Nam A Bank "sở hữu" hơn 1.200 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC

(Banker.vn) Ngoài việc nợ xấu tăng cao, Ngân hàng Nam A Bank cũng đang sở hữu khoản nợ tới hơn 1.286 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

9 tháng đầu năm 2023: Nam A Bank tăng trưởng ổn định và bền vững

Lợi nhuận của Nam A Bank tăng trưởng từ đâu?

Nam A Bank (NAB): Chỉ số kinh doanh tăng trưởng, tạo đà cho cổ phiếu chuyển mình

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, tính đến 30/9/2023 nợ xấu nội bảng tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank; UPCoM: NAB) tăng tới 93% so với đầu năm, từ 1.945 tỷ đồng lên tới hơn 3.751 tỷ đồng kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 1,63% lên 2,84%.

Xét về cơ cấu các nhóm nợ tại Nam A Bank cho thấy, nhóm nợ 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) có tốc độ tăng mạnh nhất, cao gấp 10 lần so với đầu năm, từ 132 tỷ đồng tăng lên hơn 1.369 tỷ đồng; tiếp đến là nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng từ 237 tỷ đồng lên gần 843 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 3,5 lần so với đầu năm. Còn nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) có xu hướng giảm nhẹ 2% so với đầu năm, ghi nhận còn 1.539 tỷ đồng.

Xét diễn biến nợ xấu nội bảng tại nhà băng này trong 6 năm trở lại đây cho thấy, con số nợ xấu tại thời điểm 30/9/2023 của Nam A Bank đang ở mức đỉnh, từ 784,7 tỷ đồng năm 2018 lên hơn 3.751 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 4,78 lần.

Nam A Bank "sở hữu" hơn 1.200 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)

Đáng chú ý, bên cạnh việc nợ xấu tăng cao, Nam A Bank cũng đang sở hữu khoản nợ tới hơn 1.286 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Vì vậy, Nam A Bank phải trích lập cho khoản nợ xấu tại VAMC hơn 612 tỷ đồng.

Được biết, bán nợ cho VAMC là một phương thức xử lý nợ chủ yếu của các ngân hàng để được hỗ trợ trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời cũng là một cách làm đẹp bảng cân đối kế toán. Thế nhưng, bán nợ cho VAMC cũng không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu này mà vẫn phải xử lý. Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng nếu sau 5 năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) vẫn chưa được xử lý.

Ngoài ra, dù đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao, ở mức 20%/năm đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm, chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt dạng ngân hàng đang phải tái cơ cấu được trích lập dự phòng ở mức 10%/năm theo thời hạn trái phiếu 10 năm.

Không những nợ xấu và lãi dự thu tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Nam A Bank cũng giảm mạnh. Theo đó, tính đến 30/9/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ còn 36,5% trong khi hồi đầu năm duy trì 64%, tương đương giảm 27,4 điểm %.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy ngân hàng có sự chuẩn bị tốt cho rủi ro, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Như vậy, Nam A Bank đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.

Ngoài nợ xấu, tính đến 30/9/2023, Nam A Bank còn đang "sở hữu" gần 13.440 tỷ đồng “nghĩa vụ nợ tiềm ẩn” chưa được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng. Con số này đã tăng 52% so với đầu năm.

Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại Nam A Bank tăng do cam kết bảo lãnh khác tăng gấp 8 lần so với đầu năm, từ 885 tỷ đồng lên mức 7.089 tỷ đồng. Trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng lại giảm 20% xuống còn 6.350 tỷ đồng còn bảo lãnh vay vốn không được ghi nhận.

Về bức tranh tài chính của Nam A Bank, trong quý III/2023, Nam A Bank đạt 1.310 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ đem về cho nhà băng này 101,2 tỷ đồng; tăng 66%.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối báo lỗ 42,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 12,8 tỷ đồng. Tình hình thị trường chứng khoán lao dốc khiến Nam A Bank chỉ lãi vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư, giảm mạnh 95% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí hoạt động của Nam A Bank ở mức 971,5 tỷ đồng; tăng 53%, chủ yếu do tăng chi phí lương nhân viên và một số chi phí quản lý khác. Sau cùng, Nam A Bank báo lãi sau thuế quý III/2023 giảm 24%, chỉ còn hơn 415 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Nam A Bank đạt mức 1.632 tỷ đồng; tăng 10%.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản Nam A Bank đạt quy mô gần 207.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với đầu năm. Về phía nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tăng 21%, đạt 151.320 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9, lãi và phí phải thu (lãi dự thu) của Nam A Bank tăng tới 35% so với đầu năm, ghi nhận hơn 3.676 tỷ đồng. Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.

Nam A Bank "sở hữu" hơn 1.200 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC
Cổ phiếu NAB tại 5 phiên giao dịch gần nhất

Trên sàn chứng khoán, kết phiên ngày 15/11, cổ phiếu NAB tăng hơn 2% lên mức 14.700 đồng/cp, qua đó mã này đã chạm đỉnh cao nhất 1 năm trở lại đây. So với thị giá hồi đầu năm, cổ phiếu của Nam A Bank đã tăng tới gần 97%. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất của NAB lại khá thấp, chỉ đạt 489.695 đơn vị/phiên.

Cạn “của để dành” để trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh

Trong bối cảnh nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng mạnh, cộng thêm “của để dành” để trích lập thêm dự phòng rủi ...

Ngân hàng tuần qua: Nợ xấu tăng nhanh phản ánh khó khăn của nền kinh tế

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt hồi phục; Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong quý III/2023; NHNN hút ròng hơn 11.000 tỷ đồng trong ...

BIDV ráo riết rao bán 19 thửa đất của một cá nhân liên quan đến đầu mối xăng dầu Trung Linh Phát

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV, HOSE: BID) chi nhánh Nam Định đã liên tiếp phát đi thông báo bán ...

Thiên Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục