Theo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022 của các Tòa án, trong năm 2021, số lượng các loại vụ việc mà các tòa án phải thụ lý, giải quyết tuy có giảm so với năm trước nhưng tính chất, mức độ hành vi phạm tội vẫn phức tạp, hoạt động manh động với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Một số tội phạm nổi lên như: mua bán, vận chuyển ma túy; tổ chức xuất nhập cảnh trái phép; tội phạm mạng; tín dụng đen…
Các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn diễn ra phức tạp… đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhiều tòa án phải tạm dừng, tạm hoãn hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ việc trong thời gian dài để phòng, chống dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Kết quả là năm 2021, các tòa án đã thụ lý 88.607 vụ án hình sự với 160.574 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 79.409 vụ với 138.272 bị cáo, đạt tỷ lệ 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo (thụ lý giảm 1.119 vụ, giải quyết giảm 8.361 vụ).
Các Tòa án kịp thời đưa ra xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng. Trong đó, đã thụ lý sơ thẩm 2.880 vụ với 6.124 bị cáo phạm các tội kinh tế, tham nhũng; đã xét xử 2.263 vụ với 4.125 bị cáo (chiếm 3,06% số vụ và 3,03% số bị cáo trong tổng số vụ án hình sự đã thụ lý).
Xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, được dư luận xã hội rất quan tâm như: vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam; vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ án Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm phạm các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương và Sabeco; vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường…
Qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự cho thấy, việc xét xử các vụ án bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Các tòa án tiếp tục chú trọng việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả
Đối với các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, tòa án đã giải quyết xét xử được 324.813 vụ việc, đạt tỷ lệ 79% (số thụ lý giảm 60.282 vụ việc; giải quyết, xét xử giảm 94.980 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,57%, giảm 0,07% (do nguyên nhân chủ quan 0,39%); bị sửa là 1,1%, giảm 0,1% (do nguyên nhân chủ quan 0,4%).
Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo trong các vụ án liên quan đến phòng chống dịch bệnh, góp phần tích cực vào công tác này.
Các Tòa án đã thụ lý 144 vụ với 187 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, đã xét xử 136 vụ với 177 bị cáo.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|