Trái chiều kế hoạch kinh doanh 2023 của các 'ông lớn' trên sàn |
Triển vọng cổ phiếu ngành giao thông
Theo ông Đỗ Văn Nam, giải ngân vốn đầu tư công phát triển hạ tầng trong năm 2023 sẽ tăng trưởng mạnh so với năm 2022 bởi các vấn đề về thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng và giá vật liệu xây dựng cao cơ bản đã được giải quyết. Trên cơ sở kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, ngay từ đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giao chi tiết đợt 1 cho các dự án giao thông đầy đủ thủ tục với tổng số vốn 94.135 tỷ đồng, đạt 99,97%.
Theo kế hoạch phân bổ, năm 2023, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao 45.266 tỷ đồng, chiếm 48% tổng kế hoạch vốn được giao của Bộ GTVT. Tính đến nay, toàn bộ 25 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đều đã tổ chức thi công. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác như sân bay Long Thành, cao tốc Biên hoà - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, đường vành đai 3 (TP.HCM) và vành đai 4 (Hà Nội) cũng được khởi công trong nửa đầu năm 2023. Trong khi đó, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 vẫn đang được đẩy mạnh thi công và hoàn thành lần lượt trong giai đoạn 2022 - 2024.
Thêm nữa, điều kiện cho hoạt động thi công xây dựng sẽ được cải thiện đáng kể với lực lượng lao động về cơ bản đã về mức ổn định. Chu kì thời tiết dự báo chuyển sang trạng thái El Nino với đặc điểm ít mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thi công, đặc biệt tại các dự án hạ tầng giao thông. Đặc biệt, kể từ quý III/2022, giá một số loại vật liệu xây dựng đã giảm đáng kể, tác động tích cực đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp xây lắp.
Trong bối cảnh đó, ông Đỗ Văn Nam đánh giá nhóm cổ phiếu đến từ các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đường cao tốc, đường quốc lộ, sân bay, cầu, hầm được nhận định sẽ tiếp tục hưởng lợi từ đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là gần 2,9 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các chu kì đầu tư trước đó.
"Giai đoạn 2023-2024 dự báo sẽ là cao điểm giải ngân đầu tư công, mang đến nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Các doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh sẽ đặc biệt có lợi thế trong đấu thầu các dự án thuộc chu kì đầu tư công 2021-2025", Phó Chủ tịch AVINA cho biết.
Nhóm cổ phiếu đến từ các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đường cao tốc, đường quốc lộ, sân bay, cầu, hầm được nhận định sẽ tiếp tục hưởng lợi từ đầu tư công. Ảnh minh hoạ |
Tuy vậy, theo ông Nam, các dự án hạ tầng giao thông nhiều khả năng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vật liệu đắp, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc kiểm soát chi phí đầu vào và tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục là vấn đề then chốt của các nhà thầu và các doanh nghiệp sở hữu mảng cung cấp vật liệu xây dựng hoặc đầu tư hạ tầng kèm theo, giúp bù đắp dòng tiền và tạo động lực tăng trưởng dài hạn.
Đối với các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, từ đầu năm 2023, các “ông lớn” có năng lực, kinh nghiệm và uy tín đã lần lượt giành được những gói thầu quy mô lớn. Đây chính là động lực giúp doanh thu nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông bứt phá trong giai đoạn 2023 - 2025.
"Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đang cho thấy quyết tâm rút ngắn tiến độ tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với hàng loạt giải pháp như: sớm thực hiện đền bù và giải phóng mặt bằng; ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho phép giao trực tiếp mỏ vật liệu trong hồ sơ khảo sát mỏ phục vụ dự án cho các nhà thầu giúp thời gian thực hiện thủ tục cấp phép được rút ngắn hơn đáng kể so với cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Do đó, có thể kỳ vọng rằng lợi nhuận của các nhà thầu khi tham gia thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng sẽ được cải thiện đáng kể so với các dự án khác", ông Nam nhận xét.
Cơ hội và thách thức
Theo ông Đỗ Văn Nam, không nhiều công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán đủ năng lực tham gia vào đại dự án này như VCG, HHV, LCG, C4G, G36, CC1, SDT, TTL và đây chính là cơ hội để các công ty niêm yết này tăng trưởng ấn tượng trong những năm tới.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch AVINA cũng chỉ ra một số thách thức mà nhóm doanh nghiệp này phải đối diện.
Thứ nhất, đối với nguồn vốn kinh doanh khó khăn do tín dụng thắt chặt, cổ phiếu suy giảm, trái phiếu bất ổn. Chỉ những doanh nghiệp đa dạng hóa các kênh huy động vốn, điều chỉnh cấu trúc tài chính linh động và có hệ sinh thái chắc chắn gắn liền với các dịch vụ thiết yếu của xã hội mới có thể vượt qua thách thức này.
Thứ hai, đối với chính sách bất cập bởi các quy định pháp luật đan xen, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án như giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, cần thông qua các bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề, các địa phương, cơ quan truyền thông để kiên trì giải thích, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cụ thể; chủ động mời và nhờ hỗ trợ của các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán và cơ quan điều tra nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn hay giảm thiểu các sai sót với mục tiêu hướng đến việc tuân thủ pháp luật “làm thật ăn thật”, minh bạch trong hoạt động và phối hợp thực hiện giám sát của cộng đồng với hoạt động dự án.
Thứ ba, đối với giá cả vật liệu, về cơ bản đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao và có thể tiềm ẩn nguy cơ tăng giá. Chỉ những doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp tối ưu sản xuất, tận dụng vật liệu địa phương, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tổ chức thi công khoa học, đồng thời hợp tác với các đơn vị cung cấp vật liệu để thực hiện chính sách bình ổn giá.
Thứ tư, đối với niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán, trái phiếu bị ảnh hưởng do thời gian qua xảy ra tình trạng đầu cơ cổ phiếu thiếu minh bạch, doanh nghiệp có nền tảng lao động nghiêm túc tạo ra “giá trị thật” từ những sản phẩm thật, mang lại lợi ích cho người dân, đất nước và các cổ đông đồng hành. Khi có cơ hội gia tăng giá trị thì công bố minh bạch, ưu tiên cho cổ đông nhỏ lẻ trước, luôn xác định mang đến lợi nhuận cho nhà đầu tư dài hạn.
Thảo Nguyên
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|