MWG và FPT Retail không còn trong 'cuộc chiến giá rẻ'
Hai ‘kỳ phùng địch thủ’ trong lĩnh vực bán lẻ điện máy – Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) và Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đều ghi dấu trong năm 2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.
MWG ghi nhận doanh thu thuần 134.341 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 3.733 tỷ đồng, gấp 22 lần so với mức nền thấp của năm trước. Thành công này đến từ việc tăng trưởng doanh thu cùng chiến lược cải thiện biên lợi nhuận.
Hình minh họa |
Đáng chú ý, MWG đã chuyển hướng tập trung sang chuỗi thực phẩm Bách Hóa Xanh. Năm 2024, chuỗi này mang về hơn 41.000 tỷ đồng doanh thu, chiếm 30,6% tổng doanh thu MWG và lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận cả năm sau hơn hai năm tái cấu trúc.
Vê cuộc ‘đại phẫu’ trong năm 2024 của MWG, doanh nghiệp quyết định ngừng hoạt động 5 công ty con. Đây là động thái nằm trong kế hoạch tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, tập trung vào các mảng cốt lõi sau một giai đoạn phát triển nhanh chóng nhưng không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Ngoài ra, năm 2024 cũng chứng kiến nhiều thay đổi trong hệ thống bán lẻ của MWG, với xu hướng thu hẹp một số chuỗi và mở rộng có chọn lọc ở một số lĩnh vực. Thế Giới Di Động, bao gồm cả Topzone đã giảm 57 cửa hàng, còn lại 1.021 điểm. Điện Máy Xanh cũng thu hẹp với việc đóng cửa 164 cửa hàng, đưa tổng số điểm bán xuống còn 2.026. Nhà thuốc An Khang có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn khi giảm 201 cửa hàng, chỉ còn 326 điểm hoạt động. AVAKids cũng thu hẹp quy mô nhẹ với hai cửa hàng đóng cửa, hiện còn 62 điểm bán.
Ở chiều ngược lại, Bách Hóa Xanh tiếp tục mở rộng với hai cửa hàng mới, nâng tổng số lên 1.770 điểm. Đáng chú ý, chuỗi bán lẻ EraBlue tại Indonesia có sự phát triển mạnh mẽ khi mở thêm 49 cửa hàng, nâng tổng số lên 87 điểm
Không chỉ thu hẹp quy mô công ty con và cắt giảm nhiều cửa hàng bán lẻ, MWG còn đang trong quá trình tinh gọn bộ máy nhân sự. Trong ba năm qua, công ty đã cắt giảm hơn 10.000 lao động, riêng năm 2024 con số này lên đến 1.700 người.
Ở phía FPT Retail, doanh nghiệp này mang về 40.104 tỷ đồng doanh thu trong năm vừa qua, tăng 26% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 527 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với kế hoạch đặt ra và cải thiện mạnh so với năm 2023 thua lỗ gần 300 tỷ đồng.
Trong năm 2024, FPT Retail tiếp tục đặt trọng tâm vào chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu. Trong năm 2024, chuỗi này đạt doanh thu 25.320 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước, chiếm 63% tổng doanh thu của FPT Retail. Số lượng cửa hàng cũng tăng mạnh, đạt 1.943 cửa hàng vào cuối năm.
Một bước đi đáng chú ý khác của FPT Long Châu là mở rộng dịch vụ tiêm chủng, với 116 trung tâm mới trong năm 2024, nâng tổng số lên 126. Điều này cho thấy FPT Retail đang khai thác thêm nhiều mô hình kinh doanh liên quan đến chăm sóc sức khỏe để tăng trưởng bền vững.
Có thể thấy rõ, kết quả khởi sắc của MWG và FPT Retail phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành bán lẻ sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi hậu quả của đại dịch Covid-19, khi nhu cầu mua sắm các thiết bị không thiết yếu sụt giảm đáng kể. Điều đáng chú ý hơn là cả hai doanh nghiệp đã lựa chọn những chiến lược phát triển riêng biệt, tránh lặp lại tình trạng cạnh tranh gay gắt như trong 'cuộc chiến giá rẻ' đầu năm 2023, vốn từng khiến cả hai chịu nhiều tổn thất.
Masan và PNJ: Hai “ông lớn” bán lẻ bứt phá mạnh mẽ năm 2024
Tập đoàn Masan (MSN) cũng có một năm 2024 thành công rực rỡ khi mảng tiêu dùng bán lẻ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Với các thương hiệu như Masan Consumer, WinCommerce, Masan MEATLife và Phúc Long Heritage, tập đoàn này đạt doanh thu 83.178 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.272 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm trước.
Hình minh họa |
Điểm nhấn trong kết quả kinh doanh của Masan là sự đóng góp tích cực từ hệ thống bán lẻ WinCommerce và Masan MEATLife. Trong năm qua, WinCommerce đã mang về lợi nhuận 993 tỷ đồng. Đặc biệt, trong quý IV/2024, chuỗi này lần thứ hai liên tiếp có lợi nhuận dương, với 209 tỷ đồng sau thuế.
Hiện tại, Masan đang vận hành 3.828 cửa hàng WinMart/WinMart+, cho thấy chiến lược mở rộng mạng lưới và tối ưu hóa vận hành đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Sự cải thiện biên lợi nhuận gộp và doanh thu tài chính tăng 68% so với cùng kỳ cũng góp phần quan trọng vào thành công của tập đoàn.
Trong khi đó, ngành bán lẻ trang sức chứng kiến sự bứt phá của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Năm 2024, PNJ ghi nhận tổng doanh thu 37.823 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.115 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay của công ty.
Thành công này đến từ việc PNJ không ngừng mở rộng hệ thống, nâng tổng số cửa hàng lên 429, tức tăng thêm 29 cửa hàng trong năm. Doanh thu trang sức bán lẻ tăng trưởng 14%, trong khi mảng bán sỉ còn tăng mạnh hơn với mức 35%, nhờ chính sách siết chặt kiểm soát nguồn gốc sản phẩm trên thị trường.
Sự bùng nổ của PNJ diễn ra trong bối cảnh thị trường vàng liên tục sôi động, nhu cầu tiêu dùng cao, giúp thương hiệu này tiếp tục khẳng định vị thế số một trong ngành trang sức Việt Nam.
Hạ dự báo giá dầu: Cơ hội và thách thức đan xen trong bức tranh ngành năng lượng Các chính sách thương mại cứng rắn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc, như khả năng áp thuế 60%, có nguy cơ tái khởi ... |
Bức tranh lương IT 2024: Người mới giảm, quản lý tăng mạnh Lương IT năm 2024 đạt mức trung vị 52 triệu đồng ở vị trí quản lý, nhưng người mới dưới một năm kinh nghiệm chỉ ... |
Thu Hà