Mùa cổ tức đến gần, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn sức hút

(Banker.vn) Nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch phân phối lợi nhuận 2023 trong mùa đại hội cổ đông sắp tới.

Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã góp công lớn giúp chỉ số Vn-Index trở lại mốc 1.250 điểm. Một trong những động lực giúp nhóm ngân hàng thu hút được dòng tiền thời gian qua đến từ mức cổ tức hấp dẫn. Trong thời gian tới, nhiều ngân hàng sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên, qua đó thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận.

Mùa cổ tức đến gần, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn sức hút
Nhiều ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức 2023.

Mới đây, Vietcombank (HOSE: VCB) công bố kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2024 vào ngày 26/4. Hội nghị dự kiến sẽ phê duyệt các báo cáo như thường lệ và phương án phân phối lợi nhuận năm 2023.

Trước đó, Đại hội cổ đông năm 2023 của ngân hàng này đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế của năm 2022 là hơn 21.000 tỷ đồng. Trong năm vừa qua, Vietcombank cũng đã hoàn thành tăng vốn từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1%, đưa vốn điều lệ lên gần 56.000 tỷ đồng.

Cùng chiều, VietinBank (HOSE: CTG) cũng vừa công bố phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Theo đó, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự kiến số tiền sẽ chia gần 11.648 tỷ đồng.

Trong năm 2023, VietinBank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 53.700 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020. Tại hội nghị ngân hàng đầu năm nay, lãnh đạo của VietinBank kiến nghị được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Ngoài các ngân hàng có vốn nhà nước thì hiện nhiều ngân hàng đã công bố nội dung họp đại hội cổ đông hoặc phân phối lợi nhuận, trong đó có phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đơn cử PGBank (HOSE: PGB) đã chốt danh sách cổ đông để thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10:4 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 4 cổ phiếu mới).

Tổng số lượng cổ phiếu PGB được phát hành là 120 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị theo mệnh giá 1.200 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành cổ phiếu được lấy từ lợi nhuận lũy kế và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ theo báo cáo tài chính của ngân hàng năm 2022.

Bac A Bank (HOSE: BAB) cuối tháng 1 vừa qua đã hoàn tất việc chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7,5% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận 75 cổ phiếu mới). Theo đó, Bac A Bank phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 625 tỷ đồng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế năm 2022 của Bac A Bank, đưa vốn điều lệ của Bac A Bank tăng từ 8.334 tỷ đồng lên hơn 8.959 tỷ đồng.

Tương tự, Saigonbank (HOSE: SGB) vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Trước đó, Đại hội cổ đông 2023 của SaigonBank đã thông qua việc trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Cụ thể, SaigonBank dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.

Bên cạnh các ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều ngân hàng đã và đang lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Vừa qua, VIB quyết định chi 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%; qua đó, trở thành ngân hàng đầu tiên công bố việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 22/2/2024.

Trong tài liệu xin ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức, VIB cho biết, theo mô hình tài chính và dự báo khả thi, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của ngân hàng có thể đạt 8.640 tỷ đồng. Với mức thuế suất 20% áp dụng cho các tổ chức tín dụng, ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 có thể đạt 10.800 tỷ đồng.

Trong khi đó, Techcombank dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, tương đương 4-5% vốn chủ của ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Trước đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt từng nhiều lần được cổ đông nhà băng này chất vấn HĐQT tại mỗi kỳ ĐHĐCĐ của Techcombank suốt 10 năm qua.

Trên thị trường chứng khoán, mặc dù gặp phải áp lực chốt lời tuy nhiên nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn giữ được xu hướng tăng giá. Cá biệt, trong một vài phiên giao dịch trở lại đây, cổ phiếu VCB bất ngờ tăng trần cùng thanh khoản đột biến, qua đó đưa giá cổ phiếu chạm mốc 3 chữ số. Cùng chiều, TCB và BID đồng loạt vượt đỉnh nhờ lượng cổ tức hấp dẫn.

Mirae Asset dự báo sốc về VN-Index, hé lộ loạt "siêu cổ phiếu" của năm

Sau khi đưa ra dự báo có phần "sốc" về VN-Index, Mirae Asset cũng đã hé lộ loạt "siêu cổ phiếu" tiềm năng của năm ...

Dòng tiền cá mập phát tín hiệu "tháo chạy", VN-Index đón nhịp điều chỉnh nhẹ

Diễn biến ngày giao dịch 29/02, dòng tiền cá mập bất ngờ phát tín hiệu "tháo chạy" vào phiên chiều, tập trung chủ yếu tại ...

FTS bất ngờ tăng trần cuối phiên, VN-Index rung lắc tại vùng 1.250 điểm

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, áp lực chốt lời dần xuất hiện đã khiến VN-Index rung lắc quanh vùng 1.250 điểm

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán