Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng Sáu tăng mạnh 9,35% Huy động công ty tài chính dập tín dụng đen |
Tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp
Tại hội thảo “Xóa xổ tín dụng đen - bằng cách nào?”, do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng ngày 30/11, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay.
Ngoài chịu ảnh hưởng do kinh tế khó khăn, người lao động bị giảm thu nhập, một nguyên nhân chính khiến dư nợ vay tiêu dùng của các công ty tài chính sụt giảm nghiêm trọng, theo phản ánh của các công ty tài chính tiêu dùng là do nạn bùng nợ.
Hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào" do báo Tuổi trẻ tổ chức có sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp); Ngân hàng Nhà nước; luật sư, chuyên gia kinh tế... |
Suốt từ đầu năm đến nay, trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm với vài trăm nghìn thành viên hướng dẫn nhau cách vay rồi bùng nợ. Công ty FE Credit cho biết việc thu hồi nợ vô cùng khó khăn, thậm chí có trường hợp khách vay không trả nợ mà còn hành hung lại nhân viên của công ty.
Thông tin về công tác đấu tranh tội phạm tín dụng đen, Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) - cho biết, tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen diễn biến phức tạp. Tội phạm liên quan đến tín dụng đen phản ánh rõ trên 3 phương thức: Truyền thống, truyền thống kết hợp công nghệ và công nghệ mới hoàn toàn. Trong đó, tội phạm tín dụng đen truyền thống tuy kiềm chế nhưng vẫn hoạt động lưu động hoặc núp bóng các cơ sở kinh doanh, nhắm đến một bộ phận thanh thiếu niên, người dân gặp khó khăn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa để mời chào cho vay, tham gia hụi họ.
Tội phạm tín dụng đen truyền thống kết hợp công nghệ với các thủ đoạn thành lập các cơ sở kinh doanh cầm đồ hoặc biến tướng, các doanh nghiệp kinh doanh tài chính sau đó sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng quản lý cầm đồ hoặc ứng dụng cho vay để quảng cáo, tiếp cận người vay.
Đặc biệt, gần đây cơ quan chức năng đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp (công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật) mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Đối với tội phạm tín dụng đen sử dụng công nghệ mới hoàn toàn nổi lên thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội hoặc tạo lập các app giả, nhái của ngân hàng, tổ chức tín dụng để dụ dỗ, mời chào vay tiền, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân sau đó sử dụng để nhắn tin, đe dọa, đòi nợ. Thậm chí các đối tượng lừa đảo yêu cầu người vay tiền đặt cọc sau đó chiếm đoạt.
Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) |
Theo Thượng tá Lê Vinh Tùng, thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, trong năm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 538 vụ án/944 bị can; xử phạt hành chính 305 vụ/396 đối tượng; trong đó khởi tố 485 vụ/772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 27 vụ/35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ/108 bị can về tội Cưỡng đoạt tài sản…
Lũy kế trong 4 năm thực hiện Chỉ thị 12 (2019-2022), cơ quan công an đã phát hiện 3.772 vụ/6.810 đối tượng hoạt động tín dụng đen; khởi tố 2.113 vụ án/4.343 bị can liên quan tín dụng đen.
Riêng Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với nhiều địa phương để đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội với phương thức thủ đoạn mới, hoạt động núp bóng doanh nghiệp, đan xen nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn. Nhất là các vụ án cưỡng đoạt tài sản tại Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... Trong đó, Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá hai chuyên án các đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động tín dụng đen.
Qua đấu tranh tội phạm tín dụng đen, Cơ quan Công an còn phát hiện các đối tượng người nước ngoài đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1000%/năm.
Cách nào xóa sổ?
Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, TS Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) kiến nghị cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ.
Cụ thể, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy như tại Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm. Còn ở Ấn Độ, lãi vay tiêu dùng dao động trong khoảng 12-48%/năm; tại Brazil là 30-70%; tại Mỹ, chỉ khoảng 8-36%/năm; Trung Quốc áp dụng từ 10-40%/năm.
Còn theo Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), Cục Cảnh sát hình sự sẽ tiếp tục tham mưu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Đồng thời, ông Tùng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực của ngành ngân hàng dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động tín dụng đen như vay trực tuyến, vay ngân hàng, trung gian thanh toán, ví điện tử, đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính…
Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền nên xem xét sửa đổi các quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự (tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính.
Mai Ca
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|