Năm 2024, dự kiến kiểm toán nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia

(Banker.vn) Trong năm 2024, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia, được dư luận quan tâm và thuộc chương trình giám sát của Quốc hội như: Tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1...

Sáng 12/9, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ trình bày báo cáo tóm tắt dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước.

Kiểm toán những lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí

Báo cáo nêu rõ, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 (123 nhiệm vụ), theo định hướng, không tăng so với kế hoạch kiểm toán đầu năm 2023, đồng thời phải bảo đảm lộ trình thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đến năm 2030 về tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, bộ cơ quan trung ương, kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin.

Quang cảnh Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9. (Ảnh: DUY LINH)

Kiểm toán nhà nước định hướng lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Lĩnh vực ngân sách nhà nước, dự kiến kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 34 bộ, cơ quan trung ương (đạt tỷ lệ 85% - 34/40 đầu mối kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương, năm 2023 là 68%), kiểm toán tại 61 địa phương.

Kiểm toán nhà nước cũng dự kiến kiểm toán hoạt động 8 chủ đề, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề được xã hội quan tâm liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, vận tải hành khách công cộng, bảo tồn và phát triển các di tích, di sản...

Lĩnh vực chuyên đề được dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng. Chẳng hạn như “Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ giai đoạn 2022-2023 tại Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước” nhằm đánh giá quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia, được dư luận quan tâm và thuộc chương trình giám sát của Quốc hội như: Tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; dự án đường vành đai; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện…

Với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính-ngân hàng, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 13 cuộc kiểm toán, gồm Ngân hàng Nhà nước; 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Bảo đảm kiểm toán trúng, kiểm toán đúng trọng tâm, trọng điểm

Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước tập trung ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 để phấn đấu đạt hoặc vượt mục tiêu theo lộ trình đã đề ra tại Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Đồng thời, cũng cần ưu tiên các cuộc kiểm toán theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Các chuyên đề quan trọng liên quan đến những vấn đề được dư luận xã hội, Quốc hội và và cử tri quan tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp; tập trung lựa chọn các chuyên đề, lĩnh vực thường xuyên có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ dễ phát sinh sai phạm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, thu nộp về ngân sách nhà nước, không gây thất thoát ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước.

Về kiểm toán hoạt động, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị cần rà soát kỹ lại, xem xét không kiểm toán Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, nên lồng ghép nội dung này trong các cuộc kiểm toán tại các Ngân hàng thương mại; giảm 1-2 cuộc kiểm toán quản lý, bảo vệ môi trường (đang dự kiến 3 cuộc kiểm toán).

Ủy ban của Quốc hội cũng đề nghị rà soát lựa chọn địa bàn thực hiện kiểm toán các cuộc kiểm toán hoạt động, bảo đảm mỗi địa phương không kiểm toán quá 2 cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề (hiện nay theo dự kiến riêng kiểm toán hoạt động đã có 3 địa phương là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thuộc đối tượng của 2 cuộc kiểm toán hoạt động).

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giảm 1-2 cuộc kiểm toán quản lý, bảo vệ môi trường, bổ sung cuộc kiểm toán hoạt động liên quan đến nhà ở xã hội, thị trường bất động sản gắn với chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2024.

Đa số ý kiến đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát cắt giảm số cuộc kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án để bảo đảm kiểm toán trúng, kiểm toán đúng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công, không gây thất thoát, lãng phí nguồn lực tài sản nhà nước, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán; các cuộc kiểm toán các dự án đầu tư nên chuyển lồng ghép trong kiểm toán ngân sách nhà nước tại các bộ và ngân sách địa phương.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán