nghiệm hoạt động thông tin tín dụng của một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan để đưa ra câu trả lời Cơ sở hạ tầng dữ liệu mới nào có thể cần thiết cho phát triển của nền kinh tế số và tài chính số. Đối với Thái Lan, khi thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng dữ liệu, Thái Lan đã đưa ra những quy định, tiêu chí về bảo vệ dữ liệu cá nhân, do đó sẽ thúc đẩy cho việc thu thập thông tin cũng như cung cấp thông tin giữa các bên trong hệ sinh thái. Đối với Ấn Độ, không có trung tâm thông tin tín dụng quốc gia mà chỉ có 4 công ty thông tin tín dụng tư nhân. Tuy nhiên, đối với mảng dữ liệu và phân tích dữ liệu của Ấn Độ có những quy định thành lập và quy định về trách nhiệm của bên cung cấp thông tin, bên xử lí thông tin và có bên trung gian đứng giữa để thu thập thông tin và xử lí thông tin, truyền tải thông tin cho bên nhận thông tin. Đây cũng là một mô hình mà Việt Nam cũng có thể nghiên cứu, nhìn nhận./.
 
Phương - Hiền

(Ảnh: Nguyễn Mạnh)
 
Theo: Tạp chí Ngân hàng