Năm 2023 nhà đầu tư nước ngoài rút bao nhiêu tiền khỏi sàn chứng khoán?

(Banker.vn) Trong năm 2023, khối ngoại đã bán ròng khỏi sàn HoSE hơn 24.830 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của năm 2021.
Nhiều khuyến nghị của nhà đầu tư nước ngoài gửi tới Chính phủ Việt Nam 278 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch chứng khoán trong tháng 10

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), nhà đầu tư nước ngoài năm ngoái mua vào gần 314.900 tỷ đồng và bán ra khoảng 339.700 tỷ đồng, tính cả cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, quỹ ETF và chứng quyền đảm bảo. Giá trị giao dịch ở cả hai chiều đều giảm so với năm 2022, nhưng mạnh nhất ở chiều mua khi sụt hơn 16%.

Năm 2023 nhà đầu tư nước ngoài rút bao nhiêu tiền khỏi sàn chứng khoán?

Thống kê cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 24.830 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Nếu tính riêng cổ phiếu, con số trên là hơn 19.500 tỷ đồng.

Trừ tháng 1, khối ngoại bán ròng liên tiếp 11 tháng trong năm ngoái. Lực bán đổ dồn vào tháng cuối năm khi chênh lệch đến gần 9.970 tỷ đồng so với chiều mua, mạnh nhất kể từ tháng 5/2021.

Tuy nhiên, tổng giá trị bán ròng năm ngoái chỉ bằng 43% so với mức đỉnh của năm 2021. Cách đây ba năm, họ xả hàng hơn 58.050 tỷ đồng, tương đương gần 2,4 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại.

Theo báo cáo mới đây của công ty tư vấn đầu tư FIDT, giao dịch của khối ngoại lại không quá đáng ngại. Thực tế cho thấy, lực bán của nhóm này mạnh hơn sau khi thị trường đạt đỉnh vào cuối tháng 8 kéo dài đến cuối năm 2023, nhưng thị trường chứng khoán trong giai đoạn này vẫn duy trì được các nhịp tăng điểm tích cực, VN-Index tổng kết năm tăng hơn 12%.

Tuy nhiên, nhóm phân tích này vẫn lưu ý câu chuyện trên sẽ tác động một phần đến xu hướng cũng như ảnh hưởng mạnh lên trạng thái tâm lý của thị trường chung. Hành động của khối ngoại chủ yếu là mua ròng mỗi khi thị trường sụt giảm với biên độ lớn và bán ròng khi thị trường hồi phục, điển hình là khi thị trường chạm đáy vào cuối tháng 10.

Thống kê của FIDT cho thấy, ngân hàng là nhóm bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhất. Tiếp đó là thực phẩm và đồ uống, bất động sản, dịch vụ tài chính và bán lẻ. Riêng nhóm bất động sản, tỷ trọng bán mạnh chủ yếu đến từ nhóm các cổ phiếu "họ Vin" đã mang nhiều rủi ro và kéo cả ngành trở nên tiêu cực trong góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, nhóm tài nguyên cơ bản có được niềm tin của họ và liên tục được mua ròng từ đầu năm.

Ở từng cổ phiếu riêng lẻ, SSI Research đưa ra thống kê rằng khối ngoại tập trung giao dịch các mã có vốn hóa lớn. EIB là cổ phiếu chịu áp lực bán nặng nề nhất năm ngoái với hơn 4.600 tỷ đồng. Theo sau là các mã VPB, MWG, VHM, VNM... Ngược lại, HPG trở thành cổ phiếu hút vốn ngoại nhiều nhất với hơn 3.300 tỷ đồng. Các mã HSG, STG, DGC, FRT cũng nằm trong nhóm hấp dẫn với họ.

Song Hà

Theo: Báo Công Thương